‘Sống ở Pháp, làm gì cũng phải lên kế hoạch từ sớm’, chị Phương Lê, một nghiên cứu sinh đang sinh sống và làm việc ở Pháp chia sẻ.

Chị Phương Lê đã sống cùng chồng và 3 con ở đất nước châu Âu xinh đẹp này được gần 8 năm. Sang Pháp để làm nghiên cứu sinh, gia đình chị chưa quyết định có định cư lâu dài ở Pháp hay không. Chị cho rằng, ở quốc gia nào cũng có nhược điểm và ưu điểm khác nhau.

Dưới đây là một số chia sẻ của chị về những trải nghiệm của bản thân ở nước Pháp.

42 1 Nguoi Viet O Phap Song O Nuoc Ngoai Chua Bao Gio De Dang Hon Viet NamChị Phương Lê cùng 2 cô con gái. Ảnh: NVCC

PV: Những ngày đầu tiên sang Pháp, gia đình chị đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới như thế nào?

Chị Phương Lê: Khó khăn lớn nhất mà mình gặp phải là rào cản về ngôn ngữ, do mình không biết nói tiếng Pháp. Để khắc phục rào cản này chỉ có cách duy nhất là phải tới lớp để học tiếng. Nói chung, nếu bạn sống ở nước ngoài mà không thể giao tiếp bằng tiếng bản địa thì việc hòa nhập là vô cùng khó khăn.

Khó khăn thứ hai mà mình gặp phải là người Pháp có thói quen giải quyết giấy tờ qua đường bưu điện. Ban đầu mình không có thói quen kiểm tra thùng thư, cũng không lưu giữ giấy tờ cẩn thận nên mỗi khi có việc cần lại rất khổ sở.

Khó khăn tiếp theo là thói quen phải đặt hẹn mỗi khi cần làm việc gì, kể cả bị ốm đi khám bệnh cũng vậy. Có lần mình hẹn để đi khám răng cho con, bác sĩ cho cái hẹn cách 6 tháng. Tới ngày hẹn, mình cũng quên mất.

Hồi đầu mới sang, sau khi ký giấy tờ thuê nhà, lẽ ra mình phải đến công ty điện nước để mở một tài khoản nhưng mình không biết nên không làm. Kết quả là sau mấy ngày, nhà mình bị cắt điện và nước nóng. Lúc đó, ông xã không ở nhà, mình cũng không biết làm thế nào, đành sống trong cảnh tù mù suốt mấy ngày. Đến khi ông xã quay lại, giải quyết xong, họ vẫn bảo phải đợi 1 tuần ‘điện mới về làng’.

Nhưng kể từ đó, mình học được cách lên kế hoạch, vì việc gì có kế hoạch từ sớm thì rất có lợi, nhất là đi du lịch. Nếu mua vé sớm, đặt khách sạn sớm, mình sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Ngoài ra, vì không có gia đình và người thân ở bên này nên nhiều khi cuộc sống cực kỳ vất vả, nhất là những lúc sinh con, vừa chăm con nhỏ vừa phải làm việc.

Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, mình đã học được cách bố trí cuộc sống sao cho thuận tiện và hợp lý nhất. Cho nên, bây giờ mình vừa có thể chăm sóc 3 con, vừa làm nghiên cứu, vừa tham gia vào nhiều dự án khác nhau.

42 2 Nguoi Viet O Phap Song O Nuoc Ngoai Chua Bao Gio De Dang Hon Viet NamHiện chị Phương Lê sống cùng chồng và 3 cô con gái. Ảnh: NVCC

– Chị thấy khác biệt lớn nhất giữa cuộc sống ở Việt Nam và ở Pháp là gì?

Có rất nhiều thứ khác nhau mà mình khó có thể kể hết: môi trường y tế, giáo dục; phúc lợi xã hội; bảo hiểm y tế; an ninh giao thông; thái độ đối với cuộc sống…

Nói về các chính sách xã hội thì nước Pháp thuộc dạng ‘hào phóng’ nhất thế giới, vì họ được tiếng là ‘bác ái’, ngay trong tuyên ngôn của họ. Họ thực hiện đúng chính sách lấy tiền của nhà giàu chia cho nhà nghèo.

