Lỗi, hoặc tội lớn nhất của Đinh La Thăng là mỗi khi hành động, ông CHỈ LẮNG NGHE PHẢN HỒI TỪ LƯƠNG TÂM MÌNH! Ông có thể không định thay đổi lối hành xử đó, dù trả giá đắt, nhưng xã hội thì phải đủ sáng suốt, sự công bằng để những quan chức suốt đời vì người dân như ông không biến mất.
Lời tòa soạn:
Những ngày gần đây, trước dịp lễ Quốc khánh 2/9, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến mong muốn nhà nước Việt Nam "đặc xá" cho ông Đinh La Thăng, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, hiện đang thụ án 30 năm tù. Các ý kiến ủng hộ việc đặc xá xoay quanh việc ông Thăng là người "có tình", "dám làm, dám chịu", có công trong dự án thuỷ điện Hoà Bình, đường cao tốc...
Từng là Bộ trưởng giao thông với phương châm "chém" bất cứ ai dưới quyền không nghe theo lệnh, ông đã được nhiều người khen ngợi. Và với tâm lý mọi rợ sùng bái bạo lực này, ông được mệnh danh là "tư lệnh ngành", nhưng là "Tư lộn cái lềnh", theo "blog của 5xu".
Mặc dù theo điều kiện đặc xá, ông Đinh La Thăng chưa thực hiện đủ 1/3 án tù, liệu nhà nước Việt Nam có sẵn sàng "ngồi xổm" lên pháp luật để đặc xá cho ông Thăng hay không, có lẽ bạn đọc sẽ có câu trả lời trong 1-2 tháng tới. Kính mời quý vị đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tạ Duy Anh, đưa ra một góc nhìn khác về Đinh La Thăng
Tôi có một nguyên tắc sống khá dở hơi nhưng bất di bất dịch: Không chủ động cầu thân với các quan chức đương nhiệm. Nhiều người tôi quen thân lúc họ là thường dân, thì cũng tìm cách xa lánh khi họ có chức tước.
Nhưng Đinh La Thăng thì ngoại lệ.
Đã gần 40 năm chúng tôi quen và thân nhau. Sau này, dù ở cương vị nào, ông vẫn nồng ấm với tôi như lúc cùng ăn chung cái bánh giữa ca. Ông thực sự là một quan chức khác thường.
Hôm nay tôi sẽ nói về sự khác thường ấy.
Vào năm Đinh La Thăng đến Hòa Bình như một cuộc dấn thân kiêu hùng thì công trường đang tràn ngập các sự kiện. Vẻ hoành tráng của nó khiến có cảm giác bất cứ ai cũng trở nên bé tí. Giống như mọi người, họ vui vẻ chấp nhận tất thảy.
Thời gian Đinh La Thăng làm công tác đoàn ở Công ty cung ứng vật tư thì ở đây xảy ra một sự kiện kinh hoàng: Phần rừng bao quanh kho chứa thuốc mìn bị cháy! Hàng trăm tấn thuốc mìn đựng trong những chiếc hòm nhỏ có nguy cơ phát nổ nếu chậm di chuyển ra chỗ an toàn. Lực lượng chữa cháy, gồm cả trực thăng, được khẩn cấp điều từ Hà Nội lên khó mà đến kịp.
Không cần nhiều trí tưởng tượng lắm cũng hình dung ra chuyện nguy hiểm gì sẽ xảy ra. Trong mọi cảnh ngộ như vậy, đều cần đến một hành động vượt ngưỡng. Và Đinh La Thăng xuất hiện, kéo theo 500 thanh niên lao vào dập lửa. Nhờ thế thảm họa kinh hoàng đã không xảy ra và sự kiện này cũng nhanh chóng bị lãng quên.
