Là một người từng trải qua quãng thời gian đi học tại nước ngoài, câu chuyện du học của anh Hoàng Huy chắc chắn đưa tới cho độc giả những cái nhìn chân thật nhất về “giấc mơ màu hồng” ấy.

Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư?

Trước hết, xin được nói rằng bài viết này không phải là một gáo nước lạnh để dội vào ước mơ du học của các bạn trẻ; ngược lại, với tư cách một cựu du học sinh đã từng sống, học và trải nghiệm đủ lâu để thấu hiểu đến tận cùng về cuộc sống du học sinh, tôi chỉ mong muốn dùng chính những câu chuyện bé nhỏ của mình như một sự chia sẻ của một người trong cuộc để các bạn trẻ và các bậc phụ huynh hãy suy ngẫm một cách thật toàn diện và sâu sắc trước ngưỡng cửa du học, dù là bất kỳ quốc gia nào.

Với tôi, du học không phải là một cuộc vui, phiêu lưu theo trend sang chảnh như mọi người, đặc biệt là các bạn tuổi teen trong nước hay nghĩ: một cuộc sống màu hồng tuyệt vời với những bức ảnh đẹp tuyệt vời, những toà nhà lộng lẫy, hay những quảng trường đẹp hơn tranh.

42 1 Nha It Tien Van Co Di Du Hoc Co Duoc Khong Cuu Du Hoc Sinh Anh Tai London Sai Mot Ly Trong Tinh Toan Du Hoc No Khong Di Mot Dam Dau Ma Co Khi Con Chang Thay Mat Troi Luon

Du học với tôi là một sự đầu tư chiến lược để thay đổi chính tương lai cuộc đời mình; và tôi may mắn là có một cố vấn đầu tư tuyệt vời, chính là bố mình, một du học sinh châu Âu thế hệ trước giỏi giang và dày dạn kinh nghiệm, người đã luôn vô tình truyền cảm hứng về một chuyến đi xa qua những câu chuyện không thể chân thật hơn từ những ngày còn bé xíu.

Và đã là đầu tư thì phải có vốn, có các bài toán để tính đến chuyện có lời, và có các phương án xử lý trong mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trong gia đình tôi, câu mắng nặng lời nhất không phải là chửi rủa, lăng mạ, mà là một câu nói nghe có vẻ rất bình thường ở các gia đình khác: “Con chẳng có kế hoạch gì cả. Đàn ông mà thế à?”.

Và để tránh phải đón nhận câu nói mà với tôi là một sự sỉ nhục ghê gớm ấy, tôi đã âm thầm chuẩn bị bài toán cho riêng mình trong suốt 2 năm liền để bảo vệ trước “Daddy Shark” chứ không thể nổi hứng lên mà đi được, kể cả bạn có dư tiền.

42 2 Nha It Tien Van Co Di Du Hoc Co Duoc Khong Cuu Du Hoc Sinh Anh Tai London Sai Mot Ly Trong Tinh Toan Du Hoc No Khong Di Mot Dam Dau Ma Co Khi Con Chang Thay Mat Troi Luon

Tôi tìm hiểu các loại hình giáo dục các quốc gia không biết bao nhiêu ngàn giờ search – đọc – sàng lọc – phân tích dữ liệu; tôi mò mẫm vào không chừa một group hay diễn đàn nào của cộng đồng người Việt và du học sinh bản xứ ở những nước tôi định lựa chọn, tôi liên hệ – tìm gặp bất kỳ ai đã từng đi du học trong vòng 10 năm trở lại để xin được nghe những câu chuyện của họ để đi tìm một bức tranh thật. Không có sự lựa chọn tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất cho mỗi người.

Cuối cùng tôi chọn Vương Quốc Anh – một quốc gia có vẻ đắt đỏ bậc nhất, học phí không hề rẻ tại thời điểm đó vì tổng hoà các yếu tố: thời gian học ngắn nhất – chương trình học phù hợp – điều kiện an ninh/ổn định chính trị – môi trường văn hoá xã hội – khả năng tiếp cận với người thân trong các tình huống khẩn cấp (emergency case)… và quan trọng bậc nhất: điểm hoà vốn rõ ràng nhất và khả năng thu hồi vốn lớn.

Bạn có thể không hình dung được rằng quyết định chọn đi du học một nước nào đó còn phải phân tích bối cảnh kinh tế và phát triển của 5 năm trước và sau thời điểm bạn dự kiến tốt nghiệp. Tôi đã nhấn mạnh: “Con buộc phải đi Anh trong năm nay, vài tháng nữa có thể con sẽ mất cơ hội vì tổng đầu tư sẽ vượt khả năng chi trả dự kiến của con.”

Quả thực tôi đã dự đoán đúng, sau khi tôi đóng đầy dủ tiền học, đồng bảng Anh vọt từ quãng 26.000 VND/GBP lên gần 35.000 VND/GBP do kinh tế Anh vào guồng hồi phục sau suy thoái.

Và lúc trở về, tôi cũng bán tống bán tháo toàn bộ số bảng Anh của mình có chỉ 3 tiếng trước khi công bố kết quả Brexit năm 2016 làm cho đồng Bảng rớt giá thảm hại từ 33.000 VND xuống dưới 30.000 VND.

42 3 Nha It Tien Van Co Di Du Hoc Co Duoc Khong Cuu Du Hoc Sinh Anh Tai London Sai Mot Ly Trong Tinh Toan Du Hoc No Khong Di Mot Dam Dau Ma Co Khi Con Chang Thay Mat Troi Luon

Nói tóm lại, bạn có thể ghét Toán, bạn có thể dốt Toán, nhưng đứng trước những bài toán lớn của cuộc đời mình thì cố gắng; đừng có tính sai. Sai một ly trong tính toán du học, nó không đi một dặm đâu mà có khi còn chẳng thấy mặt trời luôn.

Về phương án chi trả cho cuộc đại đầu tư lớn nhất đời mình tính đến thời điểm đó, tôi đã xây dựng tới 5 phương án tài chính, trong đó vay tiền bố được tính tới như phương án dự phòng cuối cùng. Và đến bây giờ, tôi vẫn giữ việc mình đi học thành công mà chưa bao giờ phải dùng tới Phương Án Cuối Cùng đó như một niềm tự hào nho nhỏ cho riêng mình.

Vì sao lại nói là “vay” tiền bố? Vì tôi thực lòng không muốn nhận từ bố quá nhiều, với tôi, học đại học trong nước đã là đủ để kiếm tiền và tự tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, chỉ cần không lười biếng. Tôi không muốn nhận những đồng tiền từ tài sản của bố tạo dựng bằng một đời trong sạch làm việc và cống hiến, mặc dù tôi tin bố sẵn lòng cho tôi nếu tôi xin. Nhưng có vay thì chắc chắn sẽ có trả; còn cho – xin thì chưa chắc đã tạo ra lòng biết ơn.

Kết thúc buổi bảo vệ phương án đầu tư đó, bố tôi hỏi: “Con muốn bố hỗ trợ gì con?”. Tôi nói “Con chưa muốn bố trợ giúp gì lúc này, khi con cần tới, nhất định con sẽ gọi. Nhưng nếu có thể, con muốn bố tặng cho con một món quà làm kỷ niệm.” Bố chở tôi đi mua, tôi chọn một đôi giày bảo hộ lao động có giá 150.000 đ, có mũi bằng sắt bên trong, nó hơi nặng nhưng rất chắc chắn, chịu được nước – chịu được cả tuyết sâu. Tôi muốn trong cuộc vạn lý trường chinh của mình sắp tới nơi xứ người, đôi giày nặng đó sẽ luôn nhắc tôi nhớ về bố, về đất nước, về những mục đích tốt đẹp rõ ràng mà mình đã vạch ra ban đầu cho chuyến đi này.

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng về tài chính, tôi cất sang một bên để thực sự nhúng mình trải nghiệm vào một cuộc sống tự lập đích thực ở nước ngoài; để thử xem một người tay trắng sẽ xoay sở thế nào ở một đất nước xa lạ không ai biết bạn là ai, là con bố nào mẹ nào. Đúng hơn, là tôi muốn tự mình dạy cho mình một bài học cho “sáng mắt sáng lòng” – phải có một cái gì đấy khác biệt hẳn với cái cảnh cơm ăn không phải xới, đũa không phải lau, thiếu nước có người đút cho ăn, như ở nhà.

Hơn nữa, cho đến năm 22 tuổi, tôi vẫn khá tự tin với khả năng xoay xở kiếm tiền của mình trong mọi hoàn cảnh; tôi muốn thử mình sẽ làm được cái trò gì ở đất nước này để vẫn học hành đàng hoàng mà vẫn sống được như thể là không có tiền để dành.

Phần 2 của bài viết sẽ kể tiếp về chuyện đôi giày của tôi đã đi những đâu, làm những gì những năm tháng ấy, những điều mắt thấy tai nghe, những gam màu thật nhất của đời sống mưu sinh của du học sinh – những chuyện ít người kể, để mọi người có thể tự suy ngẫm về quyết định cho riêng mình.

Theo kenh14

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC