Từ "COVID-19" được phản chiếu trong một giọt chất lỏng ở đầu kim tiêm - Ảnh: REUTERS
Ngày 30-9, Hãng tin Reuters dẫn lại một số nghiên cứu mới về COVID-19. Nổi bật là nghiên cứu về thuốc kháng virus Molnupiravir, "sự thay đổi số phận tế bào", và vai trò quan trọng của một số gene.
Molnupiravir có thể có hiệu quả với bất cứ biến thể nào
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Molnupiravir - một loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 dạng uống đang thử nghiệm của hãng Merck & Co - có thể có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao.
Kết quả này được các nhà nghiên cứu trình bày tại hội nghị thường niên trực tuyến IDWeek 2021 của các tổ chức bệnh truyền nhiễm vào ngày 29-9.
Molnupiravir không tấn công protein gai của virus - thứ mà các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay đều nhắm tới. Thay vào đó, thuốc này tấn công một enzyme mà virus sử dụng để tự sao chép mình.
Thuốc được thiết kế để đưa lỗi vào mã gene của virus. Các dữ liệu cho thấy thuốc hiệu quả nhất khi bệnh nhân uống vào giai đoạn mới nhiễm.
Công ty Merck & Co đang tiến hành 2 cuộc thử nghiệm lớn giai đoạn cuối, một là khả năng điều trị COVID-19 và hai là khả năng giúp phòng tránh bệnh của loại thuốc này.
Sự thay đổi số phận tế bào
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trường Y Weill Cornell Medicine ở New York cho biết khi virus SARS-CoV-2 nhiễm vào các tế bào, nó không chỉ làm suy yếu hoạt động của tế bào mà còn có thể làm thay đổi chức năng của tế bào.
Ví dụ khi các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy bị nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng không chỉ sản xuất ít insulin hơn bình thường mà còn bắt đầu sản xuất glucose và các enzyme tiêu hóa, vốn không phải là chức năng của các tế bào này.
"Chúng tôi gọi đây là sự thay đổi số phận tế bào" - trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Shuibing Chen, cho biết.
Bà Chen đã trình bày công trình trên tại hội nghị thường niên trực tuyến của Hiệp hội châu Âu về nghiên cứu bệnh tiểu đường hôm 28-9.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Cell Metabolism trước đây, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng họ không rõ liệu những thay đổi như vậy có kéo dài hay không, hay là đảo ngược được hay không.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở Surabaya, Indonesia ngày 30-9 - Ảnh: AFP
Bà Chen cho biết một số người phục hồi vượt qua được COVID-19 đã phát triển bệnh tiểu đường ngay sau khi nhiễm bệnh.
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Chen đã tiến hành thử nghiệm với virus SARS-CoV-2 trong các nhóm các tế bào được thiết kế nhằm tạo ra các tiểu cơ quan (organoid) giống như phổi, gan, ruột, tim và hệ thần kinh.
Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy tình trạng mất bản chất/chức năng của tế bào cũng có thể xảy ra trong các mô phổi.
Một số gene nhất định có thể bảo vệ người mắc COVID-19
Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học Sao Paulo (Brazil), công bố trên tạp chí Frontiers in Immunology hôm 28-9, tập trung vào các cặp vợ chồng đều phơi nhiễm với COVID-19, nhưng chỉ có một người nhiễm bệnh. Nghiên cứu này giúp làm rõ tại sao một số người có khả năng chống chọi tự nhiên với virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các trường hợp như vậy rất hiếm. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 86 cặp vợ chồng được chọn để phân tích chi tiết.
Kết quả cho thấy những người chống chọi tốt với virus thường có các gene góp phần kích hoạt hiệu quả hơn các tế bào tiêu diệt tự nhiên (gọi là tế bào NK), vốn là một phần của phản ứng ban đầu của hệ miễn dịch với mầm bệnh.
Khi các tế bào NK được kích hoạt đúng, chúng có thể nhận biết và phá hủy các tế bào bị nhiễm virus, ngăn chặn bệnh phát triển.
Các phát hiện nói trên vẫn chưa được giới chuyên môn chứng thực và cần thêm nhiều nghiên cứu khác để khẳng định. Tuy nhiên, đây là những phát hiện mới đáng quan tâm và theo dõi.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online