Theo một nghiên cứu đánh giá ngang hàng, được công bố hôm 22/5 trên tạp chí The Lancet, các nhà khoa học điều chế thành công một liều vắc-xin duy nhất để tạo ra các kháng thể chống virus và các tế bào T, một loại tế bào miễn dịch.
Giáo sư Wei Chen, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Những kết quả này đại diện cho một cột mốc quan trọng".
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc sản xuất cả kháng thể và tế bào T là kết quả lý tưởng mà vắc-xin này đạt được. Một loại vắc-xin không chỉ kích hoạt cơ thể tạo ra các tế bào miễn dịch đặc hiệu với virus, mà còn hỗ trợ cơ thể đáp ứng miễn dịch bẩm sinh.
Tuy nhiên, sẽ còn phải mất nhiều thời gian để tạo ra loại vắc-xin tiềm năng cho việc sử dụng rộng rãi. Sẽ cần tiếp tục các thử nghiệm tiếp theo để xác định xem vắc-xin có bảo vệ chống nhiễm trùng một cách hiệu quả hay không, thay vì chỉ kích hoạt phản ứng miễn dịch với virus.
Giáo sư Chen cho biết: “Những thách thức trong việc phát triển vắc-xin COVID-19 là chưa từng có và khả năng kích hoạt các phản ứng miễn dịch này chưa hẳn đã cho thấy loại vắc-xin này sẽ bảo vệ con người khỏi COVID-19. Kết quả này cho thấy một khả năng đầy hứa hẹn cho sự phát triển của vắc-xin COVID-19, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để có thể cung cấp loại vắc-xin này cho tất cả mọi người”.
Các tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng nghiên cứu của họ bị hạn chế do kích thước mẫu nhỏ và thời gian ngắn, và nó cũng thiếu sự kiểm soát của một tổ chức.
Nghiên cứu do Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh thực hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, đã thử nghiệm các liều vắc-xin khác nhau ở 108 người trưởng thành khỏe mạnh không bị nhiễm coronavirus.
Theo nghiên cứu, vắc-xin không tạo ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở tất cả các liều và được dung nạp tốt ở những người trưởng thành.
Sau hai tuần, vắc-xin đã tạo ra các kháng thể chống virus ở tất cả các mức, với các kháng thể kích hoạt ở mức liều cao nhất trong 61% những người thử nghiệm.
Phần lớn những người tham gia đều tạo ra tế bào T kháng virus sau khi tiêm vắc-xin hai tuần.
Vắc-xin của Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh chỉ là một trong số hàng chục nghiên cứu trên toàn thế giới khi các cơ quan y tế công cộng tuyệt vọng tìm kiếm cách chữa trị đại dịch đã giết chết hơn 94.000 người chỉ riêng ở Mỹ.
Cũng hôm thứ sáu vừa qua, một loại vắc-xin thử nghiệm đầy hứa hẹn khác của Đại học Oxford đã đạt được dấu mốc quan trọng, và các nhà nghiên cứu tuyên bố họ sẽ tiến tới giai đoạn thử nghiệm tiếp theo với hơn 10.000 tình nguyện viên.
Theo TPO