Một tin vui đến với những bệnh nhân ung thư vú khi các nhà khoa học tìm ra liệu pháp kết hợp rosiglitazone cùng trametinib khiến tế bào ung thư vú chuyển thành tế bào mỡ và không còn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Ước tính từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy khoảng 2,1 triệu phụ nữ nhận được chẩn đoán ung thư vú mỗi năm. có 627.000 phụ nữ đã chết vì căn bệnh này vào năm 2018. Gần đây, các nhà khoa học đã phát triển một sự kết hợp thuốc mới làm cho các tế bào ung thư vú xâm lấn biến thành tế bào mỡ để chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Theo Live Science, phát hiện trên được đăng tải trên tạp chí Cancer Cell. Trước đó, các nhà khoa học từ Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã cấy tế bào ung thư vú ở người lên chuột bạch và sử dụng cách thức di căn của ung thư để chống lại chính nó.

Khi bạn cắt phải ngón tay hoặc khi thai nhi phát triển cơ quan, các tế bào biểu mô chuyển đổi sang tế bào trung mô, sau đó biến thành các tế bào mà cơ thể đang cần. Quá trình này gọi là chuyển dạng biểu mô – trung mô (EMT). Ngược lại với EMT là chuyển dạng trung mô – biểu mô (MET). Lợi dụng cả EMT lẫn MET, ung thư lan rộng, di căn khắp các bộ phận.

Sau khi bị cấy tế bào ung thư vú, các con chuột bạch được điều trị bằng thuốc tiểu đường rosiglitazone và thuốc ung thư trametinib. Nhờ hai loại thuốc này, quá trình di căn của ung thư trở thành quá trình tạo mỡ và tế bào ung thư trở thành tế bào mỡ.

42 1 Tin Vui Tim Ra Cach Bien Te Bao Ung Thu Thanh Mo

Các tế bào ung thư màu xanh trở thành tế bào mỡ màu nâu. Ảnh: University of Basel.

“Các tế bào ung thư vú trải qua EMT không chỉ trở thành tế bào mỡ mà còn hoàn toàn ngừng sinh sôi”, ông Gerhard Christofori, nhà hóa sinh tại Đại học Basel dẫn đầu công trình cho biết. “Từ những thí nghiệm nuôi cấy dài hạn, chúng tôi cũng nhận thấy tế bào ung thư đã thành tế bào mỡ không chuyển lại về tế bào ung thư”.

Trametinib và rosiglitazone đều đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt nên dễ dàng đưa vào thử nghiệm trên người. Trong thời gian chờ đợi, các nhà nghiên cứu Đại học Basel đang tìm hiểu xem liệu pháp này có tác dụng với các loại ung thư khác và có thể kết hợp với hóa trị được hay không. 

 

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC