Bài phát biểu với 10 lời vàng sau đây của GS nổi tiếng TQ đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Mỗi lời khuyên của ông đều vô cùng đáng giá cho những ai muốn sống khỏe mạnh.
Bài viết tuyệt vời này của Giáo sư Lưu Huyền Trọng, Chuyên gia Sức khỏe Bộ y tế Trung Quốc, nguyên Trưởng khoa Tim nội khoa, Bệnh viện Thiên Đàn, Bắc Kinh (TQ).
Ông từng gặp rất nhiều ca bệnh, đã đưa ra những phương án điều trị riêng biệt, chân thành, chuyên nghiệp. Từ đó, ông cũng đã chiêm nghiệm và đúc kết lại những kiến thức không có trong sách vở, ông hy vọng mọi người sẽ đọc và áp dụng cho chính mình. Bài phát biểu này đã được ông trình bày ở các hội thảo chuyên đề, sau đó được đăng báo để có cơ hội đến với nhiều người đọc hơn.
Theo giáo sư Trọng, mỗi một con người, sinh mệnh cuộc đời do cha mẹ sinh ra, nhưng con người ấy, muốn sống thọ sống khỏe được bao lâu, phần lớn do mình quyết định. Vì thế, đây đều là những kinh nghiệm về sức khỏe rất có giá trị.
Giáo sư Trọng vốn là một chuyên gia tim mạch nổi tiếng, có kiến thức sâu rộng về bệnh tim mạch sau hàng chục năm tiếp cận với bệnh nhân, vì thế ông lo lắng nhất cho tình hình bệnh tim phát triển hiện nay. Bài viết hơi dài, nhưng rất thiết thực, bạn hãy dành chút thời gian để đọc hết hoặc lưu lại tham khảo.
1. Sinh mệnh do cha và mẹ cho, tuổi thọ là do bản thân tích lũy, người trẻ tuổi không nên vội vàng dốc sức, sống liều mạng
Bạn ăn một bữa không khoa học, một vài ngày không vận động hoặc vận động không đủ, điều đó không có vấn đề gì lớn. Nhưng cứ như thế kéo dài thì sao?
Có những người được xem là tầng lớp tinh anh xuất chúng, vì công việc mà phải đành lòng dốc sức, chăm chỉ nỗ lực hết mình, làm thêm giờ bạt mạng. Điều đó vô hình chung cũng là cách “trồng mầm bệnh trong cơ thể và nuôi dưỡng nó mọc thành cây”. Sau một thời gian thì bệnh mới “bùng nổ”.
Một ví dụ khác là thói quen hút thuốc, uống rượu. Nhiều khi bản thân không muốn làm việc đó, nhưng lại nghĩ rằng mình phải làm quen với những điều đó rồi thể hiện bản lĩnh trước đám đông để khoa trương giá trị của mình?
Giáo sư Trọng cho rằng, hãy bước chân chậm lại mà sống, suy nghĩ về cách sống của mình. Những hành động bột phát nông nổi thời trẻ, đều để lại những hậu quả đáng tiếc khi có tuổi, rồi phải trả giá rất đắt khi về già.
Vì thế, khi còn đang trẻ tuổi, bạn đừng liều mạng bán sống bán chết làm những việc ảnh hưởng đến sức khỏe, lấy lý do “bận rộn” để ràng buộc chúng vào bản thân, bắt cơ thể phải sống cùng và chịu đựng.
Trong tiếng Trung, chữ “mù” được ghép lại từ 2 chữ “hại mắt” và chữ “bận” được ghép từ 2 chữ “tim vong” (chết) điều này thật vô cùng đáng sợ, xấu xí.
2. Các cơ quan nội tạng và xương sống vốn dĩ nên phải được đi đây đi đó, chạy ngược chạy xuôi, nhưng giờ lại phải ngồi yên 8 tiếng
Con người sinh ra, từ lục phủ ngũ tạng cho đến xương sống, vốn dĩ giống như các thổ dân Châu Phi chuyên săn bắn hái lượm, đi khắp mọi nơi, thường xuyên vận động, không phù hợp với việc ngồi mỗi ngày 8 tiếng bất động trong văn phòng.
