Cộng đồng VN tại Ba Lan ngày càng có đông trẻ em
Do vậy tôi luôn cố gắng thi hành nhiệm vụ của mình thật tốt, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đồng hương của mình, nếu như trình độ ngôn ngữ của họ còn hạn chế.
Cách đây không lâu, tôi và một đôi vợ chồng trẻ người Việt đến Ủy ban Ba Lan, cụ thể là Phòng Hộ tịch, để làm giấy khai sinh cho cháu bé của họ vừa mới sinh ra.
Tại cơ quan hành chính Ba Lan, nhân viên cho biết là theo luật Việt Nam, trẻ em quốc tịch Việt phải có tên Việt Nam.
Cha mẹ cháu bé đồng ý đặt tên thứ nhất của con mình bằng tên thuần Việt và bày tỏ nguyện vọng muốn đặt tên thứ hai cho con mình một tên Ba Lan hoặc tên tiếng Anh, để sau này cháu bé tiện sinh hoạt khi đi học ở các trường phổ thông Ba Lan hoặc ở nước ngoài.
Nhân viên Phòng Hộ tịch từ chối và thông báo là phía Ba Lan đã biết thêm những thông tin mới về các quy định của Việt Nam là người Việt phải có tên Việt.
Khi thấy vô lý, tôi đã đưa thông tin này lên báo chí gồm cả một bài trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, và đăng lên mạng xã hội.
Có điều đáng mừng là khá nhiều người Việt quan tâm đến chủ đề đặt tên con thuần Việt hay có thêm cả tên tiếng nước ngoài.
Chính quyền Việt Nam cũng quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người dân và đã lắng nghe ý kiến trên mạng Facebook của cộng đồng.
Do vậy, hôm vừa qua, khi tôi có một việc phải đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan để giải quyết thì được cán bộ lãnh sự mời vào phòng trong để nói chuyện.
Tiếp tôi là một cán bộ nữ rất trẻ, xinh đẹp, nói năng rất hoạt bát và lịch sự. Bởi vì trước đây trong buổi gặp mặt giữa nhân viên Sứ quán và cộng đồng, chúng tôi đã làm quen và biết tên nhau.
Nhiều trẻ em gốc Việt đã ra đời ở Ba Lan, nơi cha mẹ các em sinh sống, làm ăn - ảnh của Võ Văn Long từ Warsaw
Do vậy chúng tôi xưng hô với nhau như người quen chứ không cần quá xã giao với nội dung tôi ghi lại ở đây nhưng xin không nêu cô nhân viên đó.
Đầu tiên cô nói:
"Chuyện anh viết lên báo là không chính xác, vậy đề nghị anh cải chính cho em về thông tin này.
"Anh đưa thông tin đúng sự thật, tại sao phải cải chính?
"Vậy anh hãy yêu cầu phía Ba Lan cho biết là có công văn hay văn bản nào của Việt Nam yêu cầu phải thi hành thủ tục hành chính như vậy?
"Thực ra anh chỉ là nhân viên bình thường (phiên dịch), khi người ta yêu cầu như thế nào, thì anh dịch lại cho người dân biết về quy định như vậy. Anh không chắc chắn là phía Ba Lan sẽ giải thích như thế nào về việc này, tuy nhiên anh sẽ cố gắng làm sáng tỏ vấn đề này. Có thể chỉ là sự hiểu lầm trong cách nhìn nhận một số quy định của hai nước.
Nếu các cháu sinh ra ở Ba Lan muốn có thêm tên nước ngoài thì cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam sẽ không hề gây khó khăn trong các thủ tục hành chính khi làm giấy tờ Việt Nam Nữ cán bộ tại ĐSQ VN ở Warsaw |
"Theo luật Việt Nam, bọn em chỉ yêu cầu là công dân Việt Nam phải có một tên Việt Nam, còn nếu như các cháu sinh ra ở Ba Lan muốn có thêm tên nước ngoài thì cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam sẽ không hề gây khó khăn trong các thủ tục hành chính khi làm giấy tờ Việt Nam."
Nghe nói vậy, tôi thấy rất tích cực và trả lời cho nữ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Warsaw rằng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và làm những gì mình có thể.
