Hơn 3 tuần sau khi được phát hiện ở Nam Phi vào cuối tháng 11, biến chủng Omicron đã châm ngòi cho đợt tái phong tỏa dịp Giáng sinh đầu tiên trên thế giới ở Hà Lan, cũng như những biện pháp hạn chế tại hàng loạt quốc gia khác, trong khi các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để hiểu rõ hơn về biến chủng mới.
Biến chủng Omicron hiện được xác định ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Anh đang là một trong những điểm nóng lớn nhất ở châu Âu với gần 25.000 ca nhiễm.
Tại Mỹ, biến chủng mới ước tính chiếm 3% số ca nhiễm vào giữa tháng 12 và Omicron đã được xác định ở ít nhất 30 bang cùng thủ đô Washington, D.C., theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Trong khi Omicron vẫn đang không ngừng lây lan, nhiều câu hỏi lớn về biến chủng này vẫn chưa được trả lời, trong đó có mức độ gây bệnh nặng của biến chủng và sự hiệu quả của mỗi loại vaccine hiện có đối với Omicron, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Người nhiễm biến chủng Omicron có những triệu chứng gì?
Theo CDC Mỹ, các triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất ở những bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron thường ở thể nhẹ, bao gồm ho, mệt mỏi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Những báo cáo ban đầu từ các bác sĩ tại ổ dịch từ Nam Phi cho thấy các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron ít diễn biến nặng hơn biến chủng khác.
Trả lời phỏng vấn Reuters, bác sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, chuyên gia đầu tiên cảnh báo cho giới chức y tế Nam Phi về biến chủng mới, cho biết các bệnh nhân của bà hầu hết chỉ có triệu chứng vừa và nhẹ.
"Triệu chứng nặng nhất mà tôi gặp phải ở những bệnh nhân của mình chỉ là tình trạng kiệt sức kéo dài từ một đến 2 ngày, sau đó là đau đầu, đau cơ", bác sĩ Coetzee nói.
Chuyên gia Nam Phi cho biết bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron ít diễn biến nặng hơn biến chủng khác. Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, các quan chức y tế cho biết vẫn còn quá sớm để biết được liệu biến chủng Omicron có thể chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ hơn cho người bệnh ở phần còn lại của thế giới hay không. Dân số Nam Phi tương đối trẻ so với nhiều quốc gia khác.
Theo nghiên cứu mới nhất về vấn đề này được công bố hôm 17/12, giáo sư Neil Ferguson, cố vấn y tế của chính phủ Anh, cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London cho biết không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Cơ quan An ninh Y tế Anh và dịch vụ y tế của nước này, trong đó ghi nhận tất cả ca nhiễm được xác nhận bằng PCR ngày 29/11-11/12.
Nhóm chuyên gia cũng xác định biến chủng Omicron gây nguy cơ tái nhiễm gấp 5 lần Delta.
Điều gì khiến Omicron khác Delta và các biến chủng khác?
Trong các biến chủng của SARS-CoV-2 gây lo ngại trong danh sách do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, Omicron có nhiều đột biến nhất: 50 đột biến, bao gồm hơn 30 đột biến tác động tới protein gai, cấu trúc giúp virus bám được vào các tế bào của người nhiễm bệnh.
Một số các đột biến trên đã được phát hiện ở các biến chủng trước đó và được xác định sẽ làm tăng độ nguy hiểm của virus.
Một trong số các đột biến này có tên gọi E484A, có nhiều điểm tương đồng với đột biến E484K.
E484K khiến các kháng thể và protein miễn dịch của cơ thể khó nhận diện virus hơn. Các protein miễn dịch là cơ sở cho phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể đơn dòng hiện nay.
Omicron cũng có chứa đột biến N501Y, loại đột biến giúp cho biến chủng Alpha và Gamma có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn virus Covid-19 nguyên bản.
Các đột biến chính của biến chủng Omicron: Ảnh: Financial Times.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, ông Scott Weaver, tiến sĩ khoa y của Đại học Texas cùng các cộng sự cho biết đột biến N501Y giúp cải thiện khả năng nhân bản tế bào của Covid-19 tại mũi và họng của người bệnh, làm tăng nguy cơ lan truyền virus khi người bệnh ho, hắt hơi hay sổ mũi.
Giống như biến chủng Delta, Omicron cũng có chứa đột biến D614G, giúp virus bám chặt vào tế bào của người bệnh.
"Nếu chỉ nói về số lượng đột biến thì không thể khẳng định rằng biến chủng này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm, mặc dù những đột biến này có thể khiến cơ thể gặp khó khăn trong nhận dạng virus", bác sĩ Peter English, nguyên chủ tịch Uỷ ban Y tế Công cộng của Hiệp hội Y khoa Anh cho biết.
Điều khiến các chuyên gia lo lắng nhất hiện nay chính là số lượng đột biến nằm ở protein gai của biến chủng Omicron. Đây chính là bộ phận của virus mà phần lớn loại vaccine hiện hành nhắm tới.
Hiệu quả của mũi vaccine tăng cường
Mặc dù Omicron là biến chủng có nhiều đột biến nhất cho tới nay, các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng việc tiêm vaccine sẽ có hiệu quả và khuyến khích người dân đi tiêm phòng sớm nhất có thể.
BBC hôm 17/12 cho biết các nhà nghiên cứu Anh đã phân tích tác động của mũi tiêm tăng cường với biến chủng Omicron và cho biết nó có tác dụng bảo vệ 85%, chống lại nguy cơ bệnh nặng.
Khả năng bảo vệ này thấp hơn một chút so với các loại vaccine được phát triển cho các phiên bản trước đó của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, điều này có nghĩa là liều vaccine nhắc lại sẽ giúp nhiều người không phải nhập viện.
Người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Nhà thờ Chester ở Anh. Ảnh: AFP.
Theo Financial Times, kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố hôm 13/12 cũng chứng minh việc tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 giúp tăng khả năng bảo vệ của vaccine trước biến chủng Omicron.
Theo số liệu của nghiên cứu, lượng kháng thể chống lại biến chủng Omicron ở những người được tiêm hai liều vaccine AstraZeneca hoặc BioNTech/Pfizer có sự sụt giảm mạnh so với biến chủng Delta.
Theo các nhà nghiên cứu, dù chưa có bằng chứng cho thấy những người nhiễm Omicron có triệu chứng nặng, biến chủng này có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn đối với những người đã được tiêm vaccine hoặc từng bị nhiễm virus, so với biến chủng Delta.
Theo giáo sư về bệnh truyền nhiễm Charles Bangham tại Đại học Hoàng gia London, các liều vaccine tăng cường giúp cơ thể nhận diện các đặc điểm khác biệt tại protein gai (bộ phận giúp virus bám vào tế bào của người bị lây nhiễm).
Các liều vaccine tăng cường cũng giúp bổ sung lượng kháng thể và tế bào T, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể.
"Liều vaccine tăng cường giúp tăng cường lượng kháng thể và tế bào T. Trong trường hợp bị tái nhiễm Covid-19, người bệnh sẽ không gặp phải những triệu chứng nặng và ít có nguy cơ lây truyền cho những người khác", giáo sư Bangham cho biết.
Theo giáo sư Đại học Oxford Teresa Lambe, một trong những người tham gia điều chế vaccine Covid-19 của AstraZeneca và đồng tác giả của nghiên cứu, liều vaccine thứ 3 giúp cơ thể có khả năng ghi nhớ miễn dịch tốt hơn
"Điều đó có nghĩa hệ miễn dịch của bạn sẽ phản ứng hiệu quả hơn khi phát hiện virus, tăng khả năng bảo vệ trước virus", bà Lambe cho biết.
Nguy cơ tái nhiễm ở người từng mắc biến chủng khác
Hiện chưa rõ liệu sự miễn dịch từ bệnh nhân từng mắc Covid-19 khỏi bệnh có thể ngăn tái nhiễm với Omicron hay không. Các nhà khoa học ở Nam Phi nói rằng họ đang chứng kiến sự gia tăng các ca tái nhiễm, báo hiệu khả năng qua mặt miễn dịch của Omicron với những người từng mắc biến chủng khác.
Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vaccine và từng mắc Covid-19 vẫn có thể được bảo vệ tốt hơn trước biến chủng Omicron.
Theo các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Nam Phi, các thí nghiệm với huyết tương cho thấy hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng khi nhiễm Omicron đạt 73% ở người đã tiêm chủng và từng mắc Covid-19, Bloomberg đưa tin ngày 16/12.
Sự kết hợp giữa vaccine và miễn dịch tự nhiên cũng giúp giảm 95% nguy cơ phát triển thành bệnh nặng ở người nhiễm chủng mới, nhóm nhà khoa học, dẫn đầu bởi giáo sư Alex Sigal, cho hay.
Bảo Châu
Nguồn: zingnews.vn