Hiện cậu bé đang điều trị tại bệnh viện Children Hospital Los Angeles (CHLA) ở Los Angeles. Em vừa trải qua ngày thứ 10 của đợt truyền hóa chất đầu tiên.
Sinh năm 2011, Ryan là con út trong một gia đình có cha là người Mỹ và mẹ là người Việt Nam.
“Việc truyền hóa chất chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ đợi được ghép tủy. Chỉ có một ai đó hiến tủy thì Ryan mới được cứu sống,” bà Van Trac, cô của bé Ryan, cho biết.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, bà Van Trac kể thêm: “Từ năm 2017, Ryan đã trải qua giải phẫu ghép tủy từ người anh trai cùng cha khác mẹ. Cháu đã khỏe mạnh và vui vẻ trở lại trường học sau đó. Nhưng không ngờ 18 tháng sau, Ryan đột nhiên kêu đau và gia đình đưa bé trở lại bệnh viện. Sau một số xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận bệnh của bé đã tái phát.”
Mẹ của Ryan, bà Phuong Jacoby, hiện đang chăm sóc con trong bệnh viện CHLA, cho hay: “Sau đợt đầu tiên hóa trị, Ryan đang phải chịu đựng những cơn đau nhức vì nhiễm trùng. Do cơ thể của con tôi không có hệ miễn dịch, nên bất kỳ virus, vi khuẩn nào dù nhỏ, cũng có thể tấn công. Bác sĩ phải tiêm kháng sinh liên tục vào cơ thể bé. Ước mơ của chúng tôi, không gì khác, là Ryan được cứu sống nhờ ghép tủy từ một ai đó có các chỉ số HLA trùng khớp (match) với Ryan càng nhiều càng tốt.”
Gia đình Ryan, gồm cha mẹ, một chị gái sinh đôi và một anh trai cùng cha khác mẹ. Ryan đã từng được ghép tủy từ anh trai năm 2017, bé đã trở lại khỏe mạnh, nhưng chỉ được 18 tháng sau đó bệnh của bé đã tái phát. (Hình: Phuong Jacoby cung cấp)
“HLA là Human Leukocyte Antigen, tạm dịch là chỉ số bạch cầu kháng nguyên. Đây là chỉ số để đo lường mức độ trùng khớp giữa người bệnh nhân cần được ghép tủy và người hiến tủy (donor). Mức độ trùng khớp hoàn hảo nhất là 10/10. Vì Ryan từng nhận tủy của anh trai cùng cha khác mẹ, có chỉ số HLA là 5/10 nên tác dụng chữa bệnh không cao. Chỉ trong vòng hơn một năm, bệnh của Ryan lại tái phát,” mẹ bé Ryan giải thích.
Bà Phuong Jacoby tâm sự: “Tôi được sinh ra ở Sài Gòn. Năm 1979 tôi được đặt chân đến Los Angeles sau một chuyến đi dài cùng mẹ vượt biên và ở trong trại tị nạn tại Thái Lan. Khi đó, tôi mới 6 tuổi. Tôi ở với mẹ tại thành phố Gardena. Sau đó tôi tốt nghiệp trường UCLA ngành tâm lý học, và làm việc trong lĩnh vực nhân sự. Tôi kết hôn năm 2006 và tới năm 2011 tôi mới có được hai bé sinh đôi, một bé trai là Ryan và một bé gái. Ryan còn có một anh trai cùng cha khác mẹ, đã từng hiến tủy để ghép cho Ryan nhưng không thành công.”
“Vào năm 2014, tôi đã từng bị bệnh ung thư vú giai đoạn ba. Sau nhiều tháng hóa trị kết hợp với xạ trị, bệnh của tôi đã thuyên giảm và sau đó không còn tìm thấy tế bào ung thư nữa. Thế nhưng năm 2017, tới lượt con trai Ryan của tôi, cháu bị bệnh AML, là một trong những bệnh ung thư máu khó chữa nhất. Ngoài ra, Ryan còn bị đột biến một nhiễm sắc thể, dẫn tới tủy của bé không thể tạo ra bạch cầu để miễn dịch. Ngược lại, tủy của bé lại tạo ra tế bào ung thư,” bà nghẹn ngào.
Là người hỗ trợ tích cực cho gia đình Ryan trong việc vận động tìm người hiến tủy, bà Van Trac cho biết: “Chúng tôi không còn cách nào khác là phải nhờ vào sự cứu giúp của cộng đồng để tìm ra người tình nguyện hiến tủy mà các chỉ số HLA trùng khớp với Ryan càng nhiều càng tốt.”
Để giúp đỡ Ryan trong việc chạy đua với thời gian tìm ra người hiến tủy, một tổ chức có tên là Asians for Miracle Marrow Matches (A3M) đã lên một chiến dịch có tên là Match4Ryan. Đây là một tổ chức bất vụ lợi tại Los Angeles, chuyên hỗ trợ các bệnh nhân ung thư máu thông qua chiến dịch vận động cộng đồng người Á Châu ghi danh hiến tủy.
Có quá ít người Á Châu ghi danh hiến tủy ở Mỹ
Bé Ryan đã trải qua các đợt truyền hóa chất (chemo) để diệt tế bào ung thư máu nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời để chờ được ghép tủy. Ryan là con lai hai dòng máu Mỹ Việt nên khả năng tìm người “match” với em rất khó. (Hình: Phuong Jacoby cung cấp)
Anh Christopher Chen, đại diện cho tổ chức A3M, cho biết: “Cứ 3 phút, lại có một bệnh nhân bị ung thư máu cần được ghép tủy. Nhưng trong cộng đồng những người thiểu số tại Mỹ, lại có quá ít người ghi danh để hiến tủy, trong đó có người Á Châu.”
“Tính tới năm 2018, có 20 triệu người đã ghi danh tình nguyện hiến tủy ở Mỹ. Trong số đó chỉ có 5% người Á Châu, 7% người Hispanic và 4% người Mỹ gốc Phi. Trong khi tỷ lệ này là 47% đối với người da trắng. Chỉ có 3% người hiến tủy thuộc diện con lai,” anh cho biết thêm.
Do Ryan là cậu bé lai hai dòng máu, nên khả năng tìm được người “match” với em vốn đã khó… lại càng khó khăn hơn!
Trước hoàn cảnh thương tâm và cấp bách để cứu cậu bé, vài tuần trước, hàng loạt đài truyền hình và báo chí địa phương ở khu vực Los Angeles như KTLA, ABC7, Los Angeles Times đã đưa tin để chung tay góp phần tìm người “anh hùng” có thể cứu sống Ryan.
Thông qua nhật báo Người Việt, mẹ của Ryan muốn gửi lời kêu gọi: “Tôi biết việc hiến tủy nghe có vẻ đáng sợ và mất thời gian nhưng đó là điều vô cùng đáng trân trọng. Cho dù chúng ta có theo tôn giáo nào, nhưng tôi tin rằng chúng ta đều hiểu về nhân quả. Tôi cầu xin quý đồng hương, hãy xem xét để ghi danh trở thành người hiến tặng tủy. Lời cầu xin của tôi không chỉ cho con trai tôi, mà còn cho nhiều người gốc Việt khác.”
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng căn bệnh đáng sợ này có thể xảy đến với tôi và con trai tôi. Có lẽ tất cả chúng ta khi khỏe mạnh đều nghĩ như vậy. Nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và nó đã xảy đến với tôi. Khi điều này xảy ra, không có cách nào khác là chúng ta hy vọng vào sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ từ cộng đồng. Xin cộng đồng chung tay cứu Ryan và những người khác. Quý vị sẽ luôn là ân nhân, là anh hùng của gia đình chúng tôi và của toàn xã hội,” bà nói thêm.
Cách thức trở thành người hiến tủy rất đơn giản
Các đợt hóa trị đã khiến em bé phải chịu đựng những tàn phá cơ thể như sụt cân, rụng tóc. Ngoài ra, bé còn bị đau nhức thường xuyên do nhiễm trùng vì cơ thể bé không có hệ miễn dịch do tủy không sản sinh ra tế bào bạch cầu. (Hình: Phuong Jacoby cung cấp)
Theo A3M, người hiến tủy phải là người có sức khỏe tốt, tuổi từ 18-44 và sẵn sàng cho tủy cho bất cứ ai khi họ “match” với mình.
Theo hướng dẫn của Hội A3M, thì việc ghi danh tình nguyện hiến tủy để cứu Ryan và những bệnh nhân khác, hết sức dễ dàng.
Chỉ cần gửi tin nhắn với cú pháp “Cure146” hoặc “Match4ryan” gửi tới tổng đài số 61474.
Hoặc ghi danh tại website https://join.bethematch.org
Trang Facebook: www.facebook.com/match4ryan
Anh Tài Nguyễn, đại diện tổ chức A3M, hỗ trợ cộng đồng Việt, cho hay: “Một hoặc hai tuần sau khi ghi danh, quý vị sẽ nhận được bộ thử nước bọt (Swab Kit) là các cây bông gòn. Xin vui lòng quẹt cây bông gòn trong thành má của quý vị khoảng chừng 15-20 giây và bỏ vô lại bao thư không cần dán tem và gởi lại cho chúng tôi.”
Theo tài liệu của A3M, tỷ lệ “match” rất thấp, chỉ có 1/430. Điều đó có nghĩa là không phải ai ghi danh cũng trở thành người hiến tủy ngay. Chỉ khi quý vị “match” với Ryan hoặc bệnh nhân nào khác, quý vị mới là ứng viên để trở thành người hiến tặng tủy.
Nếu quý vị có thắc mắc thêm về vấn đề hiến tủy, quý vị có thể liên lạc trực tiếp với thành viên tổ chức A3M qua số điện thoại (714) 657-8496 (Tài Nguyễn – tiếng Việt hoặc tiếng Anh) hoặc Chris Chen (424) 337-0380 (tiếng Anh).
Hoặc đại diện gia đình của bé Ryan, bà Van Trac, email: [email protected], số điện thoại (626) 782-5359.
(Tâm An)
Nguoi-viet.com