Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thông báo của UBND TP.HCM, ở quy mô quận huyện, đã có 18 địa phương của TP.HCM đạt cấp độ 1 (vùng xanh) gồm quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.
Và chỉ còn 4 địa phương đạt cấp độ 2 là quận 1, 10, Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Như vậy, TP Thủ Đức tăng từ cấp 1 lên cấp 2 và không còn địa phương có cấp độ 3, 4.
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng WHO, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến khó lường.
Tại TP.HCM, số ca mắc COVID-19, số ca chuyển nặng và tử vong giảm sâu. ÔngThượng cho rằng TP có cơ sở và niềm tin để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
TP.HCM cũng đã xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron, có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ tại địa phương.
TP bắt đầu ghi nhận một số người gặp vấn đề về sức khỏe sau khi mắc COVID-19 khá đa dạng, bao gồm mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần…
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tỉ lệ tử vong giảm về gần bằng 0 ở nhóm đã tiêm mũi vắc xin bổ sung/nhắc lại
Theo thống kê của Bộ Y tế, mặc dù TP.HCM - địa phương có số mắc COVID-19, số tử vong cao nhất nước - đã giảm sâu, nhưng lại tăng ở nhiều tỉnh thành khác nên số ca tử vong hằng ngày vẫn ở mức trên 200 ca, như ngày 8-1 lên tới 240 ca, tăng cao so với tháng 10 và đầu tháng 11-2021.
Các chuyên gia cho biết đến nay, Việt Nam đã tiêm được trên 10 triệu mũi 3 (bao gồm cả mũi 3 cho người tiêm vắc xin lịch tiêm 3 mũi là Abdala), một nghiên cứu quy mô nhỏ thực hiện tại Hà Nội cho thấy khoảng 20-30% người tiêm đủ 2 mũi có nồng độ kháng thể thấp, nhưng khi tiêm mũi bổ sung/nhắc lại thì kháng thể bảo vệ gia tăng ở hầu hết người tiêm.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu về tỉ lệ tử vong ở người đã tiêm đủ 3 mũi và mắc COVID-19, nhưng ở một số quốc gia đã tiêm mũi 3 và đã khảo sát cho thấy có tỉ lệ tử vong ở người tiêm đủ 2 mũi và mắc COVID-19 cho thấy người tiêm 3 mũi thì tỉ lệ tử vong giảm về gần bằng 0.
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thời điểm phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Hà Nội điều chỉnh việc phân luồng, tiếp nhận bệnh nhân
Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của Hà Nội về việc này, sau thời gian Hà Nội liên tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước. Hà Nội đang xếp nhóm nguy cơ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đã chỉ đạo bệnh viện tầng 3 tiếp nhận bệnh nhân nhóm nguy cơ cao (có tình trạng cấp cứu, chỉ số SpO2 dưới 90%).
Các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm 5 bệnh viện Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông và Sơn Tây, các bệnh viện trung ương, bộ ngành trên địa bàn, riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân liên quan sản khoa.
Điểm này thay đổi so với trước đây khi bệnh viện tầng 3 của Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, chưa tiêm đủ vắc xin, có bệnh lý nền và có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.
Với các F0 có bệnh lý nền, phụ nữ vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ dưới 3 tháng tuổi và F0 có SpO2 90-96% điều trị tại bệnh viện tầng 2. Trước đây bệnh viện tầng 2 tiếp nhận F0 triệu chứng nhẹ, trung bình hoặc nguy cơ cao, nay nguy cơ cao sẽ điều trị tại tầng 2, còn lại nguy cơ thấp và trung bình điều trị tại tầng 1.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bắc Giang sẽ tiêm phủ vắc xin mũi 3 cho 75% công nhân trước Tết
Trong số 187.000 lao động ở các khu công nghiệp tại Bắc Giang, hơn 50% số công nhân đã được tiêm mũi 3, dự kiến số người lao động được tiêm sẽ tăng lên 75% (khoảng 140.000 người) trước Tết Nguyên đán.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang ngày 8-1. Theo lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận trên 140 ca COVID-19. Tổng số ca mắc từ ngày 26-10 đến nay là hơn 3.000 ca.
Dự báo thời gian tới, tỉnh sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ không rõ ràng, liên quan đến các chùm ca bệnh cũ, rải rác trong cơ sở sản xuất, nhà máy, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định khả năng công nhân từ khu công nghiệp về quê ăn Tết sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do vậy, Bắc Giang đề nghị các khu công nghiệp đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 cho người đủ điều kiện.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương lưu ý các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 cho công nhân trong và ngoài khu công nghiệp.
Địa bàn tập trung nhiều lao động, giáp ranh với Bắc Ninh, Hà Nội… phải tiêm phủ mũi 3. Bảo đảm vận chuyển nông sản lưu thông dịp gần Tết, hai huyện Lục Ngạn, Lạng Giang ưu tiên tiêm phòng cho các lái xe.
Nhân viên y tế đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân trên địa bàn quận Tân Bình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 8-1 thông báo 24 giờ qua thêm 2.791 ca COVID-19 mới. Trong số này có 504 ca cộng đồng, số còn lại đã được cách ly. Trong 7 ngày từ 2 đến 8-1, Hà Nội công bố gần 17.500 ca mắc mới. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 68.147 ca..
Số F0 tại Hà Nội khẳng định dương tính qua test nhanh chiếm tỉ lệ lớn. Ngày 7-1, có hơn 2.700 F0 mới, chỉ có hơn 700 F0 khẳng định dương tính qua PCR. Từ ngày 15-12-2021 tới hết ngày 7-1-2022, có hơn 25.200 F0 phát hiện qua test nhanh.
- Tối 8-1, Hà Nam cho biết, cùng với 95 ca COVID-19 vừa mới phát hiện trong ngày, hiện tại tỉnh ghi nhận 3.097 ca COVID-19 trong đợt dịch mới. Phân bố: tại các khu công nghiệp: 650; tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp: 413; TP Phủ Lý: 807; huyện Bình Lục: 154; huyện Duy Tiên: 202; huyện Lý Nhân: 145; huyện Kim Bảng: 249; huyện Thanh Liêm: 284.
- Hải Phòng ngày 8-1 có 751 ca COVID-19 mới, công bố khỏi bệnh cho 110 bệnh nhân, nâng tổng số ca xuất viện đến thời điểm này là 6.508 người. Hiện số bệnh nhân nguy kịch là 47 ca. Đến 18h ngày 8-1, tại các cơ sở cách ly tập trung: 414 người; tại các khách sạn: 293 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 30.162 người.
- Tại Quảng Ninh, ngày 8-1 có thêm 343 ca mắc mới ở TP Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên. Trong đó, 34 trường hợp đã quản lý, cách ly và 309 ca phát hiện tại cộng đồng. Đáng chú ý, tại thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều và TP Hạ Long có số ca mắc nhiều nhất trong ngày.
- Hải Dương ngày 8-1 ghi nhận 181 ca mắc mới ở 9 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố. Trong đó, 130 F1, 13 bệnh nhân ho sốt cộng đồng, 17 ca sàng lọc cộng đồng, 3 ca sàng lọc bệnh viện và 18 ca về từ các tỉnh khác. Có thêm 181 bệnh nhân được điều trị khỏi xuất viện về nhà tiếp tục cách ly.
- Tây Ninh ngày 7-1 có 588 ca COVID-19, nâng tổng số mắc từ đầu vụ dịch đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh là 91.292 người. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi của tỉnh là 81.639 người.
- Quảng Bình từ 6h ngày 7-1 đến 6h ngày 8-1 ghi nhận thêm 77 ca COVID-19, trong đó có 72 cộng đồng. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.160; số ca điều trị khỏi là 3.609, còn 177 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 299 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online