Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: EPA)
"Hiện nay đã có bằng chứng nhất quán rằng Omicron lây lan nhanh hơn rất nhiều so với biến chủng Delta", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại một cuộc họp báo ngày 20/12.
Người đứng đầu WHO cho biết thêm: "Ngoài ra, nhiều khả năng những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm (do Omicron)".
Omicron được phát hiện đầu tiên tại châu Phi và đã lan ra khoảng 90 quốc gia trên thế giới. Hiện dữ liệu về biến chủng chứa lượng đột biến cao bất thường này vẫn còn hạn chế. Theo những nghiên cứu đánh giá ban đầu, Omicron có khả năng lây lan cao, dễ né miễn dịch nhờ vaccine hoặc miễn dịch do từng mắc Covid-19.
Tuần trước, WHO cho biết, tại những nơi có lây nhiễm trong cộng đồng, số ca Omicron có thể tăng gấp đôi chỉ sau 1,5 - 3 ngày. Tại Anh, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến chủng Omicron bên ngoài châu Phi, số ca nhiễm Omicron tăng vọt trong những ngày gần đây, trong đó riêng ngày 19/12 ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm biến chủng ngày. Anh đến nay cũng ghi nhận tổng cộng 12 ca tử vong do Omicron.
Về khả năng gây tái nhiễm của Omicron, một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Hoàng gia London cho biết, Omicron gây nguy cơ tái nhiễm gấp 5,4 lần so với Delta và các chủng khác của SARS-CoV-2.
Về độc lực của Omicron, đây có vẻ như là khía cạnh thách thức giới khoa học nhất khi nghiên cứu biến chủng này.
Giới chức Nam Phi, nơi đầu tiên cảnh báo sự xuất hiện của Omicron, nói rằng siêu biến chủng này dường như chỉ gây triệu chứng nhẹ, bằng chứng là tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong đợt dịch hiện nay ở quốc gia này thấp hơn nhiều so với các đợt dịch trước đó do Delta gây ra.
Giới y tế Nam Phi cũng tin rằng đất nước họ đã qua đỉnh dịch sau một thời gian ngắn. Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, hôm 20/12 cho biết, số ca nhiễm ở đây bắt đầu giảm. "Điều mà chúng ta đang thấy đó là chúng ta đã qua đỉnh dịch, số ca nhiễm đang bắt đầu giảm. Ở tâm dịch Gauteng, số ca nhiễm thấp hơn nhiều", bà Coetzee nói. Bà cho biết thêm, Omicron không làm tỷ lệ tử vong do Covid-19 tăng, các ca bệnh cũng nhẹ hơn rất nhiều so với người nhiễm Delta.
Một nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cũng chỉ ra, Omicron sinh sôi nhanh hơn 70 lần so với Delta ở đường thở, nhưng nhân lên chậm hơn ở phổi, nói cách khác, nó có thể ít nguy hiểm hơn Delta. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Anh nói rằng, chưa có bằng chứng để khẳng định Omicron ít nghiêm trọng hơn.
Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan cảnh báo không nên vội vàng kết luận dựa vào những bằng chứng ban đầu rằng Omicron ít nguy hiểm hơn. Chuyên gia này nhấn mạnh, việc Omicron có thể né một số phản ứng miễn dịch đồng nghĩa nhiều nước nên triển khai tiêm chủng tăng cường hướng đến nhóm dân số có hệ thống miễn dịch yếu hơn.
Theo giới chức WHO, Omicron có thể né hàng phòng thủ kháng thể trung hòa tạo ra nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên. Giorgio Palu, chủ tịch Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA), ước tính cơ thể cần nhiều kháng thể hơn gấp 40 lần để đối phó Omicron so với đối phó chủng gốc SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, kháng thể trung hòa không phải là lớp phòng thủ duy nhất, cơ thể người còn lớp phòng thủ nhờ tế bào T và tế bào B. Tế bào B có vai trò ngăn virus xâm nhập trong khi tế bào T tấn công tế bào nhiễm bệnh, từ đó ngăn nguy cơ bệnh nặng.
Minh Phương
Theo Sputnik, Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí