Sau tiêm vaccine COVID-19 nên kiêng ăn gì, uống gì là băn khoăn của nhiều người. Đặc biệt, những đồ uống quen thuộc như trà, cà phê có làm ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 hay không? Dưới đây là một số thông tin bạn đọc cần biết:
Ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng
Do caffeine có trong cà phê, trà, nước tăng lực… nên khi sử dụng những đồ uống này có thể làm tăng nhịp tim. Điều này xảy ra 15 phút sau khi uống cà phê và có thể kéo dài đến 6 giờ, chỉ với liều dùng khoảng 250mg đã có thể gây tác dụng tiêu cực đến hầu hết người sử dụng.
Vì vậy, trong lúc chờ tiêm chỉ nên uống nước lọc và ăn nhẹ. Trước tiêm nếu uống cà phê có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng. Nếu sau tiêm sức khỏe bình thường, không có các phản ứng phụ hay các triệu chứng tăng nhịp tim thì có thể uống cà phê.
Không nên uống cà phê trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Không sử dụng rượu bia sau tiêm vaccine COVID-19
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID -19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia.
Tuy nhiên, do rượu bia có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể mất nước... Rượu bia còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vaccine, đặc biệt là phản ứng sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19. Vì vậy nên tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm vaccine.
Tốt nhất, nên kiêng uống rượu bia trong vòng 3 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm chủng.
Tăng cường bù nước
Sau tiêm có thể có phản ứng sốt, đây là phản ứng thường gặp của hệ miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Khi bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19, cơ thể dễ mất nước, do đó việc bù nước là rất quan trọng. Nước lọc, nước trái cây là những đồ uống được ưu tiên.
Cách tính lượng nước bù cần theo cân nặng của mỗi người. Nhu cầu nước cơ bản của người trưởng thành là 35 - 40ml/kg/ngày. Đối với người lớn tuổi, lượng nước hàng ngày từ 30 - 35ml/kg/ngày.
Lưu ý nên bổ sung nước đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt là các thời điểm như sau khi thức dậy buổi sáng, giữa sáng đến trưa, giờ ăn trưa đến giữa buổi chiều, buổi chiều đến giờ ăn tối.
Ưu tiên uống nước ấm, uống từ từ từng ngụm. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp thêm vitamin C, A cần thiết cho cơ thể. Nếu có cảm giác ớn lạnh có thể pha nước gừng ấm, vì gừng có tính nóng nên rất hữu ích trong việc làm ấm cơ thể.
Các loại nước hoa quả tốt cho sức khỏe sau tiêm vaccine COVID-19.
Hạn chế đồ ăn cứng, khó tiêu hóa
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, cơ thể có thể sẽ xuất hiện phản ứng mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau... Vì vậy, không nên ăn đồ cứng, đồ khó tiêu hoá như phô mai, nước sốt kem, thịt và thức ăn chiên rán vì sẽ rất khó hấp thụ.
Người đi tiêm vaccine phòng COVID-19 về tốt nhất nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt băm với đậu xanh, súp rau... và chia nhỏ bữa ăn.
Tránh thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa
Các loại thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng và giấc ngủ bị xáo trộn, điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn sau khi tiêm.
Tất cả các loại đồ ăn vặt, nhất là đồ ăn ngọt như bánh kẹo đều phải được tránh trong vài ngày sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Có thể thay thế bằng trái cây, salad rau, bánh mì kẹp rau…
Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến chứa chất phụ gia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Cụ thể, người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo bão hòa có nguy cơ cao gây béo phì, viêm miễn dịch và kháng insulin, dẫn đến xơ gan, suy gan, rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch.
Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, đặc biệt là khi có tình trạng sốt sau tiêm vaccine nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm. Lưu ý bổ sung thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, ngô… Bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày.
An Bình (ghi)
Nguồn: suckhoedoisong.vn