Chị Phùng Thùy Linh từng là giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Bước ngoặt tình cờ của cô gái Bắc Giang
Sinh ra và lớn lên ở một thôn xóm nhỏ ở tỉnh Bắc Giang, nhưng khi 11 tuổi - bắt đầu vào cấp 2, Phùng Thùy Linh chuyển xuống thành phố Hải Dương ở với gia đình bác ruột để có điều kiện học tập tốt hơn.
Việc cô bé Thùy Linh vào học chuyên Anh là điều trước đó ngay bản thân cô cũng không hề nghĩ đến.
“Khi chuyển xuống Hải Dương, mình có một kì hè ngắn để thi vào lớp chuyên mới mở của thành phố. Bài thi có môn Toán và Văn, và mình đỗ vào lớp chuyên Anh trong khi thực ra, trước khi vào cấp 2, mình không có ý tưởng gì về học tiếng Anh cả”.
Theo trí nhớ của chị Linh, học tiếng Anh ban đầu thật khó vì phải nghe và viết những từ xa lạ, từng chữ một run rẩy như em bé mẫu giáo tập viết.
“Nhưng rồi khi mình bắt đầu hiểu ngữ pháp và từ vựng, mình coi nó như một môn học phải chinh phục như các môn học khác.
Qua các hoạt động tiếng Anh như hát, diễn kịch, nghe cô giáo kể truyện Sherlock, mình dần yêu thích môn Tiếng Anh. Mình muốn là học sinh số 1 của lớp nên rất chăm chỉ và dần dần có được vị trí đó”.
Con đường học tập của chị Linh từ đó dường như khá thuận lợi: lớp 8 thi đỗ chuyên Anh của tỉnh, rồi thi đội tuyển lớp 12 đoạt giải, và được tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi học xong, chị Linh ở trường giảng dạy vài năm.
Cô giáo Thùy Linh và các đồng nghiệp quốc tế
Câu chuyện về nước Mỹ của chị Linh bắt đầu khi chị giành được học bổng của trường Penn State để sang học chương trình Thạc sỹ về TESL (Teaching English as a Second Language).
“Khi học xong, mình về nước để tiếp tục công việc ở ĐH Quốc gia Hà Nội. Thực ra, mình không có ý định định cư ở nước Mỹ, nhưng cơ duyên đưa đẩy. Mình hay nói là học tập mang mình đến nước Mỹ, nhưng tình yêu và hôn nhân kiến mình ở lại. Mình quay lại Mỹ để lập gia đình sau khi quay lại Việt Nam khoảng một năm” – chị Linh kể về câu chuyện cách đây 15 năm.
Sau khi quay lại Mỹ, chị Linh giảng dạy bán thời gian ở ĐH Chatham và ĐH Carnegie Mellon ở Pittsburgh.
Sau hai kì giảng dạy, chị được thuê làm toàn thời gian ở ĐH Chatham. Và chị đã làm quản lý và giảng dạy ở chương trình tiếng Anh cho sinh viên quốc tế ở ĐH Chatham 10 năm nay.
“Không có 2 bài giảng nào lại y hệt nhau”
Là giáo viên dạy tiếng Anh ở đất nước mà đây lại là ngôn ngữ mẹ đẻ, chị Linh cho biết ưu thế của mình là hiểu việc học ngôn ngữ không chỉ từ sách vở mà cả từ kinh nghiệm.
Kinh nghiệm học tiếng Anh khi từ phổ thông cũng đem lại cho chị trải nghiệm về quá trình học ngoại ngữ lâu dài và đòi hỏi động lực và nỗ lực lớn.
“Cách các giáo viên dạy cũng để lại ấn tượng cho mình về phương thức giảng dạy. Mình cũng có nhiều câu chuyện học tiếng Anh để kể lại cho học sinh và sinh viên của mình. Hơn nữa, là người học tiếng Anh nghĩa là mình biết hai ngôn ngữ và văn hóa để so sánh, đối chiếu, và làm sáng tỏ vấn đề cho học sinh” – chị Linh nói.
Cô giáo Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) và các sinh viên quốc tế tại TedxCMU
Với chị Linh, giảng dạy tiếng Anh là một nghề có tính chuyên nghiệp hóa cao (như kĩ sư, kế toán…) nên đòi hỏi kiến thức từ các chương trình đào tạo.
“Giáo viên cũng phải học hỏi không ngừng để cải thiện phương cách giảng dạy của mình và để đạt được yêu cầu của nhà trường và học sinh. Không có hai bài giảng nào lại y hệt nhau cả”.
So sánh về dạy - học tiếng Anh ở Mỹ và Việt Nam, chị Linh nhận xét có nhiều đặc điểm khác biệt mà chủ yếu là do hoàn cảnh khác nhau.
“Học sinh học tiếng Anh ở các trường công của Mỹ có khoảng 5 triệu em có nguồn gốc gia đình, ngôn ngữ, và văn hóa khác nhau. Các em đang phát triển tiếng Anh nhưng cũng học các môn học theo đúng cấp học của mình với các bạn bản xứ. Có thể nói, các em có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh, nhưng việc các em không có hoặc rất ít có điều kiện học tập và phát triển ngôn ngữ thứ nhất là một điểm yếu của giáo dục Mỹ” – chị Linh nhận xét.
Theo chị Linh, dữ liệu chung về thành thích của cả nhóm học sinh này cho thấy các em còn có khoảng cách với các bạn không phải là người học tiếng Anh (vì nhiều lý do khác nhau chứ không hẳn là lý do ngôn ngữ). Điều này là một vấn đề lớn mà hệ thống giáo dục ở Mỹ vẫn phải tìm cách cải thiện.
Còn việc dạy - học tiếng Anh ở Việt Nam là dạy - học tiếng Anh như ngoại ngữ và như ngôn ngữ quốc tế. Qua quan sát, chị Linh thấy việc học ở nhiều nơi vẫn tập trung vào kiến thức về tiếng Anh thay vì học để sử dụng và giao tiếp.
“Các em có áp lực thi cử lớn vì phải cạnh tranh vào trường mình mong muốn. Ở Mỹ các em cũng phải thi cử hàng năm để chứng tỏ tiến bộ của mình, nhưng có lẽ áp lực ít hơn một chút do không phải cạnh tranh với các bạn khác.
Tuy nhiên, với rất nhiều tài liệu tiếng Anh, các video giảng dạy miễn phí, và các hoạt động trên mạng xã hội nên mình thấy cơ hội học tập tiếng Anh với các em Việt Nam là không thiếu.
Vấn đề cơ bản vẫn là quỹ thời gian của các em và phương pháp nào mang đến hiệu quả mong muốn nhất. Ví dụ học ở trường mà chỉ làm bài tập là chủ yếu sẽ mang lại hiệu quả giao tiếp thấp”.
Những kinh nghiệm khi dạy online
Do dịch Covid-19, chị Linh dạy các lớp ở trường đại học với hình thức trực tuyến khoảng 3 học kì, và hiện đã quay lại giảng dạy trực tiếp ở trường đại học 100%.
Trước đó, từ cuối năm 2019, chị Linh thành lập Eduling International Academy do chị làm chủ nhiệm với các lớp Viết, IELTS... cho học sinh Việt Nam hoặc học sinh Mỹ có gia đình từ Việt Nam đến và có cả học sinh ở Úc. Những lớp học này cũng được tổ chức dạy trực tuyến (virtual qua Zoom).
Chị Linh cho rằng nguyên tắc giảng dạy và chất lượng giảng dạy là như nhau, và những hoạt động học tập ở trên lớp có thể hoàn toàn tổ chức được trên giờ học trực tuyến.
“Mình chưa thấy nghiên cứu về mức độ tham gia của học sinh ở hai môi trường dạy này, nhưng cũng có nhiều cách giúp giáo viên kiểm soát và khuyến khích mức độ tham gia của các em.
Điểm khác biệt lớn nhất mà mình thấy là việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên và học sinh và giữa học sinh với nhau ở môi trường trực tuyến khó hơn ở trên lớp học. Thế nên giáo viên và trường học sẽ phải suy nghĩ thêm về việc tạo cơ hội cho các em giao lưu ngoài lớp học.
Hoạt động Tết Trung thu cô giáo Linh tổ chức trực tuyến cho học trò của mình. Chị Linh cũng đang phát triển app để giúp các em nói chuyện Tiếng Anh nhiều hơn.
Tuy nhiên, dạy học trực tuyến do Covid là việc dạy “khẩn cấp” nên chúng ta phải hiểu rằng có rất nhiều thách thức tới cả giáo viên và học sinh nên việc so sánh hiệu quả của hai hình thức dạy và học trong khoản thời gian này có lẽ là so sánh khấp khiễng”.
Nói riêng về việc dạy trực tuyến tiếng Anh, kinh nghiệm của chị Linh là vẫn phải theo những nguyên tắc về giảng dạy ngoại ngữ đã được đúc kết trong ngành như cung cấp ngôn ngữ đầu vào có ý nghĩa và trong tầm tiếp thu của học sinh, cơ hội sử dụng ngôn ngữ, để ý và phân tích ngôn ngữ trong bối cảnh, phản hồi phù hợp khi học sinh mắc lỗi...
Theo chị Linh, giáo viên nên thiết kế bài giảng theo những nguyên tắc cơ bản mà mình vẫn theo và học cách sáng tạo bằng cách dùng công nghệ.
“Một giáo viên mà mình biết từng nói: “If there’s a will, there’s a way” (thành ngữ tương đương ở tiếng Việt là "Có chí thì nên"). Mình thấy các giáo viên luôn mày mò và sáng tạo để mỗi bài giảng là cơ hội phát triển ngôn ngữ có hiệu quả nhất cho các em”.
Với những bạn trẻ Việt Nam muốn trở thành giáo viên ở Mỹ, chị Linh chia sẻ rằng tìm việc giảng dạy ở đây khá khó khăn khó trừ khi đã học xong tiến sỹ và xin dạy ở các trường đại học.
“Xin dạy ở các trường công ở bậc phổ thông ở Mỹ cần có một chứng chỉ giảng dạy rất chuyên biệt của từng bang nên khi các bạn sang học thạc sỹ, các bạn cần hỏi về chứng chỉ này (thường gọi là teaching license hay teaching certification).
Một số bạn học thạc sỹ của mình dạy trường tư ở Mỹ và có bạn thì dạy cả tiếng Anh và cả một ngôn ngữ nữa mà họ biêt như tiếng Trung. Nước Mỹ đang quan tâm đến các chương trình đa ngôn ngữ nên biết thêm một ngôn ngữ có thể mang lại những cơ hội nhất định” – chị Linh đưa lời khuyên.
Nguồn: Phương Chi/ vietnamnet.vn