Theo một nghiên cứu mới của ĐH Washington (Hoa Kỳ), một thói quen nhiều người mắc phải đang gây ra cái chết của hàng triệu người mỗi năm, cao hơn cả thuốc lá.
Thuốc lá có hại - đây là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Khói thuốc chứa hàng nghìn hóa chất độc hại, trong đó ít nhất là 60 chất có khả năng gây ung thư.
Bởi vậy mà mỗi năm trên thế giới có ít nhất 5 triệu trường hợp tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, theo số liệu của WHO.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí khoa học Lancet, con người còn có một thói quen nữa có hại còn hơn cả thuốc lá. Tệ hơn, đây là thói quen mà rất nhiều người trên thế giới đang mắc phải.
Đó là thói quen ăn uống không lành mạnh
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Washington (Hoa Kỳ) đã phân tích số liệu về thói quen ăn uống của người dân tại 195 quốc gia, để xem mối liên hệ giữa việc ăn uống không đảm bảo với tỉ lệ tử vong. Kết quả, có đến 11 triệu người chết vì ăn uống không lành mạnh mỗi năm - hơn gấp đôi so với thuốc lá.
Theo Ashkan Afshin - phó giáo sư dịch tễ học tại ĐH Washington, chủ nhiệm nghiên cứu - thì nhìn chung, chế độ ăn quá nghèo nàn là nguyên nhân gây tử vong của rất nhiều trường hợp trên thế giới, hơn cả những nguyên nhân như thuốc lá.
Ông cho biết lý do không chỉ nằm ở chứ người ta ăn, mà còn nằm ở thứ mà họ không chịu ăn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 3 triệu trường hợp tử vong với nguyên nhân liên quan đến việc ăn quá nhiều muối. Tuy nhiên, 3 triệu trường hợp khác là do ăn quá ít ngũ cốc, và 2 triệu trường hợp là do thiếu trái cây.
Afshin cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã lấy số liệu từ các khảo sát về chế độ ăn, doanh số thực phẩm, và chi tiêu của từng hộ gia đình trong vòng 3 thập kỷ qua để đánh giá tác động của chế độ ăn đến các căn bệnh nguy hiểm có liên quan - như bệnh tim.
Trong năm 2017, bệnh tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu có liên quan đến chế độ ăn gây ra tử vong, nhiều hơn cả ung thư và tiểu đường.
"Kết quả nghiên cứu được đưa ra trên dữ liệu có giới hạn, nhưng kết luận trùng khớp với đa số báo cáo lớn từ các cơ sở y tế quốc gia," - trích lời Marion Nestle, giáo sư dinh dưỡng tại ĐH New York (Hoa Kỳ). Bà cho biết hiện tại các chuyên gia đang hướng đến một chế độ ăn cân bằng và nhiều rau củ hơn.
Theo Afshin, một trong những chế độ ăn lành mạnh nhất hiện tại là chế độ Địa Trung Hải (Mediterranean diet) - giàu chất béo lành mạnh và chất xơ có lợi cho tim, và những quốc gia theo chế độ ăn này có tỉ lệ tử vong liên quan thấp nhất.
Bruce Lee - phó giáo sư sức khỏe tại ĐH Johns Hopkins cũng tỏ ra đồng tình.
Theo ông, nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng mới củng cố quan điểm rằng chế độ ăn có thể gây ra những căn bệnh liên quan, và dần trở thành nguyên nhân gây chết người nhiều nhất thế giới.
"Chế độ ăn có thể gây ra những căn bệnh không lây nhiễm (noncummunicable disease) khi làm tăng cân nặng, tăng huyết áp, tăng nồng độ mỡ và đường trong máu."
Tuy nhiên, Lee cho rằng dinh dưỡng chỉ là một phần của câu chuyện. Các yếu tố như tần suất vận động, môi trường, tình trạng kinh tế, xã hội... cũng có vai trò quan trọng.
Nhưng có thật là ăn uống thiếu lành mạnh còn nguy hiểm hơn thuốc lá?
Theo Nestle, việc tỉ lệ tử vong có liên quan đến chế độ ăn cao hơn thuốc là thực chất là do có rất nhiều người ăn uống thiếu lành mạnh. Người nào cũng cần phải ăn, trong khi không phải ai cũng hút thuốc lá. Có nghĩa, thuốc lá vẫn rất nguy hiểm, nhưng chế độ ăn cũng vậy.
Về nghiên cứu lần này, Afshin cho biết vai trò của nó là khuyến khích mọi người nên ăn uống lành mạnh hơn, đồng thời thúc đẩy các nhà chức trách nên tập trung quảng bá những chế độ ăn tốt cho sức khỏe, tăng cường các sản phẩm lành mạnh ra thị trường.