Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế (WHO) cảnh báo, biến thể Omicron ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó nhưng không thể coi là nhẹ.

Phát biểu trong cuộc họp thường kỳ về đại dịch Covid-19 chiều 6/1 tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận, các nghiên cứu ban đầu từ nhiều nhóm khoa học tại các quốc gia cho thấy, biến thể Omicron gây ra nguy cơ nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, việc xếp loại biến thể Omicron vào dạng “nhẹ” là không hợp lý và có thể gây ra các tác động nguy hiểm.

1 Who Canh Bao Omicron It Nghiem Trong Hon Delta Nhung Khong Nhe

Làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang lan nhanh khắp thế giới. Ảnh: The Guardian

“Mặc dù biến thể Omicron có vẻ như ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta, đặc biệt đối với những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng điều này không có nghĩa là nên xếp loại Omicron là dạng nhẹ. Cũng giống như các biến thể trước, Omicron cũng khiến nhiều người nhập viện và nhiều người tử vong. Trên thực tế, cơn sóng thần nhiễm bệnh hiện nay quá lớn, quá nhanh và đang khiến các hệ thống y tế trên khắp thế giới quá tải”, ông Ghebreyesus nói.

Hiện tại, trong thang xếp hạng đánh giá mức độ nguy hiểm của WHO, biến thể Omicron và biến thể Delta được xếp vào dạng “biến thể đáng lo ngại”.

Mức thấp hơn là “biến thể cần quan tâm”, trong đó có biến thể mới được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở thành phố Marseille cách đây vài tuần, đang tạm thời được gọi là biến thể IHU. Theo bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật về Covid-19, các nghiên cứu ban đầu của WHO cho thấy biến thể phát hiện tại Pháp ít lây lan và không đáng ngại. 

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedrod Adhanom Ghebreyesus nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến các biến thể liên tiếp xuất hiện là do tình trạng bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu, khiến virus SARS-CoV-2 có các điều kiện tích lũy đột biến ở các thành phần dân cư chưa tiêm vaccine.

Do đó, Tổng Giám đốc WHO cũng kêu gọi các nước và tổ chức phải hành động khẩn cấp để thu hẹp tỷ lệ tiêm vaccine giữa các quốc gia.Hiện tại, theo số liệu của WHO, 90% số bệnh nhân Covid-19 nặng trên thế giới là những người chưa tiêm vaccine và có 36 quốc gia trên thế giới có độ phủ vaccine dưới 10% dân số. Với tốc độ phân phối và trợ giúp vaccine hiện nay, WHO đánh giá mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 07/2022 sẽ không thể đạt được./.

Nguồn: VOV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC