Tác dụng của tỏi theo y học hiện đại.
Ảnh: Pinterest
Tỏi thuộc họ hành, củ tỏi mà chúng ta vẫn dùng thực chất là dò của cây tỏi. Nghiên cứu thành phần hóa học người ta thấy rằng trong tinh dầu tỏi có rất nhiều chất Alixin là một chất kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh với các loại tụ cầu khuẩn, thương hàn, lị, tả… Tại trung Quốc, tỏi đã chữa lị amip với kết quả khỏi đạt tới 80%. Tỏi cũng chữa khỏi lị trực khuẩn với tác dụng lên đến 85%.
Tác dụng theo Đông y
Theo Đông y, tỏi có tên là Đại toán, Hồ. Tỏi vị cay tính ấm có tác dụng khai vị, kiện tỳ, thông khiếu, thông sướng ngũ tạng, khử hàn thấp, giải thử khí, phòng bệnh dịch, tiêu thũng trướng, hóa nhục thực (đầy bụng do ăn nhiều thịt), thông quan cách, sát trùng…
Tỏi giã nhỏ đắp vào huyệt Dũng tuyền có thể dẫn nhiệt đi xuống dưới nên chữa được những chứng đổ máu cam nhiều không dứt.
Trong môn châm cứu, còn dùng cứu cách tỏi để chữa các chứng mụn nhọt, ung thũng…
Vì sao không nên dùng tỏi ngâm rượu, ngâm mật ong?
Tuy tỏi có nhiều công dụng rất đáng quý nhưng theo Đông y, tỏi có tính thơm hắc bốc lên rất mãnh liệt, ăn nhiều sẽ tổn hại Tỳ, Phế, sinh đàm, làm động hỏa khí, làm hao tán khí huyết, gây mờ mắt, thần trí mất đi sự minh mẫn. Tỏi không nên dùng dài ngày, cũng như dùng cho những người có thể trạng nhiệt, âm hư hỏa vượng, người có thai.
Đặc biệt khi tỏi ngâm cùng rượu, vì rượu cũng có tính nóng, thăng phát rất mạnh nên khi uống nhiều càng làm tăng những tác dụng không mong muốn kể trên.
Ảnh: clemson.edu
Theo sách Bản thảo cầu chân, Bản thảo bị yếu, tỏi cấm kị dùng cùng các loại mật. Theo danh y Tôn Tư Mặc, sách Đắc phối bản thảo, ăn tỏi cùng mật gây chết người. Các tài liệu y học cổ của Trung Quốc và Việt Nam cũng không ghi chép lại cách dùng tỏi ngâm mật ong nên theo một số thầy thuốc Đông y hiện này chúng ta không nên dùng tỏi theo cách này.
Nguồn: Thác Chi
DKN.TV