Trước khi chuyển tới bệnh nhân, kit xét nghiệm và thuốc được cán bộ y tế ở Hà Nội kiểm tra kỹ số lượng, hạn sử dụng... - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước Omicron. WHO thông báo đã ghi nhận biến chủng Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ (có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar...). Nguy cơ gia tăng ca mắc, quá tải hệ thống y tế, tỉ lệ tử vong cao hiện hữu.
Báo Sức Khỏe Đời Sống - cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế - trích dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng ở người mắc COVID-19 biến chủng Delta đã tiêm đủ 2 mũi, nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta.
Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron.
Phó thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không để người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vắc xin COVID-19.
Bộ Y tế phải đảm bảo cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM sẽ tổ chức chương trình chào năm mới nếu dịch ở cấp độ 1, 2
TP.HCM vừa có văn bản cho biết nếu dịch ở cấp độ 1, 2 sẽ tổ chức chương trình đón chào năm mới đêm 31-12 tại công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn (từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur), quận 1.
Các tuyến đường khác ở trung tâm thành phố cũng được trang trí ánh sáng nghệ thuật. Tại TP Thủ Đức, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cũng sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đón chào năm mới vào đêm 31-12-2021 và 1-1-2022.
Trường hợp dịch ở cấp độ 3, 4, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và TP Thủ Đức, các quận, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức, chủ động giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch.
Theo thông báo của TP.HCM, đến thời điểm này, TP.HCM đang ở cấp độ dịch 2 trên quy mô toàn TP, ở quy mô quận huyện có 10 quận huyện đạt cấp độ dịch 1 (vùng xanh), 11 quận huyện cấp độ 2 (vùng vàng), riêng quận 10 ở cấp độ dịch 3 (vùng cam, nguy cơ cao).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM dự kiến hoàn thành phủ liều vắc xin bổ sung và nhắc lại vào tháng 1-2022
Nhằm tăng cường miễn dịch phòng COVID-19, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã ban hành công văn số 4332 về việc điều chỉnh tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại.
TP điều chỉnh rút ngắn thời gian tiêm vắc xin COVID-19 liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dành cho người trên 18 tuổi. Người thuộc nhóm nguy cơ, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhóm ưu tiên triển khai trước.
Liều bổ sung sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc 2 nhóm có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng và nhóm người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.
Những trường hợp này sẽ được tiêm mũi 3 sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Việc tiêm chủng phải đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên. Sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Liều nhắc lại sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng, ưu tiên cho người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đối với những người đã mắc COVID-19, nếu chưa được tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại thì tiêm theo hướng dẫn như trên, ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.
TP.HCM dự kiến sẽ hoàn thành việc bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TP trong tháng 1-2022.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hà Nội hướng dẫn sử dụng thuốc kháng virus cho người mắc COVID-19
Sở Y tế Hà Nội vừa có hướng dẫn triển khai chương trình sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) có kiểm soát cho người mắc COVID-19 thể nhẹ. Theo đó, thuốc sẽ được cấp phát có kiểm soát cho người bệnh từ 18 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm (cả xét nghiệm nhanh và PCR) dương tính trong vòng 5 ngày.
Ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên hoặc có bệnh nền, cam kết đồng ý tham gia chương trình, không có chống chỉ định dùng thuốc. Trường hợp bệnh nhân cách ly điều trị tại nhà, chỉ bệnh nhân có quyết định/công văn của cấp có thẩm quyền cho cách ly tại nhà mới được cấp phát thuốc.
Hà Nội cũng giao Bệnh viện Đống Đa là đầu mối phân phối thuốc Molnupiravir cho các bệnh viện, trung tâm y tế quận huyện.
Trong những ngày gần đây, Hà Nội liên tục có số mắc mới COVID-19 hằng ngày ở mức cao nhất cả nước (1.500 - 1.600 ca/ngày), số ca tử vong cũng gia tăng. Hà Nội mới tham gia chương trình điều trị bằng Molnupiravir từ ngày 13-12, chậm hơn nhiều tỉnh thành.
F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 22-12 thông báo 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.646 ca COVID-19 mới, trong đó có 483 ca cộng đồng, 1.074 ca tại khu cách ly và 89 ca tại khu phong tỏa. Trong 1 tuần qua, có hơn 4.200 F0 khẳng định dương tính qua test nhanh. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (230); Hà Đông (165); Long Biên (139); Ba Đình (134); Đông Anh (132); Bắc Từ Liêm (96); Hai Bà Trưng (93).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 32.044 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng có 11.639 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 20.405 ca.
- Từ ngày 5-10 đến ngày 22-12, tỉnh Sơn La ghi nhận 441 ca F0 ở các huyện, thành phố, trong đó có 220 trường hợp phát hiện tại cộng đồng… Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng Omicron, Sơn La đang khẩn trương thực hiện tiêm chủng an toàn, không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm (kể cả mũi tăng cường).
- Tính đến 18h ngày 22-12, Hải Phòng ghi nhận thêm 292 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 5.044 ca. Đáng chú ý, trong số này hầu hết là dân tự nguyện đi làm xét nghiệm và diện F1 của F0 trước đó. Hải Phòng cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 9, hồi phục xuất viện 1.580 ca, số ca đang điều trị hiện nay là 3.455 ca.
- Sáng 22-12, Quảng Ngãi thông tin vừa ghi nhận thêm 171 ca COVID-19, trong đó có 120 ca cộng đồng, 47 ca đã cách ly y tế do liên quan tới các F0 và 4 ca là người về từ vùng dịch COVID-19. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 4.616 ca COVID-19.
- Từ 18h ngày 21-12 đến 11h ngày 22-12, tỉnh Bến Tre có 355 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 23.452 ca. Trong đó, có 11.291 ca được điều trị khỏi bệnh, 127 ca tử vong. Tính đến hết ngày 20-12, toàn tỉnh đã phủ 1 mũi vắc xin COVID-19 cho 1.025.354 người từ 18 tuổi trở lên, đạt 98,7%; 956.136 người được tiêm mũi 2, đạt 92%.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online