Chúng tôi được khuyên dùng thử hai món đặc sản của miền Nam là canh chua, cá kho của bà chủ quán Ngô Thủy Ngân.
Ước mơ chỉ thành hiện thực khi đã quá lục tuần
Bà Ngô Thủy Ngân đã ngoài sáu mươi nói về giấc mơ mở nhà hàng từ rất sớm, khi vừa đặt chân đến thành phố Sacramento. Từ lúc nhỏ, sống ở quê nhà Kiên Giang cuối trời Nam của đất nước, bà thường lẩn quẩn trong bếp đứng ngó mẹ ruột nấu ăn khi ở nhà riêng, khi ở nhà hàng của gia đình.
Coi mẹ nấu ăn, tuy rất thích, nhưng Ngô Thủy Ngân còn quá nhỏ để ý thức về một cái nghề không ít nỗi truân chuyên.
Điều bất ngờ là khi cùng với chồng là ông Lê Văn Điệu và bốn đứa con nhỏ đặt chân lên đất Mỹ, bà Ngân trở thành nhân viên phụ bếp của một nhà hàng ở Sacramento.
Tài nghệ nấu ăn ngon của bà thuyết phục được người chủ tiệm tức thì. Không chỉ biết nấu nhiều món, từ các loại bún, lẩu, đến các món chiên, xào, canh… bà Ngân còn biết cách nêm nếm khá chính xác các món ăn, khiến các thực khách không chê vào đâu được.
Bà đặc biệt nổi tiếng nhờ món canh chua, cá kho tộ rất vừa ăn, không quá mặn, không quá lạt, không quá ngọt, không quá chua… Hai món ăn đặc sản miền Nam trở thành món “chiêu bài” của nhà hàng, nơi bà Ngân làm việc. Ai hỏi về bí quyết giúp bà nấu món canh chua, cá kho khiến thực khách ăn hoài không biết ngán, bà chỉ trả lời ngắn gọn rằng đó là món ăn “kiểu miền Tây.”
Dù nấu ăn giỏi như thế và dù đã nhiều lần ngỏ lời muốn mở quán ăn riêng để làm chủ, bà Ngân chỉ nhận được câu từ chối của ông chồng. Bà nói: “Mỗi lần mở miệng đề nghị mở nhà hàng riêng thì ông chồng tôi đều gạt đi.” Ông không muốn gia đình mở nhà hàng riêng nại lý do là vì nghề nấu ăn cực lắm.
Nhiều lần khác, bà Ngân tìm được vài địa chỉ sang tiệm, bảo ông đi coi. Có lúc ông Điệu cũng chiều lòng, dắt vợ đi coi, nhưng sau đó thì cứ bàn ra. Mãi cho đến khi ông ngã bệnh và đột ngột ra đi, bà Ngân mới có thể thực hiện ước mơ của mình.
Bà kể: “Tôi than thở với mấy đứa nhỏ rằng ba mầy chết rồi, má buồn quá muốn kiếm chỗ mở tiệm làm việc cho vui qua ngày.” Khi đã ngoài tuổi sáu mươi, bà mới chính thức làm chủ quán phở Lê tọa lạc tại đường Center Pkwy của thành phố Sacramento nay đã bước sang năm thứ sáu.
Bà Ngô Thủy Ngân, chủ quán Phở Lê ở Sarcamento (Hình: Phụng Linh/Người Việt)
Nghề nấu ăn truyền thống của gia đình
Không ai biết rằng, ông Lê Văn Điệu cũng là người nấu ăn rất ngon. Ở nhà coi bốn đứa con nhỏ để vợ đi làm, ông nấu hết món này đến món nọ, từ bún riêu, đến bún bò Huế, làm mấy đứa con mê mẩn tài đứng bếp của ông.
Bốn đứa con nhỏ của hai ông bà gồm ba gái một trai vô tình học được nghề nấu bếp của cha. Nấu ăn nhà hàng trở thành cái nghề cha truyền con nối, từ bà nội lan đến cậu con út của bà Ngân nay đã 34 tuổi.
Bà kể lại, khi còn ở Việt Nam, gia đình bà đã nổi tiếng nấu ăn ngon và nêm nếm giỏi, tới nổi các chủ nhà hàng ở địa phương của tỉnh Kiên Giang thường xuyên mời họ đến ăn thử để góp ý kiến.
Ông Điệu được nhiều người gọi vui là “vua ăn.” Kể cả khi không được mời, ông thường mang vợ con đi ăn các nhà hàng mới mở cho biết. Theo bà, người thích ăn ngon thường là người nấu ăn ngon, vì món gì cũng ăn, món gì cũng thử nếm và làm thử.
Độc quyền canh chua, cá kho tộ
Quán phở Lê được nhiều người biết tiếng, không phải nhờ món phở mà nhờ món canh chua, cá kho tộ. Ít người biết rằng quán phở Lê độc quyền canh chua, cá kho tộ và không bán các món ăn chiên xào để hạn chế việc đưa dầu mỡ vào cơ thể của khách hàng.
Chủ trương này chỉ được thực hiện khoảng 6 tháng qua. Bà cho biết, lúc thử nghiệm việc loại bỏ các món chiên xào, bà cũng lo bị mất khách. Nhưng không, khách hàng vẫn tiếp tục kéo đến đông nghịt.
Món canh chua quán phở Lê dưới bàn tay chế biến của bà Ngân cũng giống những nơi khác, bao gồm các loại gia vị: me bột, đường, nước mắm, và nhiều loại rau như giá, cần tây, đậu bắp, bạc hà, cà chua, quế, ngò om… Cat fish cũng được luộc chin trước khi bỏ vô nồi súp. Nước lèo chính là chất liệu quyết định mức hấp dẫn của nồi canh chua. Bà cho biết, bà dùng súp hủ tíu để làm nước lèo.
Còn với món cá kho màu vàng hực, bí quyết của bà Ngân là nêm chút mật ong vào thố sành để tạo hương vị thơm tho bắt mũi, trước khi thêm chút hành khô và tiêu đen.
Cũng theo bà, làm chủ hay làm nhân viên ở nhà hàng đều không quan trọng đối với bà. Điều quan trọng hơn, theo bà, là liệu một người có thật sự thích công việc của mình đang làm hay không.
Nhờ ảnh hưởng tính “mê ăn” của chồng, thán phục bàn tay khéo léo của bà mẹ, và cuối cùng là vì thích nấu ăn nên bà không hề ngán ngại công việc mà hầu như tất cả mọi người đều cho là cực khổ.
Canh chua ở quán Phở Lê, Sacramento (Hình: Phụng Linh/Người Việt)
Cũng may, sau một thời gian thử thách không lâu, quán phở Lê và bà Ngân hầu như đã khẳng định được tên tuổi tại thành phố Sacramento. Khi được hỏi ý kiến, bà Ngân xác nhận rằng bà hoàn toàn tự tin về sự thành công của quán nhà.
Bà đã bắt đầu giao dần công việc cho cậu con trai út quyết định theo đuổi nghề nấu ăn của bà ngoại và mẹ. Bất kỳ khi nào bà bận đi thăm bạn bè hay đi một nơi nào đó thì cậu con trai đứng ra coi sóc quán ăn.
Thử thách thường được khẳng định thông qua thực tế. Lần đầu tiên đến thăm quán phở Lê, tôi đã chứng kiến cảnh khách hàng xếp hàng dài trước cửa tiệm để chờ đến lượt.
Ngày hôm sau, khi chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa phải lên xe rời thành phố Sacramento, chúng tôi quay trở lại định thưởng thức một lần chót món canh chua cá kho tộ của bà Ngân. Thế nhưng khi được yêu cầu phải chờ ít nhất một tiếng đồng hồ mới đến lượt, cả bọn bỏ sang nhà hàng Thái bên cạnh, vì không còn kịp giờ lên đường.
Thực tế chứng minh giúp chúng tôi nhận ra rằng, bà Ngô Thuỷ Ngân thật sự là một người nấu món canh chua, cá kho tộ thành công ở thành phố Sacramento, California.
Nguồn: Nguoi-viet.com