Trả lời tại buổi họp báo trực tuyến chiều 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của toà án đối với vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
"Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc, trao đổi động viên bà Nga và sẵn sàng hỗ trợ phù hợp", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin.
"Chúng tôi ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty sản xuất dioxin của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Reuters.
Ba ngày trước, tòa án Pháp ở Paris bác đơn kiện của bà Nga vì cho rằng đây là “đơn kiện không được chấp nhận”, theo AFP.
Trước quyết định ngày 10/5 của tòa án Pháp, bà Nga cho biết sẽ không chùn bước trong cuộc chiến đòi lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam.
Bà Trần Tố Nga từng là nhà báo và nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam ở độ tuổi 20. Bà cho biết mình đang phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và một chứng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp. Một người con gái của bà đã chết do dị tật tim.
Năm 2014, bà Nga đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam, bao gồm Monsanto - công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức), và Dow Chemical.
Phiên tòa diễn ra từ hôm 25/1 tại tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris.
Bà Trần Tố Nga đòi trách nhiệm của các công ty này về những tổn thương mà bà, con bà, và số nạn nhân Việt Nam khác phải gánh chịu do chất độc da cam.
Là một phần trong chiến dịch Ranch Hand nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải khoảng 76 triệu lít chất độc da cam từ năm 1961 đến năm 1971.
Các công ty đa quốc gia nói họ không thể chịu trách nhiệm về cách quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ vào thời điểm chiến tranh. Họ cho rằng nhà chức trách Mỹ, không phải nhà cung cấp, mới phải chịu trách nhiệm.
Cho đến nay, chỉ mới có các cựu binh ở Mỹ, Australia và Hàn Quốc được bồi thường vì hậu quả của loại hóa chất có độc tính được ước tính cao gấp 13 lần so với chất diệt cỏ thông thường như glyphosate.
Năm 1984, 7 công ty hóa chất đã bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ tổng số tiền 250 triệu USD, sau khi 16.000 người khiếu kiện, nói việc tiếp xúc với chất độc da cam đã gây ra các dạng ung thư hiếm gặp, tổn thương thần kinh, rối loạn gan và các vấn đề về da. Các nguyên đơn cũng nói hóa chất này khiến vợ họ bị sảy thai hoặc gây ra dị tật bẩm sinh ở con cái của họ.
Tuy nhiên, các vụ kiện dân sự cho đến nay vẫn không thành công.
Hương Ly-Minh An-Quốc Đạt
Nguồn: zingnews.vn