Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng, có được không phải từ sách vở, mà từ thói quen chi tiêu được hình thành qua kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế và tinh thần trách nhiệm.

Một thói quen chi tiêu có kế hoạch sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều khoản, độc lập hơn về tài chính, không phải phụ thuộc vào người thân hay bạn bè. Dưới đây là 7 lời khuyên cải thiện và cân bằng chi tiêu tạo nên một kế hoạch tài chính vững vàng cho Gen Z.

1. Theo dõi chi thu cá nhân

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ tình trạng tài chính hiện tại của bản thân. Theo dõi thu nhập cá nhân và cách chi tiêu trong quá khứ để biết bạn hay phải dùng tiền cho việc gì nhất.

1 7 Meo Tiet Kiem Tien Danh Cho Gen Z Khi Tro Thanh Sinh Vien

Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng (Ảnh: iStock).

Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, chi phí cố định thường là tiền thuê nhà, học phí hay tiền điện nước. Các chi phí không cố định của sinh viên có thể là ăn uống, giải trí và mua sắm. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh ngân sách cá nhân bằng cách cắt giảm các khoản chi phí không cố định để cân đối tiêu dùng vào những việc thực sự cần thiết.

Hãy tận dụng các ứng dụng tài chính để có thể dễ dàng theo dõi nguồn tiền hàng ngày. Nhiều ngân hàng có ứng dụng theo dõi tài chính tích hợp ngay trong tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng.

2. Hạn chế mua sách mới

Sách giáo khoa có thể đắt một cách đáng kinh ngạc. Do đó, trước khi bắt tay vào sắm sửa một tủ sách mới toanh cho mỗi một học kỳ, bạn có thể cân nhắc việc mua lại sách cũ từ các anh chị khóa trước.

Bên cạnh đó, mượn sách ngay tại thư viện trường cũng không phải là một lựa chọn tồi để tiết kiệm chi phí.

3. Chi tiêu thấp hơn mức cơ bản

Một trong những lời khuyên tài chính cơ bản nhất là chi tiêu ít hơn thu nhập hàng tháng, nhằm đảm bảo rằng vào cuối tháng bạn vẫn sẽ có một khoản dư để bỏ tiết kiệm. Chi tiêu vượt quá thu nhập chính là con đường nhanh nhất khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần.

Đối với những bạn trẻ chưa có việc làm, vẫn trông đợi vào trợ cấp của bố mẹ, hãy cố gắng kéo dài khoảng thời gian bạn có thể trang trải bằng số tiền trợ cấp đó lâu nhất có thể. Ghi chép lại lịch sử chi tiêu, rút kinh nghiệm để có thể chi tiêu một cách hiệu quả hơn từ những đợt trợ cấp sau.

4. Xây dựng khoản tiết kiệm

Từ thu nhập hàng tháng của mình, bạn hãy luôn ưu tiên dành một phần để tiết kiệm. Việc có một quỹ tiêu dùng khẩn cấp cho những việc đột xuất có thể giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn về tài chính, từ những khoản chi hàng ngày như hóa đơn y tế, xăng xe đến những khoản lớn như phòng hờ khủng hoảng thất nghiệp.

Một khoản tiền tiết kiệm đáng kể cũng sẽ giúp bạn tiến gần đến những mục tiêu dài hạn cũng như là mua được những tài sản có giá trị bền vững. Biết tích tiểu thành đại sẽ đem đến hiệu quả đáng kể. Với mỗi khoản thu nhập, dù là lương tháng hay khoản kiếm thêm, bạn cần tạo thói quen gửi ít nhất 10% vào tài khoản tiết kiệm cá nhân.

5. "Săn" học bổng

Một cách khác để tăng nguồn thu chính là giảm gánh nặng học phí. Có rất nhiều loại học bổng khác nhau dành cho sinh viên dựa trên những nỗ lực trong học tập, hoạt động thể thao, hoạt động vì cộng đồng, hay nghệ thuật.

Nhiều sinh viên không quá chú trọng tới việc xin học bổng khi lên đại học, nhưng chỉ cần bạn tập trung vào mục tiêu thì đây sẽ là một lời khuyên vừa có ích cho kết quả học tập cũng như lợi ích cho tài chính sau này của bạn.

6. Chọn môi trường sống

Nhiều sinh viên tiết kiệm được một số tiền lớn nhờ lựa chọn sống ở ký túc xá đại học hay ở ghép thay vì thuê căn hộ ở riêng. Bằng cách chia nhỏ tiền thuê nhà cho một nhóm bạn thay vì tự mình gồng gánh, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Thêm vào đó, những chi phí sinh hoạt khác, như hóa đơn điện nước, thực phẩm..., cũng sẽ được cắt giảm khi ở chung với những người bạn cùng phòng.

7. Tăng thu nhập

Một cách tuyệt vời khác để bạn có một kế hoạch tài chính vững mạnh ngoài việc cắt giảm chi tiêu đó chính là tăng thu nhập. Tất nhiên, sinh viên vẫn cần dành phần lớn thời gian cho việc học tập. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể dành ra 15-20 tiếng/tuần để kiếm thêm thu nhập. Một số công việc làm thêm lý tưởng là làm dịch vụ tại các cửa hàng quần áo, quán cafe hoặc nhà hàng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc những việc làm online, như trở thành trợ lý từ xa cho các doanh nghiệp để trả lời tin nhắn, email hay đặt lịch chuyến bay. Công việc tự do về thời gian và không gian giúp các bạn sinh viên cảm thấy bớt gò bó và dễ dàng quản lý được lịch học và làm việc cá nhân.

Theo teenkidsnews.com

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC