Giám đốc Viện Vi sinh thuộc Lực lượng vũ trang Đức Roman Woelfel nghiên cứu về bệnh đậu mùa ở khỉ - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 21-5, WHO cho biết họ dự đoán sẽ xác định được nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn vì đã mở rộng giám sát ở các quốc gia vốn không phải là nơi bệnh thường xảy ra.
WHO cũng cho biết sẽ cung cấp thêm hướng dẫn và khuyến nghị trong những ngày tới cho các quốc gia về cách giảm thiểu sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các bằng chứng hiện tại cho thấy có sự lây truyền từ người sang người ở những người tiếp xúc gần về thể chất với các trường hợp có triệu chứng bệnh.
Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm chủng bằng vắc xin phòng bệnh đậu mùa để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Gần đây, nhiều nước phương Tây liên tục thông báo ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Theo báo cáo của WHO, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Úc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Mỹ… đã thông báo có nhiều ca nhiễm.
Trong đó, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh hiện là 3 nước bị bệnh đậu mùa khỉ tác động nặng nhất ở châu Âu, với 21-30 ca nhiễm.
Canada, nơi có 1-5 ca nhiễm đậu mùa khỉ, cho biết sẽ sử dụng nguồn dự trữ vắc xin chống bệnh đậu mùa để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ lây lan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 21-5, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cục này sẽ sớm có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, đề phòng bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.
Theo vị này, hiện chưa xác định được căn nguyên chính gây chứng bệnh đậu mùa khỉ, nhưng đường lây gây e ngại nhất là lây qua tiếp xúc trực tiếp. Khác với chứng viêm gan bí ẩn hiện cũng đang gây lo ngại, đậu mùa khỉ được dự báo diễn biến phức tạp hơn do dễ lây lan hơn.
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, tương tự như bệnh đậu mùa, và thường có triệu chứng nhẹ. Các biểu hiện thường gặp của bệnh là sốt, đau đầu và phát ban.
Virus đậu mùa có hai chủng chính là chủng Congo và chủng Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỉ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.
Hiện chưa có vắc xin đậu mùa khỉ, nhưng giới chức y tế Anh cho biết vắc xin đậu mùa vẫn có hiệu quả.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online