Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị về liều tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi bằng vắc xin của Hãng Pfizer, theo đó liều tiêm cho nhóm này chỉ bằng 1/3 so với liều cho nhóm trên 12 tuổi.

1 Who Khuyen Nghi Giam Lieu Vac Xin Cho Tre Duoi 12 Tuoi

Một em bé tại trung tâm tiêm ngừa COVID-19 ở Kentucky, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Khuyến nghị tiêm vắc xin cho nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi được WHO đưa ra ngày 21-1, hai ngày sau cuộc họp của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm ngừa để đánh giá vắc xin.

WHO khuyến nghị lượng vắc xin tiêm cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi là 10 microgram so với 30 microgram dành cho nhóm từ 12 tuổi trở lên.

"Nhóm tuổi này (5-11) nằm trong nhóm ưu tiên tiêm ngừa thấp nhất", chủ tịch SAGE, ông Alejandro Cravioto, nói.

Bà Kate O'Brien, giám đốc phụ trách vắc xin của WHO, cũng cho biết không có vấn đề lo ngại nào về an toàn được đặt ra trong các thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Các nước như Mỹ, Canada, Israel và một số nước ở châu Âu đã cấp phép sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em nhóm tuổi này.

Trong tuần này, Israel đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho trẻ từ 5-11 tuổi có nguy cơ chuyển bệnh nặng khi mắc COVID-19. Từ tháng 7-2021, nước này đã bắt đầu tiêm cho trẻ em có nguy cơ về sức khỏe, như béo phì, suy yếu hệ miễn dịch, bệnh tim... trong nhóm tuổi nói trên.

Tại châu Á, chính quyền Malaysia mới đây thông báo sẽ bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ nhóm tuổi này kể từ tháng 2-2022, cũng với liều lượng như WHO khuyến nghị.

Các cơ quan y tế nước này dẫn thử nghiệm lâm sàng cho biết nguy cơ xảy ra triệu chứng khi mắc COVID-19 giảm đến 90% ở những trẻ được tiêm ngừa.

Trong thông báo mới nhất, WHO cũng khuyên nên giảm thời gian tiêm liều bổ sung bằng vắc xin Pfizer từ 6 tháng xuống còn 4 tháng, tuy nhiên nhấn mạnh chỉ nên tiêm liều bổ sung cho một số nhóm ưu tiên nhất định.

WHO kêu gọi các nước có tỉ lệ tiêm ngừa cao và trung bình nên ưu tiên tiêm bổ sung cho các nhóm nguy cơ cao.

"Việc tăng tỉ lệ tiêm liều nhắc lại cho các nhóm nguy cơ cao thường sẽ giúp giảm bệnh nặng và tử vong nhiều hơn so với việc sử dụng số vắc xin tương đương để tăng tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cơ bản", ông Cravioto giải thích.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC