“Từ lúc nhìn thấy anh ấy, tôi đã rất buồn vì tôi cảm thấy đó là một tình yêu không bao giờ có thể thực hiện được”, bà Ri Yong Hui, hiện nay đã 70 tuổi đang sống ở Hà Nội, kể về chuyện tình yêu của ông bà.
Chồng bà, ông Phạm Ngọc Cảnh, hiện 69 tuổi là một trong 200 sinh viên Việt Nam đến Triều Tiên vào năm 1967 để học các kỹ năng cần thiết về xây dựng lại quê hương sau khi chiến tranh kết thúc. Lúc đó ông Cảnh mới 18 tuổi.
Ông Phạm Ngọc Cảnh, người từng học ở Triều Tiên và vợ Ri Yong Hui cầm bức ảnh đầu tiên chụp cùng nhau vào mùa xuân năm 1971. Ảnh chụp ngày 12/2/2019. (Ảnh: REUTERS)
Trong thời gian học nghề kỹ sư hóa học tại một nhà máy phân bón ở bờ biển phía đông của Triều Tiên, ông Cảnh nhìn thấy bà Ri làm việc trong phòng thí nghiệm.
“Tôi tự nghĩ: ‘Mình phải cưới cô gái đó'”, ông Cảnh chia sẻ, cuối cùng ông cũng lấy hết can đảm để tiếp cận bà Ri và hỏi địa chỉ của bà.
Bạn bè của bà Ri đã nói với bà về người Việt Nam đang làm việc tại nhà máy và bà rất tò mò.
“Ngay khi nhìn thấy anh ấy, tôi biết đó là [người Việt được mọi người kể đến]. Anh ấy trông thật lộng lẫy”, bà Ri nói.
“Cho đến lúc đó, khi tôi nhìn thấy những người được gọi là đẹp trai, tôi không cảm thấy gì, nhưng khi anh ấy mở cửa, trái tim tôi như tan chảy”, bà Ri kể.
Nhưng vào thời điểm đó, ở Triều Tiên hay Việt Nam, các mối quan hệ với người nước ngoài đều bị nghiêm cấm.
Bức ảnh đầu tiên chụp cùng nhau của ông Cảnh và bà Ri vào mùa xuân năm 1971. (Ảnh: Reuters)
Sau khi 2 người trao đổi vài lá thư, bà Ri đồng ý cho ông Cảnh đến nhà bà.
Mặc quần áo của người Triều Tiên, ông Cảnh bắt đầu hành trình xe buýt kéo dài 3 giờ và đi bộ 2 km đến nhà của bà Ri, chuyến đi được lặp lại hàng tháng cho đến khi ông trở về Việt Nam vào năm 1973.
“Tôi đến nhà cô ấy một cách bí mật, giống như một du kích”, ông Cảnh nói.
Khi trở về Hà Nội, ông Cảnh cảm thấy vỡ mộng. 5 năm sau, vào năm 1978, Viện Kỹ thuật hóa học Việt Nam đã tổ chức một chuyến đi đến Triều Tiên. Ông Cảnh tham gia, và tìm cách gặp bà Ri. Nhưng mỗi lần họ gặp nhau, bà Ri kể rằng bà lại đau lòng hơn khi nghĩ rằng họ có thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Ông Cảnh đã từng viết một lá thư gửi đến lãnh đạo Triều Tiên, cầu xin cho phép họ kết hôn.
Ông Cảnh kể: “Khi nhìn thấy bức thư, cô ấy hỏi: ‘anh có ý định thuyết phục chính phủ của em không?”, nhưng ông không bao giờ gửi thư và thay vào đó yêu cầu bà hãy đợi ông.
Năm 1992, ông Cảnh một lần nữa xoay sở để có được một chuyến đi đến Triều Tiên với tư cách là phiên dịch viên cho một đoàn thể thao Việt Nam, nhưng không thể gặp bà Ri. Khi trở về Hà Nội, ông nhận được thư bà gửi cho ông. Và bà vẫn yêu ông.
Lá thư của bà Ri gửi ông Cảnh (Ảnh: BBC)
Vào cuối những năm 1990, người dân Triều Tiên rơi vào nạn đói khủng khiếp. Ông Cảnh rất quan tâm đến bà Ri và quê hương của bà, ông đã quyên góp 7 tấn gạo để gửi đến Triều Tiên.
Đó là một hành động đẹp, và chính hành động đó đã mở đường cho ông và bà Ri đến với nhau. Người dân Triều Tiên cảm kích về hành động của ông và đồng ý cho ông cưới bà, và sống ở một trong 2 quốc gia, với điều kiện bà Ri vẫn phải giữ quốc tịch Triều Tiên.
Ông Phạm Ngọc Cảnh kết hôn với bà Ri Yong Hui năm 2002 (Ảnh chụp màn hình từ bản tin của Reuters)
Năm 2002, hai người kết hôn tại đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng. Ông bà cũng tổ chức tiệc cưới tại Hà Nội nhưng không có người thân nào của bà được đi cùng và tham dự.
(Ảnh: BBC)
Kể từ đó tới nay, ông bà sống cùng nhau tại Hà Nội. Theo BBC, hai ông bà trú tại phố Thành Công.
Hai ông bà nắm tay nhau đi trên một con phố ở Hà Nội (Ảnh chụp màn hình từ bản tin của Reuters)
Nguồn: Thục Nhã
DKN.tv