Nhiều cô gái dự tuyển lấy chồng Hàn với hy vọng đổi đời
Những vụ bạo hành vợ gây rúng động
Ngày 7/7, sở cảnh sát tỉnh Jeolla Nam (Hàn Quốc) tiến hành bắt giữ người đàn ông Hàn Quốc (36 tuổi) vì tội bạo hành vợ người Việt Nam ngay trước mặt con nhỏ 2 tuổi suốt 3 giờ. Cô dâu Việt bị đánh đến gãy xương sườn.
Một người bạn đã trình báo sự việc với cảnh sát và cho hay anh ta đánh vợ vì cô nói tiếng Hàn không tốt. Những hình ảnh ghi lại vụ việc khiến nhiều người cảm thấy xót xa.
Và không chỉ ở Hàn Quốc, nhiều cô dâu Việt tại Đài Loan, Trung Quốc… cũng đã từng phải gánh chịu những nỗi đau bị người chồng ngoại quốc bạo hành. Vụ án cô dâu Việt bị chồng Đài Loan sát hại đã từng gây bức xúc dư luận. Qua mai mối, chị Phụng ở quận 11, TP HCM lấy chồng người Đài Loan.
Lấy chồng ngoại quốc những tưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng chị không thể nghĩ có ngày lại bị chính người chồng ra tay sát hại. Chồng chị thường xuyên uống rượu và chửi vợ thậm tệ, bạo hành.
Trong một lần mâu thuẫn, anh ta đã dùng dao để chẻ cau lia vào cổ vợ làm đứt cổ chị. Chị Phụng gắng gượng dùng tay bịt vết thương, lao ra cửa nhưng chạy chưa đến 10m thì đổ gục và tử vong ngay sau đó.
Bà Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển chia sẻ rằng, bạo lực gia đình không chỉ có ở nước ta mà còn là vấn đề của nhiều quốc gia. Đàn ông dù ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có nhiều kiểu người, vì vậy không phải cứ lấy chồng nước ngoài là sung sướng hơn.
Việc những ông chồng ngoại không có sự thấu hiểu sẻ chia, lại gây bạo lực với vợ là hành động không thể chấp nhận được. Đa số cuộc hôn nhân với chồng ngoại quốc của cô dâu Việt thường rơi vào tình trạng "4 không" tức không biết tiếng, không hiểu truyền thống văn hóa, không hiểu hoàn cảnh gia đình chú rể và thậm chí là không hiểu bản thân chú rể…
Trào lưu lấy chồng nước ngoài vội vã, không qua tìm hiểu mà chỉ nhờ môi giới, xem hình ảnh rồi sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tính cách, sở thích… của các cặp đôi dễ dẫn tới những xung đột. Thêm vào đó do tính gia trưởng, học thức thấp khiến cho nạn bạo lực gia đình trong các gia đình đa văn hóa càng có xu hướng gia tăng. Đó là chưa kể có thể có sự phân biệt giữa những người vợ là người nhập cư và những người sở tại.
Ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội cho rằng, lấy chồng người nước ngoài hiện nay là một xu hướng khá phổ biến. Cũng phải thừa nhận, có một bộ phận các cô gái Việt khi lấy chồng nước ngoài đã cải thiện đời sống kinh tế của bản thân và gia đình. Nhưng bên cạnh đó nhiều người trong số họ phải đối mặt với những bi kịch mà trước khi sang đất nước đó không thể lường hết được.
Điều đáng nói là có nhiều cuộc "hôn nhân du lịch" được xếp đặt để tránh việc đăng ký kết hôn. Nhiều người vì nghĩ mình kết hôn, sinh sống ở nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu sang, sung sướng nên bất chấp sự can ngăn, hoặc tư vấn vẫn nhắm mắt lấy chồng ngoại. Không có nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng, gia đình nhà chồng, văn hóa sở tại nên không ít người khi kết hôn, qua đó sống mới "sốc". Có người cam chịu, có người bị đánh đập, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người.
Điều cần làm trước khi muốn lấy chồng nước ngoài
Các chuyên gia cho rằng, trong số đàn ông Hàn Quốc sang lấy vợ Việt Nam có một số vốn dĩ không đủ điều kiện và khả năng để lấy vợ người bản xứ nên buộc phải sang Việt Nam và các nước châu Á lấy vợ. Họ cũng là những người lao động nghèo, trình độ văn hóa thấp và công việc bấp bênh. Không ít cô gái Việt khi sang đó lại trở thành nhân lực lao động chính trong gia đình, nuôi chồng và con cái gia đình nhà chồng.
Trong khi đó, những cô gái Việt muốn lấy chồng nước ngoài để "đổi đời" lại thường là những người sống trong gia đình nghèo khó, không có điều kiện học hành. Vì vậy, khi vợ chồng đều ở tầng lớp nghèo khó nhất xã hội, chung sống với nhau mà lại không dựa trên cơ sở tình yêu, phải chung sống cùng những khác biệt về văn hóa sẽ càng trở nên bi kịch.
Theo bà Lê Thị Quý, dù có lấy chồng trong nước và ngoại quốc thì cần tìm hiểu lẫn nhau, nền tảng của hôn nhân vẫn là tình yêu, thấu hiểu. Khi có tình yêu, thấu hiểu mới có được cuộc sống hạnh phúc.
Để không phải chịu nỗi đau khi lấy chồng nước ngoài, chị em trong cuộc cần phải tìm hiểu kỹ, lường trước những khó khăn. Theo đó cần:
Điều đầu tiên là cần học ngôn ngữ để biểu tỏ được tình cảm của mình với chồng, gia đình chồng.
Thứ 2, phải học pháp luật của họ. Chẳng hạn như pháp luật ở nước ta khác ở Hàn, nếu không học thì không biết quyền của mình ở đâu và mình vi phạm pháp luật vào lúc nào. Thứ 3, cần học văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử.
Điều này quyết định lối sống hòa nhập hay không của chị em phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Người phụ nữ Việt phải học suốt đời. Bởi khi có con, họ sẽ lại dạy cho những đứa con mang hai dòng máu hiểu được văn hóa của bên bố và bên mẹ thì mới bền lâu được.
Ngoài việc học văn hóa, tiếng, luật pháp cần phải học các kỹ năng bảo vệ mình, biết các tổ chức nào bảo vệ mình hay có mối liên hệ với nhóm phụ nữ cùng lấy chồng ngoại với nhau để khi cần có thể nương tựa nhau khi ở đất khách quê người.
Hiện ở nước ta cũng có rất nhiều các trung tâm dạy về văn hóa, ngôn ngữ cho các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc. Qua các lớp này, các cô gái Việt được học về văn hóa, lễ nghi, lối sống và cả ngôn ngữ cơ bản cho chị em phụ nữ trước khi sang nhà chồng sinh sống.
Ðể hạn chế tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài thiếu hạnh phúc cũng cần quản lý chặt chẽ hơn về công tác xuất cảnh, nhập cảnh trong kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Nguồn: Phương Thuận/ Giadinh.net.vn