Khi làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ nổ ra, cả nhà chị Lại Ngọc Lan Hương - một cô dâu Việt ở Kolkata - gồm 3 thế hệ thì tất cả đều ốm. Kể từ cuối tháng 4, mẹ chồng, chồng, chị Lan Hương, em và chị chồng, đến con trai 4 tháng đều lần lượt mắc bệnh.
"Cả nhà ốm vật vờ, chồng tôi nặng nhất. Họ hàng, người quen, bạn bè không ít người bị nhiễm bệnh, có người đã chết. Nghe xong tôi đơ người ra, sợ phát khóc. May sao, cả nhà giờ đều đã qua khỏi. 'Phúc tổ 70 đời', mẹ tôi bảo thế", chị Hương chia sẻ với Zing.
Đang yên đang lành tự nhiên mắc bệnh
Đầu tháng 4, Ấn Độ bắt đầu đón đợt bùng dịch Covid-19 thứ hai. Từ giữa tháng, khi số ca nhiễm ở nước này bắt đầu tăng mạnh và liên tục đạt mức kỷ lục, nhiều bang trên Ấn Độ bắt đầu ban hành các biện pháp hạn chế hoặc phong tỏa mới.
Ngày 30/4, thủ hiến bang Tây Belgan ra lệnh áp dụng biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, khi bang này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trên 16.000 người, theo Hindu Times. Thành phố Kolkata, nơi chị Hương và gia đình sinh sống, là thủ phủ của bang Tây Belgan.
Chị Lại Ngọc Lan Hương, 30 tuổi, kết hôn với anh Suraj Kumar vào tháng 2/2020, hiện sinh sống tại Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: NVCC.
"Hạn chế thì hạn chế, chứ tôi thấy khu tôi ở vẫn bình thường, vẫn đông như hội. Tối đến, khu trung tâm vẫn xập xình, nhộn nhịp như Bùi Viện, Nguyễn Huệ. Nói đâu xa, tòa nhà ngay trước nhà tôi, cứ tết lễ gì cũng đều thuê người bắc loa, bắc đèn trên sân thượng mở tiệc xuyên đêm", chị kể với phóng viên Zing.
Chị Hương chia sẻ vì mọi người xung quanh vẫn sinh hoạt bình thường, nên dù có hạn chế, chị vẫn thấy lạc quan và không quá lo lắng.
Tuy nhiên, thời gian này chị hầu như không ra ngoài vì cơ thể còn yếu do mới sinh mổ được 4 tháng. Anh Suraj, chồng chị Hương, hầu như cũng chỉ làm ở nhà và rất ít khi tiếp xúc với ai ngoài gia đình.
"Cuối tháng 4, đang yên đang lành ngồi trong nhà thì chồng tôi bắt đầu kêu mệt và đau nhức người, ăn không ngon, mất vị giác, khứu giác. Chúng tôi chắc mười mươi là anh bị nhiễm virus rồi", chị Hương kể lại.
Khi đó, gia đình chị Hương thấy mọi người xung quanh toàn ở nhà tự chữa, lại nghe ngóng thấy tỷ lệ khỏi bệnh cao, nên người chồng chỉ ra giường ngoài phòng khách cách ly chứ chưa đi xét nghiệm.
Chia sẻ với Zing, chị Hương nói cũng không biết rõ gia đình mình lây bệnh từ ai. "Tòa nhà tôi ở, mọi người đóng cửa suốt, ai biết nhà nấy thôi, trừ lúc đi đổ rác hoặc nhận hàng đặt qua mạng. Nói chung từ khi Ấn Độ bùng dịch đợt hai, chúng tôi rất ít khi ra ngoài", chị nói.
Chị cho biết gia đình chị chỉ lên mạng đăng ký khám và điều trị theo đơn của bác sĩ, liên lạc qua WhatsApp để chẩn đoán.
Hai vợ chồng chị Hương tại nơi điều trị bệnh. Ảnh: NVCC.
Một tuần sau, anh Suraj bắt đầu đau ngực và đau họng nhưng không sốt. Anh đau được 2 ngày thì chị bị đau bụng phải đi cấp cứu và phải cắt mật vì bị sỏi, anh cũng đi cùng.
Lúc ở viện, hai vợ chồng chị được xét nghiệm Covid-19. Chị Hương nhận kết quả âm tính, còn anh Suraj thì dương tính, không ngoài dự đoán.
