Bác sĩ Huyen Tran đang dẫn đầu nhóm bác sĩ chuyên chăm sóc và điều trị các bệnh nhân mắc TTS sau khi tiêm một liều vắc xin AstraZeneca - Ảnh chụp màn hình SMH
Hội chứng đông máu hiếm gặp, còn được gọi là huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), là lý do chính khiến nhiều người ngại tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.
Theo tờ Sydney Morning Herald (SMH) của Úc, tính đến cuối tuần trước Úc đã ghi nhận 31 trường hợp được xác nhận mắc TTS sau khi tiêm vắc xin và 10 trường hợp trong diện theo dõi.
Trong số đó có 1 người đã tử vong, 23 trường hợp đã xuất viện và đang hồi phục, 4 trường hợp cần được chăm sóc liên tục và 13 người nằm viện theo dõi.
Mặc dù số người mắc TTS có tăng so với trước, các bác sĩ giải thích điều này là do hệ thống y tế đang tầm soát tốt hơn. Thêm vào đó, tỉ lệ tử vong thấp chứng tỏ các phương pháp điều trị có hiệu quả và đang dần được cải thiện.
Để điều trị hội chứng TTS hiếm gặp, các bác sĩ Úc đang sử dụng phương pháp tiêm kháng thể lấy từ máu của những người hiến tặng.
Phương pháp điều trị này còn được gọi là globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, và được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các rối loạn đông máu tự miễn dịch tương tự.
"Chúng tôi có thể phát hiện, chẩn đoán và điều trị TTS", giáo sư Huyen Tran thuộc khoa huyết khối và cầm máu của Bệnh viện Alfred ở Melbourne khẳng định với SMH.
Bác sĩ Tran hiện là thành viên của Hiệp hội Huyết khối và cầm máu của Úc, thành viên nhóm công tác điều tra hội chứng TTS ở New Zealand.
Theo ông Tran, bệnh lý nào khi mới phát hiện cũng đều có tỉ lệ tử vong cao. Số người tử vong sẽ giảm dần về sau khi các bác sĩ tìm hiểu kỹ lưỡng về căn bệnh và tìm ra cách điều trị.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người từng mắc COVID-19, tiêm mũi vắc xin AstraZeneca thứ hai ngày 3-6 - Ảnh: REUTERS
Châu Âu là nơi đầu tiên ghi nhận các trường hợp mắc TTS sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca, dẫn đến việc dừng tiêm loại vắc xin này ở nhiều nước.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu sau đó thông báo không có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc tiêm vắc xin AstraZeneca dẫn tới chứng TTS ở con người. Cơ quan này kêu gọi tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca vì lợi ích của nó vẫn lớn hơn những rủi ro vốn rất hiếm gặp.
Giáo sư Paul Monagle thuộc Đại học Melbourne, Úc cho rằng vẫn còn rất nhiều bằng chứng cần phải được tìm kiếm và xem xét trước khi kết luận vắc xin AstraZeneca gây ra TTS.
Châu Âu ước tính tỉ lệ người gặp TTS là khoảng 20 ca/1 triệu liều với nhóm dưới 50 tuổi và gần 10 ca trên 1 triệu liều với nhóm trên 50 tuổi.
Nhóm cố vấn của Chính phủ Úc về tiêm chủng hồi tháng 4-2021 đã khuyến cáo tiêm vắc xin Pfizer cho người dưới 50 tuổi, do người trẻ dễ bị TTS hơn người trên 50 tuổi. Hiện Úc chưa tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dưới 50 tuổi, theo SMH.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online