Bài viết là quan điểm của Steve Adcock - chuyên gia tài chính, cây bút về chủ đề tự do tài chính trên các trang như US News, MarketWatch, Forbes và Business Insider. Từng là nhà phát triển phần mềm, Steve nghỉ hưu sớm ở tuổi 35.
Steve Adcock và vợ Courtney
Vào năm 2016 sau khi tích luỹ được gần 1 triệu USD tiền tiết kiệm, tôi đã bỏ công việc phát triển phần mềm có mức lương 6 con số và nghỉ hưu ở tuổi 35. Không phải ai cũng có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 30 song mục tiêu đạt được độc lập tài chính là điều nằm trong tầm tay của nhiều người. Điều này có thể không dễ dàng bởi yêu cầu bạn phải là một người giỏi quản lý tài chính.
Không ai muốn phải làm việc suốt những năm tháng tuổi già vì vậy ngay cả khi mục tiêu không phải là nghỉ hưu sớm, bạn cũng nên sống theo 6 nguyên tắc cơ bản sau để xây dựng sự giàu có:
1. Biến tự do tài chính trở thành mục tiêu số 1 của bạn
Quy tắc đầu tiên và quan trọng là bạn cần biến mục tiêu tự do tài chính là ưu tiên hàng đầu.
Trước khi nghỉ hưu tôi có được công việc tốt với mức lương cao. Tuy nhiên tôi không thích việc phải đi làm mỗi ngày, có người giám sát tiến độ công việc hay những cuộc họp tại văn phòng. Tôi muốn rời bỏ cuộc sống 9-5 và đi du lịch khắp thế giới. Vì vậy, cuối năm 20 tuổi, tôi đã lên mục tiêu nghỉ hưu sớm ở tuổi 35.
Khi đã có mục tiêu cụ thể, tôi tập trung vào việc thay đổi thói quen tài chính của mình. Thay vì để tiền nhàn rỗi, tôi đã đầu tư nhiều hơn. Tôi cũng bắt đầu tiết kiệm 70% thu nhập. Giai đoạn đầu có thể sẽ khó khăn, tuy nhiên theo thời gian mọi thứ dễ dàng hơn khi tôi liên tục nhắc nhở bản thân về những khoản chi tiêu không cần thiết.
Tôi không cho rằng sự thay đổi này là sự hy sinh bởi tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tự do tài chính ở tuổi 35. Cũng giống như mong muốn lấy lại vóc dáng, bạn cần phải thay đổi chế độ ăn và rèn luyện thói quen tập thể dục.
2. Tích cực tăng thu nhập của bạn
Mặc dù mức lương đã đạt đến 6 con số, tuy nhiên tôi vẫn luôn nghĩ cách sử dụng các kỹ năng của mình để tích cực tăng thu nhập khi không ở văn phòng.
Tôi đã bắt đầu từ một trang web tài chính và chia sẻ trên đó đều đặn. Việc làm này cho tôi mức thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng. Tôi và vợ cũng lập một kênh Youtube để chia sẻ về những chuyến đi của bản thân và mang lại thêm 400-500 USD/tháng. Với khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại, tôi kiếm thêm vài trăm USD thông qua công việc viết lách tự do.
Dẫu đảm nhận nhiều công việc, song tôi vẫn luôn hoàn thành tốt công việc hàng ngày của mình, vì đó là nguồn thu nhập chính. Tôi muốn sếp biết lý do tại sao tôi xứng đáng được tăng 10% hoặc 15% lương (tôi đã đề xuất và thành công đến 2 lần). Tôi cũng tích luỹ kinh nghiệm để yêu cầu thăng chức. 4 tháng sau, tôi đã chuyển sang vị trí cao hơn.
Courtney - vợ tôi cũng chủ động làm việc tích cực để có thể tăng lương. Với việc cả hai đều tiết kiệm 70% tổng thu nhập dao động khoảng 200.000-230.000 USD, chúng tôi tự tin có thể nhanh chóng tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu sớm.
3. Đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng
Tiết kiệm tiền, tăng lương hay làm thêm các công việc khác sẽ không giúp bạn nghỉ hưu sớm. Courtney và tôi đã sử dụng phần lớn số tiền có được để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, kinh doanh, đồ cổ...
Nguyên tắc đầu tư khá đơn giản: Bạn mua một tài sản ở mức giá nhất định. Theo thời gian khối tài sản đó tăng giá. Điều đó có nghĩa bạn đã có một khối tài sản đáng giá hơn những gì bạn đã phải bỏ tiền ra để mua nó.
Tuy nhiên điều kỳ diệu nằm ở việc, thông qua sức mạnh của lãi suất kép, tài sản của chúng ta không chỉ tăng theo cấp số cộng mà tăng theo cấp số nhân.
Nếu như bạn đầu tư 1.000 USD và khoản đầu tư đó tăng 10%/năm (hoặc 100 USD), điểm bắt đầu cơ bản của bạn trong năm tới là 1.100 USD. Khi đó mức tăng 10% tiếp theo sẽ là 110 USD. Thêm số 0 nữa vào đằng sau và bạn sẽ thấy số tiền lớn đến mức đủ để bạn nghỉ hưu.
Nhờ đầu tư vào một số lĩnh vực, chúng tôi đã tăng số tiền tiết kiệm của mình lên hơn 1 triệu USD. Khi nói đến đầu tư, bạn bắt đầu muộn vẫn tốt hơn là không bao giờ. Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể tham khảo kiến thức trên các trang web và nhận tư vấn từ những cố vấn tài chính đáng tin cậy.
4. Tự động hoá tiền tiết kiệm
Nhiều công ty hỗ trợ nhân viên của mình bằng cách tự động chuyển trực tiếp tiền lương vào tài khoản đầu tư của bạn. Sau khi đã được thiết lập, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về nó nữa.
- Chúng tôi đã tự động đóng góp vào tài khoản quỹ lương hưu
Chúng tôi đã tự động chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm
- Chúng tôi đã tự động thanh toán các hoá đơn thẻ tín dụng của mình
Tự động hoá sẽ giúp cuộc sống bạn dễ dàng hơn. Bạn sẽ không phải ràng buộc bởi những kỷ luật để thanh toán hoá đơn, tránh được phí trễ hạn, phí lãi suất hoặc giảm điểm tín dụng.
5. Biết tiền của bạn đang đi đâu
Một trong những cách hiệu quả nhất để loại bỏ nợ là biết chính xác tiền của bạn đang đi về đâu, một xu cũng rất quan trọng. Đây là nguyên tắc cơ bản nhưng nhiều người thường bỏ qua công việc này hàng tháng. Một vài thói quen tiêu dùng dưới đây cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong vấn đề tài chính của bạn:
- Xem hoá đơn của bạn thay vì ném chúng sang một bên. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu mọi chi tiết trong đơn hàng của mình.
- Chi tiêu phát sinh nên được xếp sau khi thanh toán các hoá đơn bắt đơn bắt buộc và khoản tiền dành cho hưu trí.
- Đừng bỏ qua những khoản chi nhỏ nhất như cà phê sáng, ăn trưa hay thậm chí là khoản tiền mua một gói bò khô...
- Những dịch vụ hàng tháng thường bị lãng quên. Vì thế hãy đảm bảo rằng bạn biết chúng tiêu tốn hết bao nhiêu tiền và liệu bạn có thực sự sử dụng chúng hay không.
6. Tách mình ra khỏi những thứ bạn không cần
Tôi từng là một người chi tiêu khá thoải mái. Tôi có đến 2 chiếc ô tô và một xe đạp. Tuy nhiên khi có kế hoạch chi tiêu để đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm. Tôi đã bán hết tất cả.
Hiện, vợ chồng tôi đang có cuộc sống giản dị và vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi cắt truyền hình cáp và chỉ xem trên nền tảng streaming và giá chỉ bằng một nửa. Chúng tôi chỉ dành 50 USD/tháng cho việc ăn ở ngoài nhà hàng. Chúng tôi mua quần áo ít hơn 2 lần/năm và chỉ nâng cấp điện thoại khi bị hỏng hoàn toàn.
Thực tế, bạn không cần phải cắt giảm mọi thứ; nguyên tắc này yêu cầu bạn đánh giá lại thứ tự ưu tiên trong chi tiêu. Tôi vẫn chi tiêu thoải mái cho những thứ mang lại niềm vui lâu dài và cắt giảm chi phí thừa thãi. Bí quyết nằm ở chỗ, hãy thừa nhận thứ gì thực sự khiến bạn vui và thứ gì không.
Theo Trí thức trẻ