Hỏi phía cơ quan của Ba Lan
Không muốn để việc này kéo dài, vì liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân - dạo này trẻ em Việt ở Ba Lan sinh ra khá nhiều - nên tôi đã đến Ủy ban chính quyền Ba Lan nói trên với mục đích tìm lời giải thích rõ về những quy định của cả hai quốc gia Việt Nam và Ba Lan trong vấn đề đặt tên cho trẻ sơ sinh.
Người tiếp tôi là một bà trưởng phòng người Ba Lan mà trước đó tôi cũng đã từng tiếp xúc, tức là đã quen mặt.
Do vậy cuộc nói chuyện cũng được diễn ra một cách khá vui vẻ, không hề gay gắt, bởi vì cả hai bên cùng có thiện ý để giải quyết vấn đề, chứ không hề tìm cách trốn tránh trách nhiệm hay đổ lỗi cho ai đó đã làm sai.
Sau khi tôi trình bày mọi khúc mắc và giải thích về nhu cầu của cộng đồng người Việt ở Ba Lan rằng một số gia đình muốn con mình có thêm tên Ba Lan, bà trưởng phòng nói:
"Thực ra tôi vừa đi nghỉ phép về, vậy chưa rõ mọi chuyện, ông đợi tôi một lát nhé, để tôi nghiên cứu và nói chuyện với nhân viên mà các ông bà đã làm việc cùng trong ngày hôm đó."
Một lát sau, bà quay ra trao đổi với tôi:
"Không có văn bản hay thông tư nào của phía Việt Nam gửi trực tiếp cho chúng tôi. Nhưng hiện nay trong các thủ tục hành chính, chúng tôi có tự nghiên cứu các quy định của cả hai quốc gia mà luôn có rất nhiều thay đổi.
"Theo luật Việt Nam thì đúng là có điểm ghi rõ "công dân Việt Nam phải có tên Việt Nam."
Bà nói thêm:
"Ông phiên dịch là người am hiểu, vậy ông biết đấy: quy định là vậy, nhưng cách nhìn nhận một số nguyên tắc thì lại tùy người đọc. Có điều tôi muốn bảo đảm với ông là các công dân Việt Nam khi đặt tên thuần Việt cho con mình thì vẫn có quyền đặt thêm tên Ba Lan nữa, nếu gia đình muốn vậy, sẽ không hề bị gây khó khăn.
"Tuy nhiên, trong ngày hôm đó nhân viên kia đã nhìn nhận nguyên tắc này theo một cách khác và đã xử sự như vậy. Nếu có xảy ra chuyện kiện tụng dân sự thì thực ra tôi cũng không biết kết quả sẽ như thế nào, vì sẽ cần phải có thêm các ý kiến của các chuyên gia khác và sự phán xét của tòa án.
Trụ sở cơ quan chính quyền Ba Lan
"Tôi cũng lấy làm tiếc là đã có một cháu bé không có thêm tên Ba Lan, nhưng ông yên tâm là người Việt ở Ba Lan sẽ luôn được chính quyền Ba Lan tìm mọi cách giúp đỡ, cố gắng tránh mọi sự hiểu lầm."
Nghe thấy nói vậy, tôi cảm ơn bà trưởng phòng và nói:
"Tôi cũng nghĩ là sẽ chả có chuyện kiện tụng gì đâu, mà chỉ hy vọng là cuộc sống và mọi nguyên tắc hành chính hay luật pháp sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, dễ hiểu hơn và thuận lợi cho cả người dân và người thi hành công vụ, đặc biệt là vì tương lai của các công dân tý hon, bất kể các bé mang quốc tịch Ba Lan hay Việt Nam. Chúc bà nhiều sức khỏe và mọi sự tốt lành."
Như vậy, nhân đây, qua trang web của BBC, tôi muốn cho mọi người thấy là mọi việc đã sáng tỏ, bà con người Việt ở Ba Lan cứ mạnh dạn đặt tên cho con mình tên Việt và thêm cả tên Ba Lan hoặc tên tiếng Anh, nếu muốn.
Hy vọng là sẽ không có ai cảm thấy hoặc bị gây phiền hà trong các thủ tục hành chính. Khi chúng ta quyết tâm cùng lên tiếng, cùng đấu tranh và cùng có thiện ý để giải quyết vấn đề thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Ngô Hoàng Minh, phiên dịch tuyên thệ từ Warsaw.
Nguồn: Ngô Hoàng Minh/ BBC