Nhưng bạn thử để ý xem, khi xã hội phát triển, bỗng chốc một lực lượng lớn những lao động sản xuất bằng chân tay không còn nữa. Chỉ trong vòng mấy chục năm, trên đường phố vốn dĩ toàn xe đạp thì nay đã ngập tràn xe cơ giới.
Nhà chỉ 3 tầng thôi đã không muốn đi thang bộ, đôi chân gần như được “giải phóng”, nhưng cơ thể bạn sẽ không quen với việc này. Kết quả cuối cùng là cơ thể không thích ứng được và sinh ra bệnh tật.
3. Ăn chậm nhai kỹ chính là “tuyến phòng ngự” quan trọng cuối cùng trong chuỗi an toàn thực phẩm
Vì sao nói ranh giới phòng ngự cuối cùng cho vấn đề an toàn thực phẩm chính là cách ăn chậm nhai kỹ? Đó là do trong nước bọt có thành phần có tên là catalase, peroxidase, chỉ cần khi ăn giữ việc “ngậm” thức ăn trong miệng chậm thêm mười mấy giây, thì sẽ có tới 90% các tác nhân gây ung thư, các chất phụ gia hóa học sẽ bị tiêu diệt hoặc loại bỏ bớt.
Đây chính là một cách đặc biệt để giúp nhân loại tự bảo vệ chính mình mà tồn tại.
Nếu chúng ta hễ gặp thức ăn là ăn lấy ăn để, một chốc một lát đã nuốt trôi vào bụng, thì chẳng khác nào biến mình thành thùng nước gạo, 5 phút đã ăn xong một bữa thì rồi một ngày tai họa sẽ đến.
Vì vậy, hãy thư giãn tâm trạng, ăn uống chậm rãi, tốc độ giãn ra, bình tĩnh ăn uống. Ăn càng nhanh thì nguy cơ càng lớn, ăn càng chậm thì độ an toàn càng cao.
4. Tâm trạng bình yên thì không dễ sinh bệnh, trái tim biến động thì lục phủ ngũ tạng rung chuyển
Con người hiện đại bị rơi vào cảnh bận rộn cả ngày, họ không thể sống chậm lại vì lý do tâm lý. Chỉ có giữ sự ổn định tâm lý, làm cho trái tim được bình yên thì lục phủ ngũ tạng mới không dễ sinh ra bệnh, nếu chẳng may mắc bệnh thì cũng dễ dàng hồi phục.
Nếu bạn cả ngày đầu bù tóc rối, mục tiêu sống mơ hồ thì tâm thần sẽ bất an, làm việc vô độ sẽ dẫn đến kiệt sức. Hãy lựa chọn những công việc có ích, có ý nghĩa và có cảm hứng để làm, khi bận rộn sẽ quên đi bản thân mình, đó là những công việc mà dù bận đến đâu cũng có thể làm mà không thấy mệt.
Sự dao động về tâm trạng trong phạm vi bình thường, có thể là điều tốt cho sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ như khi có những cảm xúc tiêu cực, một chút buồn chán, sự đau khổ nhẹ nhàng, sự tức giận bình thường, sự sợ hãi hợp lý, miễn là trong phạm vi chịu đựng được, thì đều tốt cho sức khoẻ thể chất và tinh thần.
5. Muốn sống lâu hơn, thì hãy làm sao để tăng hạn sử dụng của mạch máu lên
“Con người và mạch máu có cùng tuổi thọ” có nghĩa là, cùng với sự gia tăng tuổi tác, động mạch trong cơ thể không ngừng xơ cứng đi, làm tắc nghẽn mạch. Cho đến khi cơ quan quan trọng nhất của cơ thể (tim và não) bị nhồi máu, hư hỏng, cũng đồng nghĩa với thời điểm cuộc đời của một con người đứng trước dấu chấm hết.
Tuổi thọ trung bình của hệ thống mạch máu người Trung Quốc hiện nay chỉ đạt ở mức dưới 75 năm, điều này đồng nghĩa với việc tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc chỉ đạt mức dưới 75 tuổi.
Trong nhóm bệnh tim mạch và mạch não thì chứng xơ vữa động mạch gây tổn hại nhiều nhất, chúng ta muốn có được sức khoẻ và tuổi thọ, thì nhiệm vụ chính là phải làm cho thời gian sử dụng các mạch máu, động mạch tăng thêm hạn sử dụng ít năm nữa.
Xơ vữa động mạch từ đâu mà ra, giáo sư Trọng đã tổng kết lại những nguy cơ cao nhất sau đây:
Người cao tuổi, nam giới, phụ nữ mãn kinh, bệnh “tứ cao” gồm huyết áp cao , đường trong máu cao, cholesterol cao , trọng lượng cơ thể cao. Năm khẩu phần ăn cao gồm năng lượng cao (calorie), chất béo cao, đường cao, cholesterol cao, muối cao. Ít hoạt động, hút thuốc, tính cách, chất lượng nước, kết hợp các yếu tố di truyền… đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người có những đặc điểm trùng với các yếu tố kể trên càng nhiều bao nhiêu, thì nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao hơn.
6. Bạn không thể cai nổi thuốc lá? Vĩ nhân từng chiến thắng cả thế giới, nhưng lại “bó tay” với sức khỏe.
Một số người biện minh rằng, chẳng phải có người hút thuốc lá nhiều năm mà vẫn sống đến 90 tuổi đó thôi, hút thuốc hay không thì có quan trọng gì.
Giáo sư Trọng cảnh báo: Bạn không cai được thuốc lá, đừng lấy vĩ nhân đó ra làm gương, mà hãy nhìn thẳng vào những người đang nghiện thuốc lá bị thuốc lá cướp đi mạng sống, những người đã mắc bệnh do hút thuốc ấy.
Ví dụ, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lỗ Tấn, hút thuốc và chết vì bệnh phổi năm 55 tuổi. Cựu thủ tướng Anh Churchill thường xuyên hút xì gà, uống rượu whisky và đã hút qua hàng vạn điếu, nhưng cuối cùng chết vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô cũ Stalin chết vì xuất huyết não, ông hút thuốc lá. Cựu Tổng thống Mỹ Roosevelt hút thuốc lá, chết vì xuất huyết não trước khi kết thúc Thế chiến II. Đây là những người có thể xem là đã chiến thắng cả thế giới, nhưng lại phải chịu thua và mất đi sức khoẻ.
7. Hãy dùng thực phẩm làm thuốc, đừng dùng thuốc làm thực phẩm
Những loại thức ăn “thần thánh” không phải là thuốc bổ, mà là thức ăn có nguồn gốc từ tự nhiên. Hãy ăn những thức ăn có nhiều màu sắc, được gọi chung là “7 sắc cầu vồng” đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím ở mức độ càng tự nhiên nhất càng tốt.
Thực phẩm càng “tinh” bao nhiêu, thì có thể khẳng định nó không còn là thực phẩm “tốt”. Ví dụ như mì chính, nếu chế biến ở nhiệt độ từ 150 ~ 200 ℃ sẽ có thể gây ra ung thư. Hay bột nêm từ thịt, chẳng có sự liên quan đến thịt, đôi khi chỉ là mì chính rồi cho thêm gia vị, muối.
Có 3 thứ chui qua đường miệng, mà chỉ cần mở miệng, chúng chui vào và tích tụ lại sẽ trở thành ung thư. Thứ nhất đó là không khí ô nhiễm, thứ hai là nguồn nước không sạch sẽ, thứ ba là thực phẩm bẩn. Khi 3 thứ này tích tụ lại nhiều, đó chính là lúc cơ thể xuất hiện ung thư.
Có người hễ thích ăn gì là ăn, ăn no rồi vẫn tiếp tục ăn thêm ít miếng nữa. Thích uống thì sẽ uống thêm một chút, kiểm tra sức khỏe thì cho là phức tạp, nên hễ đến lịch khám là trốn. Bệnh ung thư luôn “nhè” những lúc bạn chủ quan nhất là sẽ bám theo, tấn công bạn vào những lúc khó ngờ nhất.
Hơn một nửa số bệnh mãn tính liên quan đến ăn uống. Đặc biệt, chế độ ăn có năng lượng cao, chất béo cao, cholesterol cao, đường cao, muối cao, sẽ gây tổn hại lớn đến tim mạch và mạch máu não. Nếu chế độ ăn uống không được kiểm soát đúng cách, sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho cơ thể. Bạn hãy thử nhìn vào những người sống thọ, đa số họ đều ăn uống từ tốn thanh đạm, ăn chậm nhai kỹ.
Ăn uống chính là cách tiết kiệm thì giờ nhất. Sống thọ hay không trước hết đều dựa vào cái miệng. Có những người ăn một bát mì đầy chỉ trong ít phút là đã chén sạch trơn, giống hệt như Trư Bát Giới ăn nhân sâm vậy. Còn chưa hề cảm nhận được mùi vị của thức ăn như thế nào.
Khi thức ăn vào bụng, dù bụng đã căng phình lên rồi vẫn cảm thấy chưa đủ no, lại tiếp tục muốn ăn nữa. Như vậy thì rất dễ bị tăng cân béo phì.
Giáo sư Trọng buồn cười nói rằng, trung tâm cảm giác no của đại não chúng ta mất tới 20 phút mới “cảm nhận” được là bạn đã ăn no, vì thế bạn nên ăn chậm nhai kỹ, chuyển từ thói quen ăn nhanh sang ăn chậm, thì tự nhiên sẽ không cần nhịn đói để giảm cân. Ăn chậm cũng là cách giảm cân tự nhiên.
8. Bất kỳ ai trong chúng ta đều cũng có thể trở thành Quan Thế Âm Bồ Tát
Quan, tức là quan sát, chú ý đến học tập và tích lũy kiến thức.
Thế, tức là hiểu về thế giới, đối xử với những người khác bằng tất cả tấm chân tình.
Âm, tức là biết lọc tiếng ồn, gạn đục khơi trong, biết lắng nghe tiếng nói từ bên trong chính bản thân mình.
Giống như Bồ tát, nếu như dành hết tất cả tình yêu thương cho chúng sinh, thì tất cả chúng ta đều có thể làm Bồ Tát của chính mình.
9. Đừng theo đuổi “hạnh phúc hoàn hảo”, bất kỳ việc gì cũng không thể đạt được ngưỡng mười phân vẹn mười
Giáo sư Lưu Huyền Trọng
Tâm trạng hạnh phúc vui vẻ chỉ cần đạt được 8 điểm (tức khoảng 80%) là đủ, hãy trừ lại 20% để dành cho các cảm giác tức giận, bực bội, lo lắng, buồn chán, đau khổ…
Trên bàn tay mỗi người, các ngón tay có những ý nghĩa khác nhau. Ngón cái thường hướng ra ngoài, để mang lại cảm giác động viên, khích lệ. Ngón trỏ hạn chế chỉ thẳng ra phía trước, vì nó có nghĩa dạy dỗ người khác.
Ngón giữa thường cong vào tự nhiên, để đối xử lịch sự với người. Ngón áp út đeo thêm chiếc nhẫn, là để nhắc bạn chăm sóc tốt người mình yêu. Ngón út thi thoảng cũng cần dùng đến, để ngoáy cho cái tai được thư giãn.
10. Nếu có mắc bệnh mãn tính, hãy học cách nói chuyện “phải trái” với bệnh
Những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, nên học cách trò chuyện với bệnh, tức là hiểu bệnh và làm bạn với bệnh.
Ví dụ nếu mắc bệnh cao huyết áp, thì bạn nên “nói” với bệnh rằng, “tôi không thể đánh bạn, vì vậy bạn cũng đừng làm phiền tôi, chúng ta cùng sống trong hòa bình nhé. Tôi năm nay 70 tuổi, chúng ta cứ sống hòa bình thân thiện với nhau, 30 năm nữa tôi ra đi, thì bạn cũng chẳng còn”.
Cuộc sống có muôn vàn căn bệnh, có những bệnh có thể chữa được, có những bệnh chữa không nổi. Nếu gặp bệnh có thể chữa, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ, càng do dự chần chừ, thì càng tử vong sớm.
Cuộc đời dài hay ngắn, cũng nhanh chóng trôi qua. Khi không còn thuốc nào để chữa, cũng đừng buồn chán đau khổ. Chỉ cần bạn tiếp xúc với ánh sáng và không khí, tăng cường vận động và duy trì trạng thái tinh thần thật tốt.
*Theo Thời báo sức khỏe (TQ)
Nguồn: Vân Hồng
Trí Thức Trẻ/Cafef