Về cơ bản, nước Pháp cũng là nước giàu, nên nếu so sánh với Việt Nam thì sẽ không hợp lý. Mỗi quốc gia có một chế độ chính sách phù hợp với hoàn cảnh xã hội và kinh tế.

– Nhiều gia đình đang có cuộc sống tốt ở Việt Nam nhưng vẫn quyết định sang nước ngoài định cư với mục đích mong con cái có cơ hội học tập, công việc, tương lai tốt đẹp hơn. Đó có phải là mục tiêu của gia đình chị khi sang Pháp?

Gia đình mình hiện tại đang ở Pháp vì lý do công việc, còn sau này thế nào thì vẫn chưa biết. Mình nghĩ ở đâu cũng có mặt tốt mặt xấu, quan trọng là mức độ thích nghi của mình đến đâu.

– Có những người đang có công việc, vị trí tốt ở Việt Nam nhưng sang nước ngoài họ phải lao động chân tay để kiếm sống, nhưng họ vẫn chấp nhận và hài lòng với điều đó. Quan điểm của chị về việc này như thế nào?

Mình cũng biết nhiều trường hợp như thế và mình cho rằng mỗi người có một lựa chọn riêng cho cuộc sống của họ. Họ cũng có lý do riêng để làm vậy nên mình hoàn toàn tôn trọng lựa chọn đó.

42 3 Nguoi Viet O Phap Song O Nuoc Ngoai Chua Bao Gio De Dang Hon Viet NamChị Phương Lê cho rằng, trước khi quyết định sinh sống ở nước ngoài, cần suy nghĩ thấu đáo vì theo chị, cuộc sống ở xứ người chưa bao giờ dễ dàng hơn ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

– Một số ý kiến cho rằng sống ở những quốc gia phát triển luôn tốt hơn Việt Nam. Nếu có cơ hội, họ sẵn sàng tìm mọi cách để đi. Chị có đồng ý với ý kiến này không?

Cá nhân mình cho rằng ở đâu cũng có điểm tốt điểm xấu, khó có thể nói cái nào hơn cái nào. Có những thứ có thể tốt với người này nhưng chưa chắc tốt với người khác. Mình nghĩ không có công thức chung, vì mỗi người đều có quan điểm ‘tốt, xấu’ khác nhau.

Vì thế, theo mình, đi hay ở đều là lý do riêng. Nhưng nếu quyết định ra đi mỗi người cũng nên cân nhắc thiệt hơn, suy nghĩ thấu đáo và lên kế hoạch rõ ràng. Vì cuộc sống ở nước ngoài, theo mình nghĩ, chưa bao giờ là dễ dàng hơn cuộc sống ở Việt Nam.

– Hiện tại cuộc sống của gia đình mình ở Pháp như thế nào? Chị có bao giờ có ý định quay về Việt Nam?

Hiện tại gia đình mình có cuộc sống ổn định ở Pháp. Mình cũng thường xuyên về thăm gia đình. Còn định cư lâu dài ở đâu, gia đình mình vẫn chưa quyết định, có thể không phải ở Pháp, cũng có thể không phải ở Việt Nam mà ở một đất nước nào đó trên trái đất này.

– Chị có chia sẻ, lời khuyên gì với những người muốn định cư ở Pháp không?

Nếu muốn định cư ở Pháp, trước hết các bạn nên tìm hiểu về cách thức xin việc cũng như luật định cư cho người nước ngoài để không gặp vấn đề gì về việc giấy tờ. Hiện nay giấy tờ để người nước ngoài xin việc ở các nước như Anh, Pháp ngày càng khó khăn.

Mình thấy cuộc sống ở nước ngoài không hề dễ dàng gì, do nhiều khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Vì thế, để thực sự hòa nhập với cuộc sống ở nước ngoài, chúng ta nên mạnh dạn học hỏi, giao lưu với người bản địa, thay vì chỉ sinh hoạt khép kín trong cộng đồng của mình.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Nguồn: VietNamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC