Nhớ phần người Việt
Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) có vợ là người gốc Nhật và 2 con. Các con của ông có hai dòng máu và thừa hưởng tư tưởng truyền thống từ hai đất nước khác nhau.
Riêng với tết cổ truyền của VN, GS Thành cho biết năm nào cũng tổ chức các hoạt động ở nhà, để nhắc nhở con nhớ phần người Việt của mình.
Ông Thành kể hằng năm ông luôn cùng các con gói bánh tét. Cha con ông gói ít nhất 12 đòn để nấu. Ông quan niệm đây là dịp dạy cho con trai biết về văn hóa quê cha. Takara, con đầu của ông, bắt đầu học gói từ lúc 12 tuổi.
Nay 23 tuổi, Takara đã có thể gói khá tốt. Taki, con thứ hai của ông, cũng đã bắt đầu học gói vào mỗi dịp tết. Hiện tại đã thành nếp quen nên cứ vào giữa tháng 1.2019, các con ông lại hỏi: "Khi nào gói bánh tét?".
Ngày 20 tháng chạp vừa qua, cha con ông đã hoàn thành nồi bánh tét của mình. Ngoài ra, năm nào cha con ông cũng bày biện các món ăn như ở quê nhà để bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
GS Thành quan niệm:
"Gói bánh tét là một nghệ thuật. Từ xếp lá đến cột dây lạt, tất cả đều phải học. Nếp sống, đậu xanh sống, khúc thịt ba chỉ, gói làm sao mà khi nấu xong, cắt miếng bánh, nếp bao đều quanh đậu và đậu bao quanh thịt như ba khoanh tròn.
Bánh phải tròn trong khi hai đầu phải vuông vức. Nấu xong bánh nở đều chứ không đầu to đầu nhỏ và không phình giữa".
GS Thành còn cho biết ông tìm cách thay đổi hương vị bằng cách thay nếp trắng bằng nếp nâu, trộn thêm đậu phộng tươi. Ông nhất quyết gói bằng lạt, thắt dây như ở VN chứ nhất quyết không dùng bao ni lông...
Dẫn con đi chợ tết
Takara, con đầu của GS Trương Nguyện Thành, gói bánh tét. ẢNH: TR.NG.TH
Theo một số người Việt xa xứ, mỗi dịp tết, họ tranh thủ đi đến những khu chợ. Tuy không xôm tụ như ở VN, nhưng những khu chợ này giúp kiều bào cảm thấy ấm lòng nơi xa xứ vào ngày tết.
Họ cũng có điều kiện để giảng giải cho con về cái tết truyền thống trong những lần đi chợ.
Anh Jimmy Nguyen, một người gốc Việt ở Melbourne (Úc), cho biết bình thường ở nước ngoài, đa số chỉ mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng. Chỉ có chợ tết thì mới đúng nghĩa là đi chợ như ở VN. Người Việt ở Melbourne khá đông, thường ở tập trung thành từng khu.
Vì vậy, Melbourne có đến 4 khu vực tiêu biểu mà nhắc đến tên là biết ở đó đa số là dân gốc Việt. Đó là vùng St.Albans, Footscray, Richmond và Spring Vale.
Hiện tại cũng đã có thêm nhiều vùng dân cư Việt khác nữa. Cộng đồng Việt có sáng kiến tổ chức chợ tết mỗi vùng một ngày chủ nhật khác nhau, nên ai "siêng" là ăn tết mệt nghỉ. Chưa kể cộng đồng còn tổ chức thêm một chợ truyền thống tiêu biểu cho văn hóa Việt.
Chị Thảo, một kiều bào ở Bắc California (Mỹ), cho biết các hội chợ tết lớn tiêu biểu thường ở khu Fairground, Eastrigde Mall, Grand Century Mall... Khách du xuân tha hồ ngắm những tà áo dài tung bay, tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm để được tặng quà miễn phí, xem múa lân, ca nhạc, thi hoa hậu.
Trẻ em thì phấn khích với các trò chơi vui nhộn như đu quay, cầu tuột, bắn thú bông... Không khí không khác mấy tết xưa ở VN, khiến du khách ở các tiểu bang xa về chơi cảm thấy ấm áp hơn vì cũng ít nhiều tìm lại được bản sắc, truyền thống quê nhà. Trẻ em đến đây sẽ biết được thêm nhiều về truyền thống tết ở quê nhà.
Hội chợ tết ở Nam California, nơi có đông người Việt sinh sống ở Mỹ, cũng thường được tổ chức trong các công viên hay khu dành riêng cho hội chợ của người bản xứ và luôn luôn diễn ra trong 3 ngày cuối tuần.
Chợ được tổ chức ngay ngày tết là tốt nhất, còn nếu không thì sát trước tết hoặc ngay sau tết vì ngày thường người dân Việt bận đi làm trong các hãng xưởng Mỹ mà người Mỹ thì không ăn tết VN. Nhiều người Việt lấy ngày nghỉ thường niên trong dịp tết để vui tết, đón xuân, thờ cúng tổ tiên ông bà, đi thăm chúc tết bà con, bạn bè hoặc đi chơi xa.
Ông Hảo Tâm, một người Việt ở California, chia sẻ:
"Người Việt đi đâu là mang cả quê hương, tập quán theo mình. Ngày tết ở Little Sagon, California là cái nôi của cộng đồng Việt hải ngoại cũng không thiếu thứ gì.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh đều có tất cả. Nhưng trong tâm khảm người xa quê hương vẫn còn vương vấn tình quê, tình nước bao năm ấp ủ chúng ta, thiếu đi tiếng võng đưa kêu kẽo kẹt giữa trưa hè".
Nguồn: Đăng Nguyên/ Thanhnien.vn