Lần đầu tiên Chuh A nhìn thấy Rex Ny gần 20 năm trước, anh biết ngay rằng mình đã trúng tiếng sét ái tình.
Năm đó Chuh A 14 tuổi, Ny 12 tuổi. Gia đình Chuh A và Rex Ny có một mối liên hệ đặc biệt, họ đều đến từ tỉnh Kontum, Tây Nguyên, di cư đến thành phố Greensboro, bang Bắc Carolina, Mỹ. Theo thống kê, khoảng 3.000 người Thượng định cư ở Mỹ sau chiến tranh, phần lớn tập trung ở bang Bắc Carolina.
“Mắt tôi lóa đi vì cô ấy”, A nói với New York Times. Ny ban đầu không chú ý đến A.
“Đối với tôi, lúc đó chỉ là hai đứa trẻ chơi đùa cùng nhau”, người phụ nữ năm nay 31 tuổi nhắc lại kỷ niệm tình đầu. “Chúng chơi đuổi bắt, trèo cây và rồi đi bơi”. “Cô ấy không để ý đến tôi”, A ở tuổi 33 kể rằng ba lần rủ Ny đi chơi tiếp theo, anh đều bị cô từ chối.
Sau một năm không liên lạc, cậu thanh niên A bắt đầu gửi cho tình đầu của mình những chiếc thiệp điện tử sến súa và những tin nhắn qua mạng. Lần này, sự kiên trì đã mang lại thành công. Ny đồng ý hẹn hò. Lúc đó, A 16 tuổi còn Ny mới 14 tuổi. Họ chính thức yêu nhau từ đó.
Năm 2005, khi Ny học lớp 12, cô mang bầu con gái đầu lòng Nyan.
Cùng năm, hai người đính hôn. “Sau đó, chúng tôi đơn giản là ở bên cạnh nhau mãi mãi”, Ny nói. Hiện hai vợ chồng có thêm ba cô con gái nữa: Ly-Yhang, 12 tuổi; Jolie, 8 tuổi; và Evangeline, 6 tuổi.
Để vun vén cho gia đình 6 người, A làm công việc dịch vụ cho nhiều hãng thực phẩm, còn Ny làm móng theo mùa vụ. Họ vừa kiếm tiền để nuôi sống gia đình ở Mỹ vừa thường xuyên gửi tiền về quê nhà cho họ hàng. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính không những khiến họ trì hoãn việc kết hôn mà còn đã đẩy A đi tới một quyết định sai lầm trong đời.
Năm 2013, A bị kết án và đi tù ba năm vì tội vận chuyển ma túy tổng hợp sau hành động nhất thời “làm một cái gì đó đánh nhanh, thắng nhanh”. Dù là lần đầu tiên phạm tội, sai lầm đó tước đi của A chiếc thẻ xanh thường trú ở Mỹ đồng thời anh bị liệt vào danh sách chờ bị trục xuất. Tuy nhiên, A vẫn tin rằng sau khi hết hạn tù, anh sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường ở Mỹ.
Trước sự ngỡ ngàng của A và gia đình, vào tháng 6/2016, Cơ quan Di trú và Nhập cư Mỹ (ICE) ra lệnh bắt A. Sau 13 tháng tạm giam, vào tháng 7/2017, A bị trục xuất về Việt Nam, bỏ lại Ny và 4 con gái ở Mỹ.
Bất chấp sự khuyên can của người thân và bạn bè, hai người kết hôn tại một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Kontum vào ngày 26/1 vừa qua.
Trong không khí dịu mát và lộng gió trên Tây Nguyên, hơn 200 khách mời đã có mặt chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Sau lễ nhà thờ là một bữa tiệc tưng bừng được tổ chức tại nhà anh họ của Ny ở ngoại ô thành phố Kontum.
Kể từ sau khi A bị tr ục xuất, hai vợ chồng cố gắng vượt qua sự cách biệt về múi giờ và địa lý. Họ hàng ngày chuyện trò với nhau qua mạng, không chỉ để A có thể nhìn thấy khuôn mặt của Ny mà còn để anh không bỏ lỡ quãng thời gian lớn lên của 4 cô con gái. Và họ chưa từng bao giờ nghĩ tới một tương lai như thế này.
Chính quyền Washington dưới thời Trump siết chặt luật nhập cư, muốn gửi trả tất cả những cá nhân không phải công dân Mỹ và từng phạm tội trên đất Mỹ về quê hương của họ.
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến các chính quyền trước có hành động ép các nước khác nhận lại công dân đến mức độ này”, Jenny Zhao, một luật sư của Asian Americans Advancing Justice, nói. A là một trong số những người đầu tiên bị tr ục xuất về Việt Nam.
Rex Ny và Chuh A chụp ảnh cùng 4 cô con gái trong ngày cưới ở Việt Nam. Ảnh: NYT
Khi hỏi về lý do tại sao A không xin nhập quốc tịch Mỹ như cha mẹ mình, A nói:
“Tôi đang cố gắng. Lúc đó tôi không có đủ tiền, tôi không suy nghĩ thấu đáo. Tôi bị phân tâm vì những chuyện khác như công việc và nuôi sống gia đình”.
Ny nhớ lại cuộc điện thoại với bố mẹ chồng ngay sau khi A bị trục xuất.
“Cha mẹ anh ấy nói với tôi: ‘Con trai chúng ta gặp rắc rối rồi. Con không cần phải chung thủy với nó. Con có thể sống tiếp cuộc sống của mình’. Nhưng làm sao tôi có thể làm vậy cơ chứ?”, Ny nói. “Nếu tôi yêu ai, tôi sẽ ở bên cạnh người đó qua mọi phải trái, đúng sai; khi sống cũng như đến lúc ch ết, trong lúc ốm đau và khỏe mạnh. Chúng ta ở bên cạnh người chúng ta yêu. Đó là điều tôi tin”.
Nhưng không phải ai cũng ủng hộ niềm tin của Ny, ngoài 5 mẹ con trở về Việt Nam cho đám cưới, chỉ có mẹ của A, năm nay 72 tuổi và bố của Ny, năm nay 71 tuổi. Hai ông bà thông gia còn lại hoặc không thấy cần thiết bỏ ra một số tiền lớn và đi một quãng đường dài để dự một đám cưới hoặc đơn giản không muốn quay trở về quê nhà.
Cô dâu, chú rể rạng ngời hạnh phúc trong ngày cưới. Họ mời cả làng đến dự tiệc cưới, không kể thân sơ, như một cơ hội để đền đáp nối tiếp những người cùng dân tộc. Bàn tiệc cưới đầy ắp những món ăn chế biến từ thịt bò và thịt lợn còn tươi cùng đủ mọi loại rau củ quả.
Sau màn chào đón khách mời theo đúng truyền thống, bạn bè và gia đình cô dâu chú rể ngồi bên hiên nhà, xếp thành hình tròn xung quanh các hũ rượu cần. Cô dâu chú rể cùng nhau uống một vòng từng hũ rượu. Khi cả hai không thể uống thêm được nữa, các khách mời ùa vào giúp họ.
Dù lớn lên ở Mỹ, A và Ny đều nói được tiếng dân tộc Thượng, ngoài thành thạo tiếng Anh và tiếng Việt phổ thông.
“Đây là văn hóa và cội nguồn của chúng tôi”, Ny nói. “Khi các con tôi lớn lên, chúng thấy điều này và hiểu rằng đây là gốc rễ của chúng, chúng thuộc về nơi này”.
Dù không nói được tiếng Thượng, hai con gái lớn của Ny và A cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến cha mẹ đoàn tụ tại nơi họ sinh ra. “Con háo hức vì cha mẹ giờ được sống gần nhau rồi”, Ly-yhang ngừng một chút nhận ra sự nhầm lẫn. “Ý con là cha mẹ sắp được sống cùng nhau mãi mãi rồi”.
Sau lễ cưới, Ny và các con trở về Mỹ vào hôm 31/1 còn A hiện sống ở TP HCM và làm việc trong một nhà hàng. Theo các luật sư, A khó có cơ hội được đặt chân đến Mỹ lần nữa. “Cơ hội trở về Mỹ của anh ấy là mong manh”, Tin Thanh Nguyen, một luật sư ở bang Bắc Carolina, nói. “Lựa chọn duy nhất lúc này là chúng ta cần một lệnh ân xá sau khi bị k ết án của chính quyền hạt Wake, bang Bắc Carolina để xoay ngược lại án hình sự trước đây”. Ny và A tạm phải sống xa nhau. “Không sao cả”, Ny nói. “Nhưng tôi nhớ chồng mình”.
Nguồn: VnExpress