Nhưng với Đinh La Thăng thì dường như mọi suy nghĩ của ông, sau vụ cháy kho mìn, bắt đầu mang màu sắc sứ mệnh. Ông ngẫu nhiên có những khám phá lớn về tuổi trẻ và về chính bản thân mình. Ngược lại ông hiện lên như một “thủ lĩnh” thanh niên. Người ta có thể đưa ra vô số giả thiết liên quan đến vai trò cá nhân của ông. Chúng luôn luôn thuộc về sự bí ẩn.
Nhưng có một điều hoàn toàn rõ ràng là, sau sự kiện ấy, như lời xác nhận của Đinh La Thăng, ông luôn cảm nhận thấy nghĩa vụ của mình trước cuộc sống và trước niềm tin của mọi người.
Ông bắt đầu tự đặt ra cho mình những câu hỏi và suy nghĩ về nó. Những suy nghĩ đó, ngay cả bây giờ vẫn thường trực với ông, bao giờ cũng kèm theo nó là số phận của hàng ngàn người mà càng ngày ông càng tự nguyện gắn bó. Họ cũng như ông đều hướng niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng ngay cả chính Đinh La Thăng cũng không bao giờ biết, thứ phẩm chất ưu tú ấy ở một người tuổi trẻ, hóa ra cũng lại là mầm mống cho tấn bi kịch của đời ông.
Nói ông không gặp thời thì không đúng.
40 tuổi lãnh đạo một tập đoàn lớn và nổi tiếng bậc nhất khi ấy. Vào Ban chấp hành trung ương năm 46 tuổi.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng đã trực tiếp chỉ trích nhà thầu Trung Quốc vì năng lực quản lý yếu kém dẫn đến các vụ tai nạn chết người tại một dự án đường sắt quan trọng ở thủ đô Hà Nội.
Làm Bộ trưởng một bộ quan trọng năm 51 tuổi.
Vào Bộ chính trị, về làm Bí thư Thành ủy thành phố lớn nhất cả nước năm 56 tuổi, được nguyên thủ của hàng chục quốc gia phương Tây, khi tiếp xúc, đánh giá là một quan chức cộng sản thông minh, năng động, có thể hợp tác sòng phẳng, bởi tư duy cởi mở, mới mẻ, luôn khao khát phát triển.
Nhưng bảo ông bất phùng thời cũng chả có gì quá đáng.
Ông Đinh La Thăng trong một cuộc họp, với câu nói nổi tiếng:"Không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được” .
Một người nói là làm, sẵn sàng vượt rào nếu hành động đó đạt được hiệu quả công việc cao nhất; một người sai là sửa, cầu thị, không ngại nói thẳng ra các yếu điểm; một người từng ủng hộ ngài Bob Kerrey, cựu chiến binh trong cuộc chiến Việt Nam, một nhân vật gây tranh cãi, làm chủ tịch Đại học Fullbright, với suy nghĩ nếu hướng tới tương lai sẽ khiến chúng ta mạnh hơn dù biết rõ đó là quyết định chính trị mạo hiểm nhiều người tránh.
Cũng con người ấy từng yêu cầu cấp dưới học tập Tổng thống Mỹ dám nghe chỉ trích mỗi ngày để tiến bộ; cũng con người ấy công khai ước muốn đòi lại ngôi vị số một Đông Nam Á cho Sài Gòn, như nó từng chiếm giữ trong quá khứ; một người không cầm được nước mắt khi người dân đến cầu xin cho những bệnh nhân ung thư một cái cầu vượt, để không còn cảnh chết thương tâm vì tai nạn giao thông và chỉ sau vài tháng lời hứa đã thành hiện thực; một người luôn bảo với cấp dưới:
Làm đi, không nói nhiều; một người suốt hàng chục năm không được đón giao thừa cùng với vợ con; một người chỉ vì khát khao cho đất nước phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng quốc gia, mà đưa ra những quyết định bị coi là vi phạm nguyên tắc, thứ nguyên tắc chỉ không làm gì mới không phạm tội.
Có mấy ai trong đám quan chức dám tuyên bố: “Các ông cứ làm đi, sai tôi chịu, nếu phải đi tù, tôi sẽ đi thay các ông”.
Một người như vậy mà cuối cùng phải ngồi tù, thì bảo ông bất phùng thời còn là nói nhẹ đi rất nhiều!
Những việc như chuyện kể dưới đây, nằm trong thói quen hành động, ứng xử hàng ngày của Đinh La Thăng.
Lần ấy ông đi thị sát tình hình sinh sống của người dân sau khi có con đường cao tốc. Biết ông Thăng về, như bất cứ đâu ông đến, người dân nhanh chóng vây kín vòng trong vòng ngoài. Lần này, thay vì những nụ cười rạng rỡ đầy ngưỡng mộ, họ đều buồn bã, vài người không giấu được sự giận dữ. Hóa ra từ ngày có đường cao tốc, lợi đâu chưa thấy, nhưng dân làng muốn sang bên kia đường làm ruộng, phải đi vòng mấy cây số. Gặp mùa mưa rét thì cực khổ vô cùng.
Nghe vậy, ông bộ trưởng gọi ngay cấp dưới phụ trách phần thiết kế đến, hỏi:
“Cậu là dân quê hay dân phố?”.
“Dạ, em là dân quê chính gốc ạ”.
“Là dân quê, tốt. Thế mà cậu sớm quên nỗi khổ của nông dân quá đấy. Nếu bây giờ hàng ngày cậu đi làm phải vòng mấy cây số mới đến khu ruộng chỉ cách chiều rộng con đường, thì cậu thấy thế nào?”
Bấy giờ ông mới cười tươi nói với mọi người:
"Xin lỗi bà con về sai sót này. Tôi hứa với bà con, chỉ thời gian ngắn nữa bà con sẽ có đường hầm dân sinh”.
Tất cả vỗ tay rào rào. Ông Thăng đã hứa thì yên tâm rồi. Và lời hứa của ông đã thành hiện thực rất nhanh.
Nếu chỉ thấy ông Thăng mạnh mẽ, hài hước, đôi khi bốc đồng, là chưa hiểu ông. Một lần ông nhờ tôi kiếm cho ông ít sách, để đọc trên máy bay khi đi công tác nước ngoài.
Tôi đến, vào đúng hôm mưa phùn dầm dề. Tôi thấy ông ngồi trầm ngâm một mình, nhìn ra ngoài trời. Nghe tôi than thở trời mưa ướt át quá và thể hiện sự bực dọc, ông quay lại, mặt không vui như mọi lần chúng tôi gặp nhau, mà còn có vẻ khó chịu. Lát sau ông bảo: “Cậu mới ướt một tí đã kêu ầm lên. Giờ này mà không có mưa thì nông dân chết đói à? Với họ mưa là vàng đấy”.
Ngày ông Thăng ra tòa vì tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", dù là bạn thuở hàn vi của ông nhưng tôi chỉ có thể theo dõi phiên tòa qua tivi và báo chí.
Ở đâu thì Đinh La Thăng vẫn thế: Hào sảng, trực tính, hùng tâm tráng chí. Ông nhận hết trách nhiệm, không muốn cấp dưới vì làm theo lệnh của ông mà bị vạ lây. Ông xin Tòa giảm án cho từng người, trừ những ai tham nhũng. Khi đó tôi nghĩ, nếu ông Thăng cũng khôn như trăm ngàn quan chức khác, dễ làm khó bỏ, lo cho thân mình trước, thì con đường công danh của ông chắc chắn còn rất dài và rất thênh thang.
Nhưng như vậy thì hàng vạn cán bộ, công nhân thủy điện Sông Đà đã mất việc hoặc rơi vào nghèo đói, nhếch nhác sau khi công trình thế kỷ hoàn thành. Nếu ông cũng chỉ nghĩ đến mình, thì với cơ chế mù mờ chẳng khác gì bẫy tội, hệ thống giao thông Việt Nam sẽ không tăng ngoạn mục tới 37 bậc chỉ trong 4 năm ông làm Bộ trưởng, theo xếp hạng của thế giới. Và còn nhiều điều tử tế khác sẽ không xảy ra, nếu ông không phải là ông như mọi người biết!
Ngày tôi lên thăm ông trên trại giam Ngọc Lý, tôi và mấy người bạn phải nhờ đến chiếc “thẻ ngành” mới được ưu tiên không phải xếp hàng. Người dân từ mọi miền kéo về, ngồi chật cả khu chờ, rộng bằng nửa cái sân bóng, tràn cả ra lối vào trại. Có hôm trại giam phải nhận hàng trăm quả mít. Hóa ra mọi người đồn nhau Đinh La Thăng thích ăn mít, thế là trong giỏ quà quê của bà con đều có mít. Có người từ Cần Giờ, gửi cho ông cả những đặc sản địa phương, vì có lần ông Thăng về thăm cứ nhặt cá khô nướng ăn ngon lành. Một cụ già móm mém, nước mắt lã chã, cứ vít tôi lại để hỏi ông Thăng tội gì? Một người tốt với dân chúng tôi như vậy, sao phải đi tù hả giời! Rồi những người khác cùng mếu máo khóc theo.
Gặp ông Thăng, mấy anh em cùng trưởng thành từ Sông Đà đều lặng đi. Vài người mau nước mắt không chịu được khóc tu tu. Ông Thăng cười động viên: "Bình tĩnh nào! Còn được gặp nhau là quý rồi".
Có người vừa gạt nước mắt vừa lý sự:
“Làm ăn thì có thắng có thua. Trong vụ ngân hàng, cuối cùng Nhà nước mua lại không đồng, thế thì thực chất có mất gì đâu, tiền vẫn nằm ở đấy, khi thị trường ổn định, còn có lãi nữa. Ông có mang về nhà đồng nào đâu mà bắt ông phải đền! Đến như ở Mỹ kia kìa, đại ngân hàng có lịch sử cả trăm năm còn sụp đổ cả loạt. Xử thế chúng tôi không phục!”
Ông Thăng vẫn điềm đạm: “Tớ không kêu ca, sao các cậu phải bức xúc. Mình sống thanh thản là quan trọng nhất”.
Được biết, suốt nhiều năm các cơ quan chức năng dùng mọi nghiệp vụ đặc biệt để truy tìm vẫn không thấy bất cứ thứ gì có thể gọi là tài sản bí mật của ông Thăng.
Vì thế, ông Thăng đủ thẩm quyền đạo đức để nói hộ cả cho chúng tôi. Và dù ở tù, Đinh La Thăng không hề thù oán, đổ lỗi cho ai, không hề để cho những ý nghĩ tiêu cực, chán nản được phép chen vào, ngoại trừ những lúc ông mệt mỏi khi cả đống bệnh rình rập từ thời Sông Đà đói khổ, được dịp thừa cơ cùng ập đến.
Nhân vô thập toàn. Không ai hoàn hảo. Không ai vô tội. Một quan chức xứ này, dù tốt đến mấy, càng khó mà không mắc một tội lỗi nào đó trong cái cơ chế xã hội mà, may thay, chính quyền hiện nay đã nhận ra và đang quyết tâm sửa chữa.
Lỗi, hoặc tội lớn nhất của Đinh La Thăng là mỗi khi hành động, ông CHỈ LẮNG NGHE PHẢN HỒI TỪ LƯƠNG TÂM MÌNH!
Ông có thể không định thay đổi lối hành xử đó, dù trả giá đắt, nhưng xã hội thì phải đủ sáng suốt, sự công bằng để những quan chức suốt đời vì người dân như ông không biến mất.
Nhà văn Tạ Duy Anh