Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao. Đặc biệt, không ít gia đình có đa số thành viên đều mắc Covid-19. Song, một số trường hợp ăn, ngủ, sinh hoạt cùng F0 nhưng vẫn không bị lây nhiễm. Điều này trở thành bí ẩn với giới khoa học. Họ đặt câu hỏi có hay không nhóm người miễn nhiễm với Covid-19.
Trí nhớ miễn dịch
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, nhóm chuyên gia Đại học Imperial London (Anh) cung cấp bằng chứng đầu tiên về vai trò bảo vệ của tế bào T với các trường hợp tiếp xúc nhiều F0 nhưng không bị lây nhiễm virus.
Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra tế bào T được tạo ra khi cơ thể tiếp xúc virus corona khác có thể nhận biết SARS-CoV-2. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Anh là lần đầu tiên kiểm tra sự hiện diện của tế bào T tác động thế nào với một người phơi nhiễm nCoV.
Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu vào tháng 9/2020, khi hầu hết người dân ở Anh chưa bị nhiễm bệnh cũng như chưa được tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, 52 người nhiễm nCoV được xác nhận bằng kết quả xét nghiệm PCR. Họ được làm xét nghiệm vào 3 thời điểm là ngay khi tham gia dự án, sau 4 và 7 ngày, để xác định xem tình nguyện viên có nhiễm virus không.
Một số người ăn, ngủ, sinh hoạt cùng F0 nhưng vẫn có kết quả âm tính. Ảnh: Freepik.
52 người được lấy mẫu máu trong vòng 1-6 ngày kể từ khi họ tiếp xúc virus. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu phân tích nồng độ tế bào T nhận dạng chéo được nCoV thế nào.
Kết quả cho thấy tế bào T ở 26 người phản ứng với nCoV. Những tế bào T nhắm mục tiêu vào protein bên trong của virus, không phải protein gai trên bề mặt. Đây là cách thức tế bào T bảo vệ người phơi nhiễm nCoV khỏi nguy cơ lây nhiễm.
"Protein gai chịu áp lực miễn dịch mạnh từ kháng thể do vaccine tạo ra. Điều này có thể khiến virus đột biến và tạo ra biến chủng né tránh được vaccine. Ngược lại, mục tiêu của các tế bào T là protein bên trong. Chúng ít đột biến hơn và gần như không đổi qua các biến chủng mới, bao gồm cả Omicron”, Giáo sư Ajit Lalvani, một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Các vaccine hiện tại không tạo ra đáp ứng miễn dịch đối với những protein bên trong này. Nhóm tác giả cho hay phát hiện cung cấp dữ liệu về vaccine thế hệ thứ hai, có thể ngăn ngừa lây nhiễm từ biến chủng hiện tại đến tương lai, bao gồm Omicron. Loại vaccine này được kỳ vọng đem lại hiệu quả miễn dịch trong thời gian dài. Bởi các đáp ứng của tế bào T sẽ tồn tại lâu hơn các đáp ứng kháng thể (vốn chỉ tồn tại vài tháng sau khi tiêm vaccine).
Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim phổi Quốc gia của Imperial College London, cho biết: “Tiếp xúc virus không phải lúc nào cũng dẫn đến lây nhiễm. Chúng tôi rất muốn hiểu tại sao có hiện tượng này. Nghiên cứu mới phát hiện nồng độ cao tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra khi cơ thể nhiễm virus corona khác như cảm lạnh thông thường, có thể chống lại nguy cơ nhiễm nCoV”.
Ông Kundu cũng cho rằng đây là khám phá quan trọng, nhưng chỉ là một hình thức bảo vệ mong manh, chúng ta không nên chỉ dựa vào điều này. Thay vào đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc Covid-19 là tiêm vaccine đầy đủ, bao gồm cả liều tăng cường.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn có một số hạn chế như có số tình nguyện viên nhỏ, 88% người tham gia là da trắng, khó đại diện cho dân số toàn thế giới.
Một nghiên cứu khác được công bố tháng 11/2021 cũng đưa ra lý giải tương tự. Nghiên cứu được thực hiện trên 731 nhân viên y tế trong đợt dịch đầu tiên. Kết quả cho thấy 58 người trong số họ không nhiễm nCoV dù làm việc liên tục trong môi trường có nguy cơ rất cao.
Số lượng tế bào T trong cơ thể những người này cũng rất cao, cho thấy “trí nhớ miễn dịch” của họ đã ghi nhớ và phản kháng lại nCoV.
Bí ẩn về những người "miễn nhiễm" với Covid-19 vẫn chưa có lời giải dù nhiều giả thuyết được đặt ra. Ảnh: BBC.
Giả thuyết về gene hiếm
Giả thuyết mà một số chuyên gia sử dụng để giải thích hiện tượng này là nhóm gene HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người). Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann, Imperial College London, Anh, tiết lộ đây là nhóm gene quan trọng. Ví dụ, người có gene HLA-DRB1*1302 có nhiều khả năng nhiễm bệnh và xuất hiện triệu chứng hơn.
Khi Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn phương Tây, các chuyên gia tại đây cũng đặt giả thuyết nguyên nhân là yếu tố di truyền. Họ phát hiện kháng nguyên HLA-A24 ở 60% dân số Nhật Bản, nhưng chỉ được tìm thấy ở khoảng 10-20% dân số châu Âu hay Mỹ. Sự tồn tại của HLA-A24 được phát hiện có liên quan đến khả năng xác định mối nguy hại và phòng chống của hệ miễn dịch con người.
GS András Spaan, Đại học Rockefeller ở New York, Mỹ, cũng có giả thuyết tương tự. Ông đang tìm kiếm những gene đặc biệt như vậy.
Tuy nhiên, trước khi những giả thuyết này có kết luận cuối cùng, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên chủ quan. Cách tốt nhất để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc Covid-19, bệnh nặng, tử vong là tiêm vaccine.
Theo Zing