Giữa muôn trùng khó khăn
Gần 6 năm qua sinh sống tại bang Queenland của Úc, có lẽ năm nay là thời điểm khó khăn nhất đối với chị Đặng Thị Quý (30 tuổi, quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Chị Quý chia sẻ với chúng tôi bằng thứ giọng Hà Tĩnh đặc sệt bởi lâu lắm rồi chị chưa có cơ hội để nói:
"Tính đến thời điểm hiện tại tôi đã sống tại Úc 6 năm. Vậy nhưng năm nay là một năm vô cùng khó khăn với chúng tôi khi phải đối mặt với COVID-19".
Chị Đặng Thị Quý tổ chức đám cưới mà không có bố mẹ ruột kề bên do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: NVCC
"Ở chỗ làm, cứ mỗi lần có ai hắt xì hay ho là mọi người đều lo sợ nên tôi nghỉ làm ở nhà để đảm bảo an toàn. Thời gian 7 tuần ở nhà, khó khăn về kinh tế là nỗi lo của cả gia đình. Đi đâu giá cả cũng tăng chóng mặt, bình thường mỗi bao gạo 50 đô nhưng thời điểm đó lên tới 90 đô. Từ khi dịch bùng phát, Chính phủ Úc cũng đã hỗ trợ thêm cho mỗi người 300 đô đến 400 đô và cả gia đình chỉ sống dựa vào nguồn hỗ trợ đó", chị Quý trải lòng.
Xa nhà đã hơn 6 năm nhưng không năm nào chị Quý không nhớ về Tết Việt Nam với sự sum vầy ấm áp của gia đình. Những ngày cận Tết, cuộc sống của những người Việt vẫn diễn ra bình thường vì "Tết bên Tây" chỉ được nghỉ một ngày và đây là cơ hội quý để làm việc sau kỳ nghỉ dài vì COVID-19.
Với anh Hoàng Tuấn Khải, năm nay là năm thứ hai ăn Tết xa nhà Ảnh: NVCC
Không riêng chị Quý, tại vùng trời Âu, gia đình anh Hoàng Tuấn Khải (SN 1995, quê ở Nam Định) cũng gặp phải muôn vàn những khó khăn. Cuối tháng 5/2019, anh cùng bố quyết định sang Anh vì bà nội đang bị ốm và cần người chăm sóc. Suốt 1 năm nay, em gái và mẹ anh phải ở lại Hải Phòng, đảm đương mọi công việc.
Thời điểm anh và bố đến Anh, thông tin về COVID-19 vẫn chưa xuất hiện. Anh Khải nghĩ rằng tới một đất nước mới, làm quen với môi trường mới, ổn định cuộc sống, anh có thể cùng người nhà có cuộc sống bớt áp lực hơn. Nhưng dịch COVID-19 đã cản trở tương lai ấy. Năm 2020 vừa qua, do tình hình dịch bệnh phức tạp, gia đình anh không được đón Tết cùng nhau. Anh Khải chia sẻ: "Thời gian gần Tết 2020, dịch COVID-19 mới bắt đầu, nhưng chính vì vậy nên mọi người ai cũng hoang mang. Từ lúc dịch bùng phát tới giờ, cả nhà tôi chưa một ngày đoàn tụ. Bà nội, bố và tôi chỉ có thể nói chuyện với mẹ cùng em gái qua những cuộc gọi video. Dù chúng tôi nhìn thấy mặt nhau nhưng vẫn buồn lắm, làm sao bằng gặp trực tiếp được".
Mỗi lần nhìn về quê hương là một lần được tiếp thêm động lực sống |
Khó khăn chồng chất, bà nội anh Khải có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bà được đưa vào bệnh viện để điều trị, còn anh với bố phải cách ly trong vòng nửa tháng. Không đi làm được, nguồn tài chính bị cắt giảm. Anh Khải chia sẻ: "Những ngày cách ly, sống trong nhà bức bối, khó chịu lắm. Nhà thuê không được rộng rãi, quay ra quay vào chỉ có bốn bức tường. Tôi chỉ lo bố không được hít thở không khí ngoài trời rồi sinh bệnh".
Giữa muôn trùng khó khăn, Tết năm nay lại tiếp tục là một năm ăn Tết xa nhà nhưng anh Khải vẫn lạc quan: "Điều quan trọng nhất là mọi người ở quê nhà đều bình an trong đại dịch COVID-19. Chỉ cần như vậy, khó khăn nào chúng tôi cũng sẽ vượt qua bằng được!".
"Lửa đồng bào" sưởi ấm nơi xứ người
Linh Chi lạc quan đón Giáng sinh năm 2020 tại Ba Lan giữa dịch bệnh bủa vây. Ảnh: NVCC
Đầu năm 2020, Lê Thị Linh Chi (20 tuổi, quê ở TP Hà Tĩnh) cùng chị gái sang Warszawa (Ba Lan) định cư cùng mẹ. Chi vừa đặt chân đến Ba Lan thì cũng là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Chi và cả gia đình em vẫn nhớ rất rõ những khủng hoảng trong giai đoạn đó.
Chi chia sẻ:
"Dù là du học sinh như bọn em hay những người lao động như bố mẹ em đều gặp khó khăn. Hai chị em phải học online rất khó tiếp thu, cản trở về ngôn ngữ cũng như văn hóa. Còn bố mẹ thì phải đóng cửa hàng dẫn đến không có tiền đóng tiền nhà, tiền ăn. Đợt gần đây, dịch cũng giảm dần đi, gia đình được mở cửa hàng bán lại nhưng lượng khách vắng và doanh thu cũng đi xuống nhiều so với trước đây nên cả gia đình đều phải nỗ lực rất nhiều".
Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người Việt ở nước ngoài rơi vào cảnh mất việc, nhưng điều giúp họ vượt qua khó khăn này đó là tình cảm đồng bào.
Toàn bộ cộng đồng người Việt ở Ba Lan đều không ngừng nỗ lực giúp đỡ nhau trong đại dịch. Bố của Chi tâm sự với chúng tôi:
"Người Việt mình bình thường vốn đã rất đoàn kết, lúc hoạn nạn lại càng thương nhau hơn. Từng chiếc khẩu trang, nhu yếu phẩm đến cả cơ hội việc làm đều được san sẻ trên các hội nhóm của cộng đồng. Sự ưu tiên luôn dành cho những người Việt mới sang chưa tạo được thu nhập".
Những bữa cơm gia đình thời kỳ cách ly giúp người Việt vơi đi nỗi nhớ người thân ở quê nhà. Ảnh: NVCC
Không chỉ những người Việt tại trời Âu mà ngay cả những người xuất khẩu lao động tại các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… thì năm qua cũng thực sự chật vật.
Tranh thủ quãng nghỉ giữa hai ca làm việc, anh Bùi Văn Thắng (SN 1989, quê ở Hải Dương) chia sẻ với chúng tôi về hành trình một năm qua nơi xứ người. Tháng 6/2019, anh Thắng rời quê lên Hà Nội làm phụ hồ kiếm tiền học tiếng Nhật. Ba tháng sau, anh trở về quê cưới vợ và sinh con. Tại đây, anh vay họ hàng được một số tiền vừa đủ để sang Nhật Bản với ước ao kiếm được vốn liếng làm ăn.
Anh Thắng tâm sự với chúng tôi về những ngày đại dịch qua: "Ngày dịch bùng phát, tôi cùng những người đồng hương ngồi với nhau trong căn phòng trọ giá rẻ và tìm cách xoay xở. Tôi vẫn nhớ như in hôm đó có một người bạn đồng hương vội vã từ ngoài vào, trên tay anh ấy là một tờ rơi tuyển dụng việc làm ở nhà hàng của Nhật. Khuôn mặt mọi người mừng rỡ hẳn lên bởi công việc trong nhà hàng nhẹ nhàng và không nguy hiểm. Công việc thì chỉ có một, nhưng chúng tôi cùng đến xin việc và thống nhất dù ai được nhận thì đều vui lòng".
Ngày hôm sau, anh Thắng đến xin việc và được nhận. Số tiền của anh có được từ chỗ làm mới không nhiều nhưng cũng đủ để trả tiền phòng và tiền ăn. Có việc làm giữa đại dịch là hạnh phúc lớn với anh.
Mỗi lần nhìn về quê hương là mỗi lần được tiếp thêm động lực sống
Chị Đào Kim Phượng và cộng đồng những người Việt tại Nhật Bản cùng nhau nương tựa và vượt qua mọi khó khăn của dịch bệnh. Ảnh: NVCC
Mỗi một người Việt xa quê dù có hoàn cảnh khác nhau tuy vậy khát vọng hướng về quê nhà vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Với chị Đào Kim Phượng (SN 1996, quê ở Thái Bình) thì đây đã là năm thứ hai chị không được về quê ăn Tết do ảnh hưởng của COVID-19. Chị Phượng đã sống và làm việc tại Nhật Bản trong 5 năm qua.
Tết năm 2020, chị Phượng mắc COVID-19, một mình sống trong khu cách ly. Cô đơn, trống vắng, nhớ nhà, đó là những cảm giác chị phải trải qua suốt thời gian điều trị. Những thời khắc phải cách ly, nghĩ về quê nhà, chị Phượng nhớ lắm hương vị của bánh chưng, của dưa hành và cả hơi ấm bếp lửa ngày đông quê nghèo cùng bố mẹ, người thân.
May mắn là chị Phượng chỉ bị nhiễm ở mức nhẹ nên việc chữa bệnh tương đối đơn giản. Hiện nay, chị đã hoàn toàn bình phục. Mong mỏi lớn nhất của chị là Tết năm nay tình hình dịch bệnh có thể thuyên giảm để có thể trở về bên gia đình. Dẫu vậy, thấy dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt, người thân được an toàn, chị như vứt bỏ được gánh lo âu.
Mỗi người Việt xa xứ khi hướng về quê hương không chỉ là nỗi nhớ mà còn là điểm tựa để tiếp thêm động lực và hy vọng. Vì đối với họ, chỉ cần những người thân được mạnh khỏe, bình an là điều quý giá nhất. Chia sẻ với chúng tôi sau một năm nhiều khó khăn với dịch bệnh lại phải sống trong cảnh xa nhà nhưng họ đều có một điểm chung, đó là: "Mỗi lần nhìn về quê hương là một lần được tiếp thêm động lực sống".
Theo Hoàng Anh (Gia đình & Xã hội)