Ngước nhìn lá quốc kỳ tung bay phía trên bức tường khổng lồ chắn ngang biên giới Mỹ - Mexico, cô bé 13 tuổi Kimberly không biết những gì sẽ chờ đợi em và gia đình trong 24 giờ sắp tới, khi đoàn người nhập cư trái phép bắt đầu tìm cách vượt biên.
Quê hương Honduras của em đang ngập trong khủng hoảng chính trị và nước Mỹ có vẻ là lối thoát sinh tồn duy nhất…
Cô bé 13 tuổi trong đoàn người vượt biên trái phép vào Mỹ tháng 4/2018 - Ảnh: Reuters.
Gian nan con đường nhập cư
Lời cam kết thắt chặt chính sách nhập cư là một trong những lợi thế đưa Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng. Hàng loạt các động thái cứng rắn như cấm người dân từ 13 nước Hồi giáo nhập cảnh, xây bức tường chắn tại biên giới Mexico và mới đây nhất, tách trẻ em khỏi các gia đình vượt biên trái phép đã gây nhiều tranh cãi.
Khi các nhà lập pháp vẫn còn mải mê thảo luận, thì hàng trăm nghìn người đang chờ đợi số phận của mình tại trại giam, tại các khu tập trung tạm bợ và thiếu thốn.
Bên trong một trại tập trung dành cho trẻ em vượt biên trái phép tại Texas - Ảnh: Reuters.
Theo Reuters, trong một trại tập trung dành cho trẻ em vượt biên trái phép, các em có 2 tiếng vận động mỗi ngày, xếp hàng nhận phần cơm, hoàn toàn không được liên lạc với cha mẹ - những người đang bị giam tại một nơi khác và có thể bị trục xuất hoặc phạt tù. Bất chấp mọi lời cảnh cáo từ chính quyền Mỹ, bất chấp mọi nguy hiểm trên đường vượt biên như cướp biển, đắm tàu… hàng trăm nghìn dân tị nạn vẫn dồn tới biên giới Mỹ mong có được nơi trú thân an toàn.
Không chỉ người dân tị nạn chiến tranh hay khủng hoảng chính trị, nước Mỹ với các giá trị văn minh, hào nhoáng cũng là giấc mơ của hàng triệu người trên khắp thế giới. Tờ Utusan từng đăng tải câu chuyện của chị Amiyah (Selangor, Malaysia) dành 15 năm chờ đợi được xét duyệt hồ sơ nhập cư Mỹ theo diện bảo lãnh thân nhân.
Người phụ nữ sinh nhai bằng sạp rau ngoài chợ sẵn sàng bán cả căn nhà nhỏ, vay nặng lãi để có đủ tiền đóng cho trung tâm môi giới. Giấc mơ Mỹ, sau hơn chục năm, vẫn lấp lánh và những đứa trẻ lớn lên trong căn phòng trọ tồi tàn đã quen mặt toán chủ nợ kéo tới nhà mỗi tối.
“Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo…"
Nước Mỹ nổi tiếng với gương mặt các tỷ phú “một đêm”, với cơ hội làm giàu mau chóng và các phúc lợi xã hội hàng đầu thế giới. Nhưng điều đó có lẽ không dành cho hàng nghìn con người đang chen chúc trong những khu ổ chuột tại Los Angeles, Denver, New York...
Theo New York Times, hơn 8.000 người vô gia cư tại Los Angeles sống tạm bợ dưới các ngôi nhà ghép từ thùng carton hoặc bìa cứng. Trẻ em không được đến trường, có xu hướng trở thành tội phạm hoặc lao động phổ thông. Các vụ giết người, cưỡng hiếp, cướp của tại đây diễn ra hàng ngày do lực lượng tuần tra lỏng lẻo. Ngược lại, bất cứ người vô gia cư nào có hành động “khả nghi” tại khu vực trung tâm sẽ bị bắt ngay lập tức.
Túp lều của một người vô gia cư nằm giữa bãi cỏ hoang để tránh lực lượng tuần tra - Ảnh: Getty.
May mắn hơn, nhưng những người dân nhập cư hợp pháp mà không có bằng cấp cũng phải vật lộn để kiếm sống. Chị K. (một phụ nữ người Việt) tại New York tâm sự với phóng viên ĐS&PL:
“Ai cũng bảo đi Tây là sướng chứ tụi em ở đây cực lắm. Làm được bao nhiêu cũng phải tằn tiện để trả tiền nhà, tiền ăn rồi còn gửi về quê. Có những ngày ngồi xổm giũa móng cho khách chục tiếng không ngẩng đầu lên…”.
Chị K. chỉ là một trong hàng nghìn người Việt đang miệt mài kiếm sống nơi xứ người, vừa phải thích nghi với một đất nước xa lạ, vừa phải cạnh tranh khốc liệt để giữ chỗ làm. Những thú vui xa xỉ, những bộ cánh lộng lẫy hay các thương hiệu thời trang hoàn toàn xa lạ với chị dù cách nơi chị làm vài bước chân là trung tâm mua sắm sáng choang ánh đèn.
“Ở đây không phục vụ người da màu”
Tuy là một quốc gia hợp chủng, vấn đề phân biệt sắc tộc (Racism) vẫn là một trong những đặc điểm khó thay đổi của xã hội Mỹ.
Năm 2014, chủ một nhà hàng tại Oklahoma đã thu hút cả cộng đồng mạng và truyền thông vào cuộc bằng dòng thông báo: “Chúng tôi không phục vụ người da màu”. Bên cạnh các lời chỉ trích là những quan điểm ủng hộ với lý do người da màu “nghèo”, “thô lỗ” và “thấp kém”.
Một cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Washington năm 2014 - Ảnh: Reuters.
Mỗi năm, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ nổ ra ở khắp mọi nơi, thu hút hàng chục nghìn người tham gia cho thấy các chiến dịch kêu gọi thay đổi nhận thức và bình đẳng sắc tộc chưa bao giờ có tác dụng tại Mỹ.
Bộ phim Get out (2017) xuất sắc giành giải Oscar nhờ nội dung lên án sâu sắc tình trạng phân biệt đối xử với người da màu. Trong đó, có một chi tiết được đưa vào theo câu chuyện có thật. Đạo diễn Jordan Peele kể lại trải nghiệm của mình trong một cuộc phỏng vấn sau lễ trao giải:
“Cậu bé da màu nhìn tôi, khóc và nói rằng mẹ em đã chết trong một tai nạn giao thông do không được cấp cứu kịp thời. Nếu nạn nhân là người da màu, cảnh sát sẽ không tới, cấp cứu sẽ không tới, sẽ không có ai tới”.
Sau tất cả, không thể trách một nước Mỹ luôn lấp lánh cờ hoa và những đồng "đô-la xanh" hấp dẫn. Giấc mơ của những người nhập cư, vì thế, vẫn chưa bao giờ thôi day dứt, trở trăn.
Và nếu biết rằng, có khoảng 40 triệu người đang sống trong mức nghèo khổ ở đây, liệu giấc mơ Mỹ có tan vỡ?
Thử hỏi, bỏ ra hàng chục ngàn đô để mua một tấm vé đến nước Mỹ có phải là điều điên rồ?
Thu Phương
Đời sống & Pháp luật