"Đang mệt, lại phải lo cho tôi, thành ra chồng tôi thuốc thang không đỡ mà còn bị nặng hơn. Trong vòng 5 ngày, chồng tôi bắt đầu lên cơn sốt. Lúc này anh đuối quá nên đành nhờ đồng nghiệp, cũng là bạn thân của hai vợ chồng chúng tôi, lo nốt cho tôi xuất viện. Phần anh thì phải kêu xe cấp cứu để được thở oxy", chị kể.
Thời gian này, cả gia đình liên hệ, gọi điện hỏi khắp nơi để kiếm giường trong bệnh viện cho anh Suraj được nằm điều trị.
Mãi một lúc, chị Hương mới tìm được một bệnh viện trong danh sách bảo hiểm, nhưng họ không cho nhập viện mà chỉ cho nằm trong khách sạn mà bệnh viện thuê, trường hợp nặng mới được nằm trong viện. "Tôi hay nói đùa rằng chúng tôi đi nghỉ dưỡng!", chị nói.
Lúc chồng vào viện cũng là lúc chị Hương đi mổ mật về. "Ngồi trên xe từ bệnh viện chỗ tôi mổ mật về nhà, tôi tủi thân ghê gớm", chị chia sẻ.
Chị Hương đang tập phổi tại khách sạn mà bệnh viện thuê để chữa cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ. Ảnh: NVCC.
Chị kể tiếp: "Cùng lúc đấy, cả nhà bắt đầu lên cơn sốt đồng loạt. Cu Mận Gừng con tôi sốt trước, rồi đến chị chồng, mẹ chồng, rồi em chồng. Chúng tôi dắt nhau đi xét nghiệm thì quả nhiên đều dương tính, cả thảy 6 người. Ở Kolkata, chị hai nhận tin chồng chị ở Delhi cũng đang nằm viện để trị Covid-19".
Gia đình chị Hương ở Kolkata có 5 người. Tuy nhiên, từ tháng 12/2020, hai chị chồng ở Delhi và Ranchi cùng 3 cháu về thăm nhà một thời gian. Sau đó, vì vướng các biện pháp hạn chế và phong tỏa nên họ không về được, chị Hương cho biết.
"Chồng tôi nguy mất"
Anh Suraj bị nặng nhất nhà, 60% phổi bị ảnh hưởng. Thời gian đầu điều trị, anh rất yếu, bác sĩ nhiều lần định chuyển anh vào phòng cấp cứu của bệnh viện để điều trị chuyên sâu tích cực nhưng chưa có giường.
Bạn bè và đồng nghiệp của anh Suraj đã đưa đón chị Hương đi nhiều bệnh viện để tìm giường nhưng cũng không có.
"Gia đình còn tính đến chuyện nếu không ổn thì sẽ thuê xe cấp cứu, đưa anh lên Delhi, cách Kolkata cả nghìn km, để điều trị. Nhà chị chồng tôi trên Delhi có quan hệ nên có thể sẽ kiếm được giường trong bệnh viện, dù đang trong giai đoạn cao điểm", chị Hương nói.
Đang lúc bối rối, vợ chồng chị Hương còn nghe tin vài bạn bè, người thân chết. Có người vừa đính hôn hồi tháng 3, nay đã qua đời. Có người bạn khác, mới cách đây không lâu anh Suraj đến thăm bố mẹ của anh ấy, giờ cũng nhận được tin dữ là bác trai đã mất.
Một trong số người bạn giúp đỡ gia đình chị Hương tìm bệnh viện, và anh trai của anh ấy cũng bị bệnh.
"Tôi đoán là lây từ tôi. Biết tin, tôi ái ngại đến mức không diễn tả nổi, nhưng may mắn họ cũng không bị nặng", chị nói.
Anh Suraj bắt đầu khỏe hơn sau 4 ngày nằm thở oxy và điều trị trong khách sạn.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 thì đến lượt chị Hương trở nặng, phải vào nằm chung với chồng. "Hai vợ chồng tôi phải tiêm và truyền nhiều thứ, uống nhiều thuốc, tùy theo cơ thể từng người, bị phá đến đâu, cứu chữa đến đấy", chị Hương kể.
Các loại thuốc mà vợ chồng chị Hương phải uống. Ảnh: NVCC.
Mẹ chồng chị Hương, chị chồng, em chồng và con chị chỉ ở nhà tự uống thuốc. Theo chị Hương, đơn thuốc chủ yếu có thuốc hạ sốt, vitamin C liều cao, vitamin và khoáng chất tổng hợp, xông họng và súc miệng thường xuyên. Con trai chị thì được cho uống thuốc hạ sốt và dung dịch bù mất nước.
Đến tuần thứ 3, hai vợ chồng chị Hương đỡ hơn nhiều nên về nhà chữa tiếp, nhường giường bệnh cho người khác yếu hơn.
Vì lúc này cơ thể rất yếu, nên gia đình chị phải bồi dưỡng lại cơ thể, giữ vệ sinh sạch sẽ, tự xịt khử trùng và lau chùi, dọn dẹp nhà hàng ngày kỹ càng, dù ai cũng đang bệnh.
Tuần thứ 4, bệnh đỡ, nhưng trên người hai vợ chồng chị bắt đầu xuất hiện nhiều vết bầm tím (một hệ quả của Covid-19) vì không mua được thuốc tan huyết khối trong khu vực gần nhà lẫn ở bệnh viện. "Tôi có tìm mua trên mạng cũng không còn hàng. Bây giờ thuốc này ở Ấn cháy hàng rồi. Đành chịu!", chị Hương cho biết.
"Trộm vía, may mắn là giờ ai cũng ổn định lại rồi!", chị nói.
Cô em chồng siêu nhân
Chị Hương đặc biệt ngưỡng mộ người em chồng tên Ishu, sinh năm 1993. "Nó cũng bị sốt, thế mà vẫn chăm mẹ và cháu giúp tôi", chị Hương tự hào nói về em chồng.
Chị cho biết trong lúc hai vợ chồng chị điều trị bệnh ở khác sạn do bệnh viện thuê, con chị ở nhà ói, sốt, tiêu chảy, bú đêm, Ishu một mình lo toan. "Người bình thường không ốm mà chăm bé vậy còn mệt huống hồ là người bệnh. Cô em chồng siêu nhân!", chị Hương cho biết.
Chị Hương và em chồng tại lễ cưới. Ảnh: NVCC.
Theo chị Hương, Ishu bế cháu đi bệnh viện hai lần để khám và lấy mẫu xét nghiệm. "Nhiều lúc ngồi trong taxi, đang đi giữa đường con bé phải kêu xe dừng lại, xuống vỉa hè ngồi thở một lúc cho tỉnh người vì vẫn đang ốm".
Đi bệnh viện lấy thuốc, lấy kết quả xét nghiệm phân và nước tiểu của em bé nhiều lần, gọi điện thoại cho bác sĩ để thăm khám online,... đều do một tay Ishu làm.
Lúc vợ chồng chị Hương xuất viện về nhà, chị chăm bé ban đêm, đến 6h thì đưa Ishu trông hộ. "Trộm vía! Dù 2 tuần ốm sốt, con tôi vẫn tăng cân!", chị nói, biết ơn công chăm sóc của Ishu.
Theo chị Hương, Ishu hy sinh rất nhiều cho gia đình. Từ lúc chị cả sinh, đến chị hai, rồi đến chị dâu, tổng cộng 3 đứa cháu đều được Ishu chăm sóc.
Chị Hương cho biết, từ sau khi tốt nghiệp cử nhân tới nay là 3 năm, Ishu không có thời gian để đi xin việc làm, vì gia đình mà bỏ qua bản thân, sự nghiệp. Đến giờ, dù đã 28 tuổi, Ishu vẫn chưa muốn lấy chồng vì lo cho mẹ, cho chị, cho anh.
"Với tôi, Ishu không chỉ là siêu nhân, mà còn là một thiên thần!", chị chia sẻ.
Thời gian ốm, chị Hương vẫn cố cập nhật Facebook liên tục, thường viết theo hướng lạc quan, tích cực để bố mẹ ở Việt Nam đỡ lo.
"Thế mà bố mẹ tôi vẫn sốt vó, nên tôi phải giấu tình hình thật. Nhiều lần đăng bài lên mạng xã hội, bố tôi vào bình luận bảo tôi tuân thủ 5K. Tôi phải bảo là mọi người đi bệnh viện đều ổn, em bé cũng ổn, cho ông bà ngoại thôi sốt ruột", chị nói.
"Tôi mong sao dịch nhanh qua để tôi có thể cho cả nhà về Việt Nam ăn bún bò", Lan Hương nói.
Theo Zing