Theo nghiên cứu của đông y, dừa vị ngọt, tính bình, sinh tân, lợi niệu, sát trùng. Trái dừa có thể dùng chữa trị các chứng bệnh viêm nhiệt, háo khát, tân dịch, bị tổn thương, miệng nôn trôn tháo, phù nề, tiểu tiện ít, bệnh về ký sinh trùng đường ruột, bị lở loét, viêm da… Ăn cùi và uống nước dừa có thể làm da dẻ mịn màng.
Có thể nói dừa là một loại quả “diệu kỳ” khi tất cả từ vỏ, ruột, nước, dễ đều có thể dùng làm thuốc!
Trái dừa trong Đông y và khoa học
Các sách y dược, Hải dược bản thảo có ghi: Dừa “chủ yếu là tiêu khát, chữa thổ huyết, phù thũng, trừ phong nhiệt” (phong nhiệt là phong tà kết hợp với nhiệt tà gây nên bệnh, thường xuất hiện các triệu chứng như phát sốt, nhức đầu, gai rét, sợ gió, ra mồ hôi, tắc mũi, ho, họng rát đau, khát nước, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng, mỏng, hơi vàng, mạch phù sác). Còn sách Trung Quốc Dược thực đồ giám có ghi : Dừa có tác dụng “tư bổ, thanh thử, giải khát” và tiêu cam (bệnh trẻ con bụng ỏng da vàng), tẩy giun sán, kết hợp với mật để chữa chứng gầy yếu xanh xao ở trẻ nhỏ”.
Trái dừa dựa theo lý luận của y học cổ truyền, nước dừa có vị ngọt, mát, tính bình, có tác dụng tiêu khát, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu. Nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày. Ngoài ra còn có thể lấy nước dừa trong điều kiện vô khuẩn thay dung dịch truyền và pha chế thuốc.
Theo cuốn “Thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam”(1995), 100g phần ăn được của cùi dừa non chứa protein toàn phần 3,5g, lipid 1,7g, glucid 2,6g, cellulose 3,5g, vitamin B1 0,04mg, vitamin B2 0,03mg, vitamin PP 0,8mg, vitamin C 6mg. Nước dừa chứa 95,5% là nước, protein 0,1%, lipid 0,1%, chất vô cơ 0,4%, carbohydrate 4,0%, Ca 0,02%, P dưới 0,01%, sắt 0,5mg%, nhiều axit amin (arginin, alanin, cystein và serin), vitamin C 2,2-3,7mg%, nhiều vitamin trong nhóm B.
Các công dụng của dừa với sức khỏe
1.Giảm nguy cơ mất nước
Nhờ nước dừa rất giàu kali và các khoáng chất khác nên nó điều hòa dịch nội bộ và bổ sung nước cho cơ thể. Nó đã được dùng để điều trị chứng mất nước mỗi khi bạn bị bệnh lỵ, dịch tả, tiêu chảy, cúm và sự cân bằng chất điện phân.
Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bất thường của đường tiêu hóa, tạm biệt nhiệt miệng và nhanh chóng hồi phục cơ thể sau khi mất nước.
2.Có lợi cho hệ tiêu hóa
Nước dừa chứa axit lauric mà khi vào cơ thể chúng sẽ chuyển đổi thành monolaurin. Monolaurin sẽ giúp kháng vi-rút, kháng khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa khác ở trẻ em và người lớn.
Ngoài ra, nước từ dừa đóng vai trò như một loại thuốc kháng sinh và là một phương thuốc đơn giản cho những vấn đề về đường ruột. Bạn có thể áp dụng bằng cách trộn một thìa cà phê dầu ôliu vào một cốc nước dừa và uống hàng ngày (ít nhất ba ngày/ tuần).
Đối với các vấn đề về táo bón, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa thông thường khác nên uống một cốc nước dừa ngày 2 lần.
4.Tốt cho tim mạch
Theo các nhà nghiên cứu, những nhân có huyết áp cao thường có mức độ kali thấp. Vì vậy, uống nước dừa thường xuyên có thể khá hiệu quả trong việc điều hòa huyết áp do nồng độ cao kali và axit lauric.
Tương tự, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nước dừa có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol, và làm cho nó là một thứ nước tuyệt vời tự nhiên để điều trị duy trì sức khỏe tim mạch.
