Người Việt từ nhiều quốc gia trên thế giới thăm hỏi, trao tặng nhiều phần quà và tiền mặt cho quân và dân tại quần đảo Trường Sa.

42 1 Kieu Bao Khap The Gioi Vuot Hon 1000 Hai Ly Tham Quan Dan Truong Sa

Kiều bào và các nghệ sĩ hát cùng các chiến sĩ tại đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Anh Ngọc

55 kiều bào từ 19 quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan, Czech, Australia, Nga, Hàn Quốc... vừa có chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/20 kéo dài 9 ngày. Đây là lần thứ 8 Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức đưa kiều bào ra thăm Trường Sa, trong đó có những người đã 4 lần tham gia chuyến đi này.

Xuất phát tại quân cảng Cam Ranh hôm 14/4, tàu Kiểm ngư 490 đã đưa đoàn công tác số 5 gồm những người Việt sinh sống ở nước ngoài và cán bộ của nhiều Bộ, Ban ngành chính phủ đi qua 5 đảo, 5 đảo đá cùng một nhà giàn.

Tại đây, các đại biểu đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ, dâng hương tại khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham dự hai lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma và thềm lục địa phía nam.

Đã nghe nhiều về Trường Sa, nay được tận mắt ngắm nhìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ cũng như người dân tại đây, nhiều kiều bào không giấu được niềm xúc động và tự hào.

Năm nay đã 68 tuổi, sức khỏe không còn tốt nhưng bà Cao Thị Sáu cho hay mình không ngại vất vả. Người phụ nữ đang sinh sống tại tỉnh Sakhon Nakhon đi cùng đoàn kiều bào Thái Lan toàn những người gốc Việt cao tuổi đã cố gắng vượt qua cơn say sóng để tham gia tất cả các hoạt động của đoàn và đặt chân đến mọi điểm đảo trên hành trình. Bà ân cần hỏi han, ôm hôn và động viên các chiến sĩ như con cháu trong nhà. 

42 2 Kieu Bao Khap The Gioi Vuot Hon 1000 Hai Ly Tham Quan Dan Truong Sa

Đoàn kiều bào Thái Lan tại cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Anh Ngọc

"Tôi sinh ra ở đất khách, nay không những trở về quê hương mà còn được ra thăm Trường Sa, hội ngộ với kiều bào cùng chung một tiếng nói từ khắp thế giới tại đây, đó là niềm vinh hạnh lớn nhất cuộc đời", bà Sáu chia sẻ. "Tôi biết ơn cha ông ta đã gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc và cảm ơn các chiến sĩ trẻ ngày nay tiếp tục giữ vững tay súng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam". 

Lấy tay lau những giọt nước mắt tại đảo Sơn Ca, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác, bà Hồng Kiệm cùng chồng là ông Phạm Văn Dân cho hay chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt bởi cả hai cũng từng là những người lính trước khi sang Ukraine định cư.

"Tôi ngạc nhiên và xúc động khi thấy các điểm đảo ở Trường Sa tươi đẹp và khang trang. Dù vẫn còn những thiếu thốn về vật chất nhưng tôi cảm nhận được các chiến sĩ vừa trẻ trung, yêu đời, vừa rắn rỏi, gan dạ", bà Kiệm nói. "Chúng tôi mong được chia sẻ tấm lòng mình với các chiến sĩ và mong các chiến sĩ cảm nhận được tình cảm của Việt kiều khắp thế giới nói chung, ở Ukraine nói riêng. Chúng tôi cũng hy vọng sau chuyến đi, cộng đồng người Việt tại Ukraine sẽ xích lại gần Trường Sa hơn".

Đồng hành cùng 6 thành viên của Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức trong hải trình lần này, ông Phan Văn Tùng, đang sinh sống tại Berlin, bồi hồi nhớ về cảm xúc khi lần đầu rời xa Tổ quốc.

"Từ lúc biết mình được tham gia chuyến đi đặc biệt này, tôi cũng như mọi người rất hồi hộp và mong chờ. Trong tôi trào lên một cảm giác kỳ lạ, giống như khi lần đầu rời Việt Nam sang Đức 32 năm trước", ông nói. "Lần này, tôi cũng có một chuyến đi xa nhưng là đi đến nơi đầu sóng ngọn gió, để thấy tận cùng của Tổ quốc mình bao la, tươi đẹp và thân thương như thế nào".

Là một trong những hội nhóm có nhiều đóng góp tích cực, năm nay ông Tùng cùng các thành viên của Câu lạc bộ Trường Sa trao tặng nhiều phần quà là các thực phẩm thiết yếu và máy tập đa năng cho chiến sĩ và người dân tại các điểm đảo.

"Kiều bào ở nước ngoài nhiều người xa quê hương đã lâu và hầu như chỉ biết chung chung rằng Việt Nam có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. May mắn được đặt chân đến đây, tôi muốn nhắn gửi với mọi người rằng, Trường Sa của chúng ta xa lắm và thiêng liêng lắm. Chúng ta hãy có những hành động thiết thực, cụ thể để giữ gìn Trường Sa", ông Tùng nói thêm.

Theo ông Lương Thanh Nghị, phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, nhu cầu được đi thăm Trường Sa của cộng đồng kiều bào là rất lớn, nhưng do điều kiện khó khăn về thời tiết và khoảng cách, mỗi chuyến đi chỉ có khoảng 50-80 kiều bào được tham gia. 

"Đây là dịp để bà con kiều bào hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam", ông Nghị cho hay. "Sau mỗi chuyến đi, ai cũng mang về những kỷ niệm đẹp và trở thành những sứ giả góp phần lan tỏa tình yêu đất nước cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo ra cộng đồng người Việt trên thế giới". 

Ông Nghị cho biết thêm sau 8 năm triển khai chương trình, phong trào ủng hộ Trường Sa đã phát triển rất mạnh, đặc biệt ở những nước có đông đảo người Việt sinh sống. Năm nay, đoàn kiều bào tiếp tục trao tặng nhiều phần quà là các thực phẩm thiết yếu, trang thiết bị và tiền mặt với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng cho quân và dân Trường Sa. 

42 3 Kieu Bao Khap The Gioi Vuot Hon 1000 Hai Ly Tham Quan Dan Truong Sa

Câu lạc bộ Trường Sa của kiều bào tại Đức tặng quà cho các chiến sĩ tại đảo Núi Le A thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Anh Ngọc

Vào cuối năm ngoái, Dự án "Trường Sa, Nhà giàn DK1 - Hành trình của trái tim" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và một số kiều bào thực hiện đã in 5.000 cuốn lịch tập hợp những hình ảnh chân thực về Trường Sa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người Việt khắp 5 châu. Kết thúc hành trình lần này, dự án trên sẽ tiếp tục được triển khai và số tiền thu được từ việc bán lịch sẽ được dùng để mua sắm các trang thiết bị tại các điểm đảo và tặng 32 học bổng cho con em vượt khó học giỏi của các chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1.

"Chúng tôi cho rằng mỗi chúng ta chỉ bằng một hành động nhỏ thôi nhưng cũng làm ấm lòng các chiến sĩ nơi đảo xa, góp phần làm với đi những khó khăn và động viên họ yên tâm làm nhiệm vụ", ông Nghị nói thêm. 

Với chị Lưu Thị Hiền, Việt kiều Đức, đến thăm Trường Sa là một cách để người Việt trong nước cũng như ở nước ngoài góp tiếng nói khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. 

"Mỗi người đến thăm Trường Sa là một cột mốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi cũng thế, cũng sẽ là những cột mốc mới", chị Hiền nói.

"Sau chuyến đi, chúng tôi sẽ trở về đất nước mà mình đang sinh sống, dùng tiếng nói và những hình ảnh mà mình ghi lại được để giới thiệu và quảng bá về quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc".

Nguồn: Anh Ngọc/ vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC