Ngày 24/8, tại hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding đặt ở bang Virginia, Mỹ, dự kiến diễn ra lễ khởi công đóng tàu sân bay USS Enterprise, còn gọi là CVN-80. Trước đó, hôm 21/7, Tổng thống Trump đã thực hiện nghi lễ chính thức đưa vào sử dụng tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Đồng thời, đến cuối tháng 8, quá trình đóng tàu sân bay USS Kennedy đã đạt hơn 30%.
Cả ba con tàu kể trên đều là hàng không mẫu hạm lớp Ford, lớp tàu hiện đại nhất của Mỹ và trên thế giới hiện nay.
Đáng chú ý, vị tổng giám đốc điều hành chương trình đóng tàu sân bay mới của Mỹ là một phụ nữ gốc Việt, bà Giao Phan. Phóng viên An Tôn phỏng vấn bà về chương trình này và vai trò của bà. Xin mời quý vị theo dõi.
Phóng viên: Xin bà cho biết hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford có những đặc điểm gì nhờ đó tàu này tiên tiến hơn và mạnh hơn so với các lớp hàng không mẫu hạm trước đây?
Bà Giao Phan: Có thể nói tàu Gerald Ford, còn gọi là CVN-78, là hàng không mẫu hạm tối tân nhất trên thế giới hiện nay.
Tôi chỉ đề cập đến 5 thứ quan trọng nhất làm cho chiếc Ford này nổi bật mà chưa một quốc gia nào khác trên thế giới có thể làm được.
Thứ nhất, ngoại trừ Hoa Kỳ, chưa có một quốc gia nào trên thế giới có loại hàng không mẫu hạm có hệ thống giúp máy bay cất cánh bằng điện từ – electro-magnetic aircraft launch system, gọi tắt là EMALS; và một hệ thống hãm đà tối tân khi máy bay đáp lại – advanced arresting gears, gọi tắt là AAG.
Cả hai hệ thống này thay cho hệ thống cũ chạy bằng hơi nước, nên giúp cho việc cất cánh cũng như hạ cánh được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thứ hai là tàu được xây dựng theo thiết kế mới nhất chưa từng có trong vòng 40 năm qua. Chiếc Ford là hàng không mẫu hạm đầu tiên có hệ thống phát năng lượng tối cao nhất, tối tân nhất, có khả năng sản xuất một nguồn lực điện gấp 3 lần so với loại Nimitz.
Vì lý do này, các chuyên viên xây dựng chiến hạm mới có thể loại bỏ được hệ thống phát điện bằng hơi nước thường được sử dụng trong quá khứ và có chi phí bảo trì cao.
Thứ ba, để giúp tàu Ford có thể hoàn thành nhiều phi vụ trong một ngày hơn loại hàng không mẫu hạm Nimitz, hay nói cách khác là có khả năng chiến đấu vũ bão hơn các chiến hạm khác, chúng tôi có một số sáng kiến về phi đạo.
Thí dụ như thay đổi kích thước và vị trí của những khu vực trên phi đạo bằng cách cắt bớt số thang máy di chuyển máy bay, từ 4 xuống 3. Hoặc là có thang máy chuyển vận khí giới để có thể di chuyển vũ khí từ nhà kho đến khu máy bay đậu và phi đạo. Điều đó, cách di chuyển cũng làm cho nhanh hơn.
Một điều nữa chúng tôi học ở phương pháp áp dụng trong những cuộc đua xe drift car, thì tập trung mọi hoạt động tiếp vận và hỗ trợ máy bay ở ngoài phi đạo để làm sao cho máy bay được di chuyển nhanh hơn.
Thứ tư là intergrated warfare system – hệ thống tác chiến hợp nhất – bao gồm những kỹ thuật tối tân nhất. Có radar 3 chiều, 3-dimension, rồi hệ thống thông tin, rồi kiểm soát và chỉ huy để có thể nâng cao khả năng chiến đấu được hữu hiệu hơn.
Cuối cùng, một cái rất quan trọng nữa là chúng tôi không quên chăm sóc cho hàng ngàn thủy thủ làm việc ngày đêm trên chiến hạm. Nên hệ thống máy lạnh cũng tối tân được trang bị trên chiếc Ford để thủy thủ có thể có một nơi ăn ở cho thoải mái, có thể hít thở không khí trong lành mà không bị hại môi trường.
Với tất cả sự thay đổi mới mẻ này, chiến hạm Ford có thể hoạt động hữu hiệu hơn, với ít nhân lực hơn.
So với chiếc Nimitz, chúng tôi tiết kiệm được 600 người vì bảo trì và sửa chữa cũng giảm. Điều này giúp cho ngân quỹ quốc gia của Mỹ có thể tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đôla trong vòng 50 năm là thời gian hoạt động của chiếc Ford.
Tàu USS Gerald R. Ford đã được Hải quân Mỹ chính thức đưa vào sử dụng (ảnh do Hải quân công bố tháng 4/2017)
Phóng viên: Xin hỏi bà tổng nhân lực dự kiến trên tàu Ford là bao nhiêu nghìn người so với tàu lớp Nimitz?
Bà Giao Phan: Khoảng 4.600, tổng cộng là vừa thủy thủ lẫn air wing [đội ngũ nhân lực của các hoạt động bay].
Như chiếc Nimitz thì có khoảng 3.290 người [là thủy thủ], thì chiếc Ford chỉ có 2.600 thôi.
Rồi cái air wing, chiếc Nimitz có khoảng 2.270 người, thì chiếc Ford khoảng 1.758.
Phóng viên: Hiện nay, không có nước nào trên thế giới có thể sánh ngang Hải quân Mỹ, và có thể trong 1 thập kỷ nữa cũng không có nước nào sánh bằng được, ngay cả khi nước Mỹ chỉ dùng các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Vậy, tại sao nước Mỹ lại cần phải xây dựng lớp hàng không mẫu hạm mới?
Bà Giao Phan: Câu hỏi này hay lắm. Hàng không mẫu hạm là trọng tâm của việc tăng cường sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ trong thế kỷ tới.
Tàu Gerald Ford được xây dựng thật tối tân để đối phó những thử thách hiện nay, hay những thử thách mà chúng ta không biết trước.
Tôi cũng muốn nhắc lại Nimitz là loại được chế tạo trong thập niên 50 hay 60 [của thế kỷ trước]. Loại đó đã phục vụ tốt và có khả năng điều khiển máy bay kiểu xưa lẫn hiện nay.
Nhưng Hải quân Hoa Kỳ nhận thấy Nimitz sẽ không được cải tiến để đối phó với những thử thách đòi hỏi trong tương lai.
Có một thí dụ là mình đi mua một chiếc xe hơi cách đây 20 năm. Mình có săn sóc, bảo trì rất tốt, có hư gì thì mình sửa, nhưng mà cái xe của mình cũng là chiếc xe nghe cassette, rồi dùng loa để nghe âm thanh stereo thường thôi.
Bây giờ ai cũng muốn nghe CD, rồi dùng bluetooth để nói chuyện không cầm điện thoại xách tay, rồi muốn có máy navigation [chỉ đường trên bản đồ điện tử] thẳng trên xe mà không phải cầm bản đồ giấy như xưa.
Thì dù xe mà tốt cách mấy mình cũng phải đổi qua xe hoàn toàn mới để có những tiện nghi như vậy. Thì tàu lớp Ford cái concept [khái niệm] cũng giống như vậy.
Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ông John Richardson, đã tuyên bố rằng “Những lợi thế Hải quân Hoa Kỳ đang có hiện nay từ Thế chiến II sẽ nhanh chóng biến mất nếu chúng ta không quyết tâm tận dụng triệt để các tiến bộ tuyệt đỉnh về kỹ thuật. Chúng ta không thể chờ 10 năm hay 15 năm sau, mà phải bắt đầu áp dụng các sáng kiến ngay từ bây giờ. Chúng ta phải có chiến hạm có nhiều khả năng về tác chiến, cần phải có hệ thống thám thính tối tân hơn, đạn dược phải bắn xa hơn, có các vũ khí, năng lượng để Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới”
Phóng viên: Lớp hàng không mẫu hạm mới này sẽ có vai trò như thế nào trong việc thể hiện sức mạnh của Mỹ trên thế giới?
Bà Giao Phan: Hàng không mẫu hạm như một thành phố riêng ở ngoài biển cả. Mỗi hàng không mẫu hạm ra đi mang theo không chỉ những phản lực cơ, trực thăng, mà còn mang theo cả các bộ phận phòng bị với nó. Tàu có thể hoạt động độc lập từ hải phận quốc tế.
Hàng không mẫu hạm có thể giúp các vị tư lệnh tối cao của Hoa Kỳ có một vũ khí tuyệt đỉnh. Họ có thể ra lệnh cho nhiều phi vụ. Máy bay sẽ được phóng ra liên tục, như Hoa Kỳ đã từng làm trong cuộc chiến Iraq, khi mà chiếc CVN-75 Carl Vinson thả bom xuống Iraq.
Lúc đó, Hoa Kỳ không có nhiều căn cứ không quân ở Trung Đông, nhưng nhờ có hàng không mẫu hạm, không quân Hoa Kỳ vẫn có thể tung ra những vụ tấn công đáng kể từ những hàng không mẫu hạm.
Để biểu dương sức mạnh không quân trên thế giới mà không cần phải xin phép một quốc gia nào khác cả, không cần xin phép để hạ cánh trên lãnh thổ, hay là sử dụng không phận của quốc gia đó. Nói tóm lại, đây là một cách để phô trương quyền lực của Hoa Kỳ.
Nhưng còn một điểm nữa mà tôi muốn nói là ngoài tác chiến, còn có một nhiệm vụ khác là hỗ trợ các việc cứu nạn nhân đạo.