5.Làm đẹp da, giảm cân
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cytokinin được tìm thấy trong nước dừa giúp điều chỉnh sự phát triển tế bào da. Bên cạnh đó trong nước dừa có chứa acid lauric có thể giảm thiểu sự lão hóa của tế bào da, cân bằng độ PH và giữ cho các mô da liên kết mạnh mẽ, làm ẩm cho da.
Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, nước dừa là một trong những loại nước tốt nhất bạn có thể uống. Thay vì các loại sinh tố hay đồ uống nhiều calo, nước dừa là lựa chọn tuyệt vời nhất nếu bạn muốn một loại nước vừa tự nhiên, vừa ngon, giúp cơ thể khỏe và đẹp. Nước dừa rất giàu chất dinh dưỡng, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất bằng cách cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể.
10 bài thuốc thường dùng từ dừa
Bài thứ nhất: Dừa dùng lấy nước uống, mỗi ngày 3 lần. Thích dụng với người bị chứng viêm nhiệt, háo khát, tổn thương tân dịch (các chất dịch dinh dưỡng trong cơ thể), mồ hôi ra nhiều, bị phù thũng, nước tiểu ít và đỏ.
Bài thứ hai: Nước dừa 1 ly, cho thêm đường, muối để uống. Có tác dụng ích khí sinh tân. Thích dụng với những người sau khi xuất huyết nhiều hoặc miệng nôn trôn tháo, người suy yếu, ẻo lã, mệt mỏi rã rời.
Bài thứ ba: Dừa 1 quả uống nước, ăn cùi. Mỗi ngày ăn uống vào lúc sáng sớm bụng còn đói, sau ba giờ lại ăn tiếp, có tác dụng sát trùng đường ruột, phù hợp với những người bị bệnh sán lát gừng, sán dây.
Bài thứ tư: Cùi dừa nửa đến 1 quả, hằng ngày ăn vào buổi sáng và tối, có tác dụng nhuận tràng. Thích dụng với những người bị bệnh táo bón, bí đại tiện.
Bài thứ năm: Cùi dừa nửa quả nạo thành miếng nhỏ một, cho vào nấu cháo với ít gạo nếp, ngày ăn 2 lần. Có tác dụng kiện tỳ khai vị. Thích dụng với những người bị ốm lâu ngày mới khỏi, cơ thể còn suy nhược, ăn uống kém.
Bài thứ sáu: Dầu dừa (ép từ cùi ) : dùng bôi ngoài da, có thể chữa trị được các bệnh ghẻ lở, bệnh nấm, bệnh nẻ …
Bài thứ bảy: Vỏ quả dừa 30g, sắc lấy nước uống, ngày 2 lần. Có tác dụng hoạt huyết hết đau. Phù hợp với những người bị trúng phong, bị đau tim, đau khớp.
Bài thứ tám: Vỏ quả dừa đem đập dập vỏ, sắc lấy nước dùng để rửa ngoài vết thương, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp sát trùng. Dùng cho người bị bệnh mẩn ngứa, bị nấm ngoài da.
Bài thứ 9: Giã vụn phần vỏ cứng của quả dừa, thêm nước rồi sắc cô đặc để rửa vết thương, dùng ngày vài lần khi bị viêm da.
Bài thứ 10: Phơi khô 80g rễ dừa, thêm nước sắc rồi lọc bỏ bã, cho chút đường để dễ uống. Dùng liên tục trong 5-10 ngày để trị bệnh bạch hầu.
Một số lưu ý khi sử dụng nước dừa
Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất vị ngon, nên để nguyên quả để uống. Uống càng sớm ngay sau khi hái, nước dừa càng lưu giữ được lượng dinh dưỡng cao.
Nước dừa có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên,không nên lạm dụng (ngày uống hơn 3 – 4 trái và uống liên tục nhiều ngày). Theo kinh nghiệm dân gian, uống nước dừa không đúng cách sẽ bị một số phản ứng như:
Đi ngoài trời nắng nóng, đến khi về nhà, vì khát nước nên uống quá nhiều nước dừa sẽ dẫn tới các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.
Trước cuộc thi đấu thể dục thể thao, nếu uống nước dừa quá nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.
Những người có thể tạng thuộc âm như: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp,… thì không nên dùng nước dừa.
Nguồn: Phụ nữ & Gia đình