Các khoản đóng góp cao hơn (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), các chi phí sinh hoạt cho xăng dầu, thuê nhà cũng sẽ tăng lên. Như vậy, năm 2011 chắc chắn sẽ là một năm đắt đỏ. Bạn có thể làm gì để tiết kiệm?
Trung tâm người tiêu dùng đang khuyên mọi người nên quản lý chi tiêu ngân sách bằng một cuốn sổ.
Theo đó, bạn nên xem xét liệu thu nhập của mình có thực sự đáp ứng được tất cả các khoản chi tiêu hay không, và liệu với tình trạng thu chi như hiện nay, bạn có rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách hay không. Cân đối các khoản thu chi là cách tốt nhất giúp bạn tiết kiệm những chi phí không thực sự cần thiết. Vậy bạn nên quản lý sổ ngân sách (Haushaltsbuch) thế nào?
Để lập bảng ngân sách, bạn có thể dùng tới một cuốn sổ hoặc sử dụng máy tính, điện thoại di động. Một cuốn sổ ngân sách có từ 2 đến 3 cột: Bên trái ghi các khoản thu nhập (tiền lương, tiền lãi vv), bên phải ghi các khoản chi (tiền thuê nhà, điện, ăn uống, vv). Cột phải có thể phân thành 2 cột nhỏ khác ghi các khoản chi tiêu cố định và biến đổi. Tới cuối tháng, bạn hãy tổng hợp số tiền tại các cột và để ý xem tiền của bạn có đáp ứng đủ nhu cầu không, có bị thất thoát không.
Một số lưu ý khi quản lý sổ ngân sách:
1. Hãy nhập tất cả các khoản chi tiêu, kể cả những khoản nhỏ nhất như bánh mỳ 1,50 euro, hay một tấm vé đỗ xe 50 cent.
2. Đừng quên các khoản chi tiêu không thường xuyên (ví dụ như các khoản phí bảo hiểm hết hạn mỗi năm, quà sinh nhật, vv)
3. Để không quên bất kể khoản chi nào, bạn nên cho mỗi khoản chi đó (kể cả chỉ là một vài cent) một giấy biên lai.
4. Trước mỗi một chi tiêu phát sinh, hãy nhập ngay vào sổ ngân sách, vì nếu để lâu hơn, bạn có thể mất hứng ghi chúng vào sổ.
5. Cuối tháng, bạn hãy so sánh, tìm hiểu xem khoản chi tiêu không cần thiết nào có thể loại bỏ. Vào cuối năm, bạn hãy cộng tất cả các khoản thu chi của các tháng lại và có một bảng cân bằng ngân sách.
Hương Vũ - ©tintucvietduc.de