Trang cho biết giá gas tại thành phố Segovia, cách thủ đô Madrid khoảng một giờ xe buýt, tăng gần gấp đôi, từ 0,92 euro một lít vào cuối năm ngoái lên 1,74 euro hồi tháng 8. "Trước đây, hóa đơn gas và điện ở phòng trọ tốn khoảng 40 euro một tháng, giờ là 60 euro", Trang nói. Một số mặt hàng khác như gạo, cà phê cũng tăng. Giá 1 kg gạo hiện là 1,1 euro, trong khi hồi tháng 6 xấp xỉ 1 euro; một cốc cà phê trước 0,7 euro, đến tháng 8 tăng lên 1,15 euro và hiện là 1,12 euro.
"Mỗi thứ tăng một chút, có những mặt hàng tăng rồi giảm nhưng vẫn cao hơn trước kia", Trang nói.
Nhiên liệu là khoản chi đáng lo nhất, đặc biệt khi mùa đông sắp tới. Ngoài ra, giá thuê nhà cũng tăng mạnh. Vũ, sinh viên ở thủ đô Madrid, cho biết học kỳ trước với khoảng 300 euro, có thể có nhiều lựa chọn thuê nhà, nhưng nay "phải tầm 350 euro mới tìm được một phòng trọ tạm ổn chừng 17 m2".
Lê Uyên, sinh viên Đại học London, Vương quốc Anh cũng cảm nhận sự thay đổi giá cả rõ rệt khi đi chợ trong khoảng một tháng nay. Một số mặt hàng như nước đóng chai, thịt, các đồ châu Á nhập khẩu sang Anh tăng khoảng 30%.
Riêng về học phí, Uyên nói ngay từ khi nhập học, các trường đã thông báo sẽ tăng mỗi năm 10% nên các du học sinh diện tự túc đã chuẩn bị tâm lý.
Kệ bán nước khoáng trống trơn tại một siêu thị ở Anh, tháng 9/2022. Ảnh: Uyên Lê
Là người có nhà ở London cho sinh viên Việt thuê, trước đây, anh Minh Tuấn thường báo giá thuê nhà gồm cả tiền điện, khoảng 900 bảng mỗi tháng. Hiện anh vẫn cho thuê giá này nhưng không bao gồm tiền điện. "Khoản này tăng cao và không biết sẽ còn cao hơn bao nhiêu nữa", anh nói.
Theo hãng tin CNBC, chỉ số lạm phát ở châu Âu đã tăng 9 tháng liên tiếp, kể từ tháng 11 năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát của khu vực này hồi tháng 7 là 8,9%. Chỉ số giá tiêu dùng của lục địa này trong tháng 8 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat.
Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp cho hay, nhiều mặt hàng thực phẩm trong siêu thị ở nước này tăng khoảng 10 đến 15% so với cách đây 6 tháng, nổi bật là dầu ăn. Tại hệ thống siêu thị Carrefour, giá dầu hướng dương năm ngoái là 1,45 euro một lít, đến tháng 4 năm nay đã lên 1,99 euro. Thậm chí, có thời điểm, mỗi người chỉ được mua một chai với giá gần 4 euro. Sau đó, giá hạ nhiệt nhưng vẫn là 3 euro.
"Học phí tại Pháp không bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Giá cho thuê nhà cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều", Thụy nói, nhưng cho biết giá điện bắt đầu tăng. Các nhà cung cấp điện đã gửi hoá đơn dự kiến hàng tháng trong 6 tháng tới 1 năm đến người dùng, mức tăng khoảng 20-30%.
Thụy cho hay nhiều du học sinh anh biết đã bắt đầu chi tiêu tiêu tiết kiệm hơn. "Mọi người dặn nhau 'thắt lưng buộc bụng' để giảm gánh nặng tài chính",Thụy nói.
Mua thực phẩm chế biến sẵn ít đi, sử dụng phương tiện công cộng, tìm kiếm mặt hàng giá thấp hơn, ở chung nhà, đi làm thêm là các cách mà nhiều du học sinh Việt ở châu Âu đang làm.
Cao Mỹ Quyên, cựu du học sinh Việt sống ở thủ đô Helsinki, Phần Lan, nói em hạn chế ăn hàng vì giá nguyên liệu tăng, các nhà hàng tăng giá bán từ 5 đến 15%. May mắn với Quyên là tiền thuê nhà vẫn ở mức cũ.
Vũ cho rằng giá cả tăng gây áp lực lớn với những du học sinh mà gia đình không dư dả và chỉ có học bổng học phí như em. Từ khi đặt chân đến Tây Ban Nha đầu tháng 9, Vũ đã liên hệ nhiều nơi để tìm việc làm thêm.
Nam sinh mới được nhận vào làm cho một trung tâm vui chơi với mức lương 500 euro một tháng, làm từ 7 giờ tối đến 3 giờ sáng, hai hoặc ba buổi mỗi tuần.
"Em biết sẽ hơi mệt vì phải làm đêm, nhưng cũng may mắn hơn nhiều người bị ép giá 500 euro một tháng nhưng ngày nào cũng phải làm", Vũ nói. Số tiền này đủ để Vũ trang trải tiền nhà, tiền ăn mà không phải xin hỗ trợ từ gia đình.
Trang cũng vừa tìm được việc dạy thêm tiếng Anh khoảng 2 buổi mỗi tuần. "Với số tiền khoảng 300 euro hàng tháng mà bố mẹ cố gắng chu cấp, em lo lắng hơn về việc chi tiêu trong thời gian tới", Trang nói.
* Tên một số sinh viên đã được thay đổi
Lệ Thu
Nguồn: VNEXPRESS.NET