Bản thông cáo báo chí từ “Central District of California” của Bộ Tư Pháp Mỹ, hôm 17 Tháng Tư, 2019, cho biết: “Ông Chan Hung Le, 44 tuổi, bị bắt vào chiều ngày 16 Tháng Tư theo đơn kiện hình sự cáo buộc ông tội âm mưu lừa gạt [Hoa Kỳ], âm mưu vận chuyển hàng giả, âm mưu nhập cảng trái phép hàng hóa, âm mưu lừa đảo qua thư tín và trộm cắp danh tính cá nhân.”
Theo thông cáo, vụ bắt giữ ông Chan Hung Le là ở cấp liên bang, và ông ra tòa lần đầu vào chiều 17 Tháng Tư tại tòa án ở Santa Ana.
Vụ bắt giữ ông Chan Hung Le dựa trên kết quả điều tra từ Sở Di Trú và Quan Thuế – Bộ Nội An, Quan Thuế và Biên Phòng Hoa Kỳ cùng và Sở Cảnh Sát Westminster.
Bản cáo trạng nói rằng, “Ông Chan Hung Le và vợ là chủ công ty EZ Elektronix có trụ sở thành phố Irvine, đã nhập cảng các linh kiện điện tử giả (màn hình và các bộ phận điện thoại di động khác) từ Trung Quốc vào Mỹ. Khởi sự từ Tháng Sáu, 2010, ông Le và một số đồng phạm đã buôn lậu hàng giả và dùng nhiều cách thức khác nhau để tránh sự để ý từ các cơ quan công lực Mỹ, Hồng Kông và Trung Quốc.”
Ông Chan Hung Le bị cáo buộc “đã che giấu việc buôn lậu bằng cách sử dụng nhiều tên và địa chỉ kinh doanh, cũng như các ‘văn phòng ảo’ trên Internet và các hộp thư bưu điện, tại ít nhất ba tiểu bang của Hoa Kỳ. Sau khi nhập hàng giả, ông Le và đồng phạm tìm cách bán cho khách hàng qua Internet và nói là hàng thật.”
Vẫn theo bản cáo trạng, “Vào Tháng Mười, 2011 và Tháng Hai, 2012, các cơ quan công lực đã có lệnh lục soát tại trụ sở của công ty EZ Elektronix, đồng thời thu giữ khoảng 7,200 linh kiện iPhone giả và 11,700 linh kiện điện thoại di động giả khác, có trị giá hơn $17 triệu.”
“Để đối phó, ông Le bị cáo buộc, đã thay đổi cách thức nhập cảng, bằng cách gửi hàng giả vào các hộp thư bưu điện mà ông ta thiết lập ở Texas và Oklahoma dưới tên của hai công ty ‘ảo’ và một công ty mang tên nhân viên của mình. ‘Hàng giả,’ sau khi được gởi đến những hộp thư này, sẽ được chuyển đến Nam California dưới tên của một công ty mới là ‘Pac Pac-Depot Inc.’ Trong khi đó các loại hàng hợp pháp thì lại được nhập cảng trực tiếp đến công ty EZ Elektronix.”
Khi sử dụng cách thức này, ông Chan Hung Le sẽ cho các lô hàng có chứa hàng giả được kiểm tra tại các địa điểm nhập cảng khác ở Hoa Kỳ, để cho thấy chúng không liên quan gì đến cá nhân và công ty của ông Le.
Bản thông cáo báo chí cho biết tiếp: “Năm 2016, một trong những đầu mối cung cấp hàng giả cho ông Chan Hung Le là Hongwei ‘Nick’ Du nhận tội tại tòa án San Diego về âm mưu vận chuyển hàng giả và các tội danh rửa tiền. Trong thỏa thuận với tòa án, Du thừa nhận đã bán cho ông Le số hàng hóa giá trị $18,744,354. Số hàng này gồm điện thoại di động và linh kiện điện tử đưa từ Trung Quốc sang bán ở Mỹ, mà khoảng một nửa là hàng giả mang tên Apple, Samsung, Nokia hay các công ty khác.”
Bản thông cáo báo chí của Bộ Tư Pháp Mỹ về vụ bắt giữ ông Chan Hung Le. (Hình: Chụp qua màn hình)
Theo lời khai trước tòa, trong thời gian từ Tháng Giêng, 2012, đến Tháng Mười Hai, 2018, công ty EZ Elektronix (của ông Le) đã trả hơn $72 triệu cho ba công ty đưa hàng giả từ Hồng Kông và Trung Quốc vào Mỹ.
Bản thông cáo báo chí của Bộ Tư Pháp cho hay, “Nếu bị kết án, Chan Hung Le sẽ đối mặt mức án tối đa là 45 năm tù với các tội âm mưu, cộng với bản án 2 năm với tội trộm cắp danh tính.”
Tuy nhiên, “bị cáo được coi là vô tội cho đến khi và trừ khi tòa án chứng minh được là họ có tội.” Bản thông cáo viết.
Vụ truy tố và bắt giữ ông Chan Hung Le xảy ra vào nửa cuối Tháng Tư, 2019, nhưng các báo, đài lớn trong vùng Quận Cam không đăng, chỉ có một vài đài tiếng Anh loan tin nên các báo, đài tiếng Việt đã không chú ý.
Nguồn: nguoi-viet.com