Giải thích về việc gần đây có nhiều người đã tiêm vaccine Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm virus, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này do nhiều yếu tố kết hợp lại, trong đó yếu tố nổi bật nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng đúng vào mùa du lịch nghỉ lễ ở nhiều nơi.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 100 quốc gia trên thế giới. Biến chủng này gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.
Biến chủng Omicron đã đẩy số ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ tăng cao kỷ lục, nhiều hơn số ca nhiễm từng được ghi nhận tại bất kỳ quốc gia nào kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát cách đây hơn 2 năm. Hơn 1 triệu người ở Mỹ được chẩn đoán mắc Covid-19 trong ngày 3/1, tăng gần gấp đôi kỷ lục được thiết lập 4 ngày trước là 590.000 ca. Ở một số khu vực tại Mỹ, 90% ca nhiễm mới là do biến chủng Omicron.
Louis Mansky, nhà nghiên cứu virus tại Đại học Minnesota, cho biết nhiều người có thể nhầm tưởng rằng vaccine Covid-19 sẽ ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm, nhưng thực chất các mũi vaccine chủ yếu ngăn ngừa bệnh nặng.
Vaccine vẫn được xem là công cụ hiệu quả đối phó biến chủng Omicron (Ảnh: Reuters).
Các nhà khoa học cho rằng vaccine vẫn đang phát huy tác dụng trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng, đặc biệt là đối với những người đã tiêm mũi tăng cường.
Theo AP, 2 liều vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, hay một liều Johnson & Johnson vẫn cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước nguy cơ bệnh nặng do Omicron. Mặc dù các liều vaccine ban đầu có thể vẫn chưa đủ khả năng ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm do Omicron, nhưng các liều tăng cường sẽ làm tăng mức kháng thể giúp chống lại nguy cơ lây nhiễm tốt hơn.
Omicron dường như có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến chủng trước đó. Nếu những người nhiễm biến chủng này có tải lượng virus cao, nhiều khả năng họ sẽ truyền virus cho những người khác, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng. Còn đối với những người đã tiêm chủng, nếu nhiễm virus, họ có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, vì các mũi tiêm đã kích hoạt nhiều lớp phòng thủ trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến Omicron khó vượt qua tất cả.
Tại cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 12/2021, các nhà khoa học đã báo cáo về một số nghiên cứu cho thấy, tế bào T ở những người được tiêm vaccine có thể bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến chủng Omicron, giúp ngăn ngừa nhiễm nặng, nhập viện và tử vong.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về chống dịch Covid-19, trích dẫn dữ liệu từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho biết hiệu quả của hai liều vaccine Covid-19 của Moderna "thấp đáng kể" trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của vaccine tăng cao hơn khoảng 2 tuần sau khi tiêm liều thứ 3. Các nhà nghiên cứu khác cũng công bố kết quả tương tự cho thấy, liều tăng cường của vaccine Moderna hoặc Prizer/BioNTech có thể nâng lượng kháng thể lên mức đủ cao để chống lại Omicron mạnh mẽ hơn.
Bất chấp sự xuất hiện của bất kỳ biến chủng nào, lời khuyên của các chuyên gia y tế vẫn không thay đổi. Các bác sĩ khuyến cáo đeo khẩu trang trong nhà, tránh tụ tập đông người, tiêm phòng đầy đủ và tiêm mũi tăng cường. Mặc dù các mũi tiêm không phải lúc nào cũng giúp tránh bị nhiễm virus, nhưng chúng sẽ khiến người nhiễm có khả năng sống sót và không phải đến bệnh viện cao hơn.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn: Báo điện tử Dân trí