Biến thể Delta lây lan nhanh vẫn là chủng SARS-CoV-2 "đáng lo ngại nhất" bất chấp sự xuất hiện của biến thể Mu, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 7/9.
Biến thể Mu vừa được thêm vào danh sách các ‘biến thể được quan tâm’ của WHO vào tuần trước. Mu lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia nhưng hiện đã được xác nhận ở ít nhất 39 quốc gia.
Mu có các đột biến cho thấy nó có thể né được khả năng miễn dịch có được nhờ vaccine COVID-19 hoặc từng nhiễm COVID-19, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết trong một cuộc họp báo online ngày 7/9.
Ảnh minh họa virus SARS-CoV-2.
Bà Kerkhove nói thêm rằng biến thể Mu hiện chưa phổ biến như biến thể Delta.
"Đối với tôi, biến thể Delta là biến thể đáng lo ngại nhất vì khả năng lây truyền gia tăng", bà Kerkhove nói, thêm rằng biến thể Delta có khả năng lây truyền cao ít nhất gấp đôi chủng virus gốc xuất hiện vào cuối năm 2019.
Theo WHO, biến thể Delta đã nhanh chóng lan ra ít nhất 170 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10, nhanh chóng trở thành biến thể thống trị ở nhiều khu vực trong số đó.
Biến thể Mu, còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621, đang gia tăng tỷ lệ phổ biến ở một số quốc gia Nam Mỹ nhưng cũng đang giảm tỷ lệ này ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là những nơi mà biến thể Delta lưu hành, bà Kerkhove nói.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cho biết bất kỳ loại virus mới nào xuất hiện đều phải có khả năng cạnh tranh với chủng "tốt nhất" hiện nay. Ông nói biến thể Delta có xu hướng "vượt mặt" các biến thể khác, ví dụ như Mu.
Tiến sĩ Ryan cho biết: "Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nữa" các biến thể như Delta.
"Không phải biến thể nào cũng có nghĩa là thảm họa sắp đến. Mỗi biến thể cần được xem xét các đặc điểm về khả năng gây bệnh nặng hơn, khả năng lây truyền, khả năng né vaccine".
WHO hiện đang theo dõi bốn biến thể "đáng lo ngại":
- Biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh;
- Biến thể Beta, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi;
- Biến thể Gamma, được phát hiện lần đầu tiên ở Brazil;
- Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Một biến thể đáng lo ngại thường được định nghĩa là một chủng đột biến, dễ lây lan hơn, gây chết người hơn hoặc kháng vaccine và phương pháp điều trị hiện tại nhiều hơn.
WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ bốn biến thể được quan tâm khác, trong đó có biến thể Lambda, lần đầu tiên được xác định ở Peru. Các biến thể được quan tâm là những chủng đã gây ra các đợt bùng phát ở nhiều quốc gia và có những thay đổi di truyền có thể khiến chúng nguy hiểm hơn các chủng khác.
Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã chính thức nói về biến thể Mu vào tuần trước, nhận định Mu không phải là mối đe dọa lúc này đối với Mỹ.
"Chúng tôi đang chú ý đến nó, chúng tôi xem xét mọi biến thể kiểu này một cách nghiêm túc, nhưng chúng tôi không coi đó là một mối đe dọa tức thời ngay bây giờ", ông Fauci cho biết trong một cuộc họp báo thứ Năm tuần trước.
WHO cho biết cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu các đặc điểm của biến thể mới.
Tiến sĩ Ryan nói hôm 7/9 rằng hiện Mu là biến thể được quan tâm. "Nếu nó là biến thể đáng lo ngại, thì chúng ta thực sự cần xem xét các chẩn đoán và cách phát triển vaccine", ông Ryan nói.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 7/9, tiến sĩ Ryan nói thế giới sẽ không xóa sổ được COVID-19 và nhiệm vụ này rất khó thành hiện thực.
"Tôi nghĩ virus này sẽ ở lại đây với chúng ta và nó sẽ phát triển giống như virus đại dịch cúm, nó sẽ phát triển để trở thành một trong những loại virus ảnh hưởng đến chúng ta", ông Ryan nhận định. "Mọi người đã nói rằng chúng ta sẽ loại bỏ hoặc xóa sổ được virus. Không, chúng ta sẽ không làm được điều đó, điều đó rất khó thành hiện thực".
Theo Tổ Quốc