Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất thải y tế không chỉ đơn giản là kim tiêm hay găng tay y tế mà còn gồm nhiều thứ khác như đồ bảo hộ cá nhân (PPE). Báo cáo của WHO chỉ xem xét số vật dụng y tế do Liên Hiệp Quốc (LHQ) phân phối do các yếu tố khách quan về số liệu.
Theo đó, đã có khoảng 1,5 tỉ bộ PPE - tương đương 85.000 tấn nhựa - được các cơ quan của LHQ mua và phân phát từ tháng 3-2020 đến tháng 11-2021. Con số nghe tuy lớn nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ tính trên toàn cầu, theo Hãng tin Reuters.
Phần lớn trong số 85.000 tấn PPE này đã trở thành chất thải y tế. Gần 140 triệu bộ xét nghiệm COVID-19, với khả năng tạo ra 2.600 tấn nhựa và 731.000 lít chất thải hóa học, cũng được LHQ phân phối tới các nước.
Khoảng 97% lượng nhựa tạo ra từ các bộ xét nghiệm được xử lý theo cách phổ biến nhất là đốt. 8 tỉ liều vắc xin được sử dụng trên toàn cầu cũng tạo ra thêm 144.000 tấn chất thải dưới dạng lọ thủy tinh, ống tiêm, kim tiêm và hộp an toàn.
"Điều tối quan trọng là cung cấp cho nhân viên y tế các PPE phù hợp. Nhưng điều quan trọng không kém là đảm bảo rằng PPE có thể được sử dụng một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh", giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, nêu quan điểm.
Báo cáo của WHO không nêu cụ thể những nơi đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về xử lý chất thải y tế. Thay vào đó tổ chức này đề xuất một số giải pháp hạn chế rác thải y tế như sử dụng PPE hợp lý hơn, hạn chế bao bì nhựa, phát triển PPE có thể tái sử dụng.
WHO cũng gợi ý nên chế tạo PPE được làm bằng vật liệu phân hủy sinh học mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dùng, đầu tư công nghệ xử lý rác thải không đốt hay quản lý chất thải tập trung.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online