Chúng ta thấy gần đây các hàng không mẫu hạm đã có mặt trong việc cứu dân Haiti lênh đênh trên biển, hay cứu giúp các vùng đất bị tai họa khác.
Phóng viên: Là Tổng Giám đốc Điều hành chương trình về hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, xin bà cho biết trong công việc giám sát việc đóng con tàu rất vĩ đại này, có những thử thách gì lớn nhất mà bà đã trải qua? Và với thành tựu là con tàu này đã ra khơi, đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ, bà thấy có điều gì bà hãnh diện nhất trong dự án này?
Bà Giao Phan: Tôi làm cho Program Executive Office-Aircraft Carrier, tạm dịch là Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm. Đây là một cơ quan ở trong Hải quân Hoa Kỳ.
Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa, tóm lại, từ đầu chí cuối.
Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng 2 sao của Hải quân là Đề đốc Brian Antonio. Tôi là vị phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là quan chức dân sự cao cấp nhất trong tổ chức, với chức vụ tạm dịch là Tổng Giám đốc Điều hành. Chúng tôi có ngân sách 40 tỷ đôla để điều hành.
Thử thách khó khăn nhất đối với tôi trên đoạn đường dài mấy năm qua là làm sao có thể xây được một chiến hạm tối tân nhất trên thế giới với những hệ thống công nghệ và máy móc mà vẫn giữ được trong ngân quỹ được ấn định, mà phải bàn giao cho quân đội Hoa Kỳ đúng kỳ hạn.
Bà Giao Phan, Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ
Hàng ngàn người làm việc với nhau trong một thời gian lâu, áp dụng các kỹ nghệ tối tân nhất để thành hình một chiếc tàu, chúng tôi phải đem ra khơi chạy thử coi máy móc chạy có đúng như mình thiết kế không. Chúng tôi rất là mừng là tàu thành công trên mọi khía cạnh.
Máy chạy tốt. Mới đây, máy bay được phóng ra và đáp lại trên tàu với dàn phóng điện từ EMALS và AAG, đem lại kết quả rất là mỹ mãn như được mong đợi.
Cho nên tôi rất hãnh diện với sự chăm chỉ, tận tụy, kiên nhẫn và bền bỉ của các nhân viên trong quân đội lẫn dân sự, từ kỹ sư cho đến người thợ xây tàu trong mấy năm qua.
Tất cả hi sinh rất nhiều về đời sống gia đình để có kết quả mỹ mãn như ngày hôm nay.
Tượng Tổng thống Ford (1913-2006) trong khoang chứa máy bay trên hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford Còn riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện và được vinh dự tham gia trong việc xây dựng hàng không mẫu hạm Gerald Ford.
Đây là một cơ hội cho tôi trả ơn Hoa Kỳ, nhất là Tổng thống Ford, vì tổng thống này đã tạo cơ hội cho gia đình chúng tôi được vào Mỹ hơn 40 năm trước đây, năm 1975 đó.
Hàng không mẫu hạm đại diện cho Hoa Kỳ, là nơi cung cấp niềm hy vọng và tạo cơ hội cho những người thiếu thốn, không có điều kiện.
Gia đình tôi qua Mỹ khi đó chỉ có vài trăm đôla trong túi. Cha mẹ tôi phải làm mọi công việc lao động để nuôi 9 người con để học hành thành tài.
Cơ duyên lại đưa đẩy cho tôi phục vụ quân đội Mỹ, lại được làm trong ngành chế tạo hàng không mẫu hạm.
Cách đây 40 năm, cha tôi và bác tôi được hàng không mẫu hạm Midway cứu qua đây.
Ngày nay cách trả ơn quý báu nhất là chiếc tàu Ford này tôi giúp để thành hình, sẽ tiếp tục tác chiến hay làm việc cứu trợ nhân đạo như ngày xưa giúp gia đình tôi. I’m very proud of that [Tôi rất tự hào về điều đó].
Tiểu sử bà Giao Phan
8/2013 đến nay: Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ
11/2007-7/2013: Phó Giám đốc, Các Chương trình Mua sắm Trang thiết bị, Tuần duyên Hoa Kỳ
2006-2007: Phó Giám đốc Điều hành, Chương trình Hàng không Mẫu hạm Đang Hoạt động
2004-2006: Trợ lý Giám đốc Điều hành về đóng hàng không mẫu hạm mới thuộc lớp Nimitz
Trước đó, bà là Giám đốc chuyên trách Hàng không Mẫu hạm và Tàu Đổ bộ, thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Hải quân (chuyên trách Nghiên cứu, Phát triển và Mua sắm Trang thiết bị)
Bà từng là Giám đốc về Hệ thống Điện tử cho Chương trình Tàu ngầm Tấn công Nhanh Seawolf
Bà Giao Phan bắt đầu sự nghiệp dân sự trong Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1984 và được khen thưởng nhiều lần
Bà có bằng cử nhân kỹ sư công chính của Đại học Công nghệ Virginia năm 1981, bằng thạc sỹ quản lý của Viện Công nghệ Florida năm 1997
Nguồn: VOA tiếng Việt