Cảnh sát Anh cho biết các băng đảng Việt Nam ở Anh đang sản xuất lượng lớn cần sa. Ảnh: Sunday Times.
Đến khi bị bắt, Kim, gần 30 tuổi và đã có vài người con, đã nói y như vậy. Cô được coi là trẻ em và đưa vào trung tâm chăm sóc trẻ, theo một chương trình của chính phủ hỗ trợ nạn nhân buôn bán người và nô lệ hiện đại, có tên National Referral Mechanism (NRM – Chương trình Chuyển giao Quốc gia, chuyển tội phạm trẻ em sang trại trẻ). Cô sớm trốn thoát.
Tháng 3/2018, cảnh sát ở Lancashire phía tây bắc nước Anh bố ráp một trại cần sa. 6 người bị bắt, trong đó có Kim. Cô lại nói với cảnh sát rằng cô 16 tuổi và là nạn nhân của buôn bán người. Cảnh sát lấy mẫu vân tay, và thấy cô trùng khớp với đứa trẻ bỏ trốn khỏi trung tâm chăm sóc trẻ ở Milton Keynes.
Lỗ hổng dễ dàng bị lợi dụng
Không thể xác thực tuổi của Kim, cảnh sát chỉ có thể giữ cô cho đến khi nhân viên công tác xã hội từ Milton Keynes đến đưa cô về trung tâm chăm sóc trẻ em. Song chỉ trong 8 giờ, cô lại bỏ trốn.
Hai lần bỏ trốn của Kim minh chứng cho lỗ hổng trong Luật Chống Nô lệ Hiện đại của Thủ tướng Theresa May, cho phép các tội phạm Việt Nam ở Anh nói dối là trẻ em hoặc nạn nhân của buôn bán người để thoát truy tố, theo một điều tra của báo Sunday Times (Anh).
Cảnh sát đã cho Sunday Times xem bằng chứng cho thấy tội phạm người Việt ở các hạt Lancashire, Merseyside và Greater Manchester phía tây bắc Anh nói dối để được đưa vào trại trẻ theo chương trình NRM, vốn có mục tiêu ban đầu là hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán.
Luật Chống Nô lệ Hiện đại được coi là một thành tựu trong nhiệm kỳ Thủ tướng Theresa May. Ảnh: AP.
"Theo luật, bạn phải giả sử rằng họ dưới 18 tuổi trừ khi chứng minh được họ trên 18", điều tra viên Stuart Peall của nhóm chống bóc lột lao động ở Lancashire, nói với Sunday Times về lần trốn thoát thứ hai của Kim.
"Tôi cảm thấy cô ấy trên 18 tuổi, và nhiều khả năng sẽ chạy khỏi trại trẻ, nhưng không có đủ thời gian để xác định tuổi thật của cô ấy", ông Peall nói.
"Quy trình xác định tuổi sẽ mất nhiều tuần. Nếu không làm được trong 24 giờ, bạn sẽ phải quyết định nên thả người hoặc ra cáo trạng".
"Điều đó khiến chúng tôi bức xúc", ông Peall nói. "Không thể cứ giả vờ là trẻ em rồi chạy trốn lần này qua lần khác như vậy được".
Nhóm của ông kiểm tra laptop thu được từ cuộc bố ráp băng đảng cần sa, và tìm thấy tài khoản Facebook của Kim dưới biệt danh khác, trên đó có ảnh sinh nhật lần thứ 30 của cô và hai con. Cảnh sát theo manh mối và tìm thấy cô ở Blackpool tại trang trại cần sa khác. Kim lại nói với họ: "Tôi 16 tuổi và bị buôn bán".
"Nhưng lần này chúng tôi có đủ chứng cứ. Cô ấy biết đã bị lộ", Peall nói. Kim nhận tội và bị kết án 28 tháng tù.
Song lần cuối ông Peall nghe tin, Kim đang nộp đơn từ nhà tù để được hưởng thêm chế độ theo chương trình NRM.
"Nếu được chấp thuận, cô ấy sẽ tránh được việc bị trục xuất. Sau tất cả, cô ấy vẫn có thể làm đơn xin NRM. Sao có thể như vậy?", ông Peall nói với Sunday Times.
Cảnh sát thừa biết, nhưng phải theo luật
Cảnh sát bắt được kẻ cầm đầu băng đảng của Kim, Jack Nguyen, 28 tuổi, và phát hiện Jack từng nhắn tin cho nhóm: "Nếu bị bắt, nói cảnh sát là mình 15 tuổi, họ sẽ chuyển cho ở với một gia đình Tây".
Bạn gái của Jack, Thanh Thi Nguyen, làm đúng như lời khuyên. Thanh bị bắt ở Cumbria (tây bắc Anh), thậm chí phải ném túi tiền chứa 70.000 bảng Anh (88.000 USD) ra khỏi xe. Thanh cũng nói cô 15 tuổi.
Hai ví dụ lợi dụng lỗ hổng trong luật Anh: Huy Hoang Nguyen (trái) khai 16 tuổi, Thanh Thi Nguyen khai 15 tuổi. Ảnh: Sunday Times.
Theo Luật Chống Nô lệ Hiện đại, ban hành năm 2015, một tổ công tác được lập ra để giải quyết vấn nạn đang ảnh hưởng đến 13.000 người ở Anh, từ nhân viên làm móng, trồng cần sa đến phụ nữ bị ép hành nghề mại dâm.
Điều 45 của luật quy định không được truy tố trẻ em dưới 18 tuổi bị buôn bán dù chúng có phạm tội.
Tuần trước, cơ quan công tố Anh đã báo cáo lên văn phòng thủ tướng Anh về các lỗ hổng vô tình giúp tội phạm trên 18 tuổi thoát truy tố, kèm theo bằng chứng về bốn trường hợp lợi dụng lỗ hổng.
Trong trường hợp khác, một người Việt trồng cần sa được cảnh sát tìm thấy trong tư thế bị trói và bịt miệng trong một căn nhà ở tây bắc Anh, sau khi băng đảng khác đột nhập và cướp. Người này cũng nói mình 15 tuổi và bị buôn bán. Văn phòng công tố buộc phải dừng cáo trạng vì cảnh sát không thể chứng minh anh ta trên 18 tuổi.
Cảnh sát nói với Sunday Times "anh ta rõ ràng là người trưởng thành đang trồng lượng lớn cần sa".
Người này được đưa vào trại chăm sóc ở Lancashire và biến mất chỉ sau ba ngày. Thậm chí anh còn được đăng lên hệ thống cảnh sát quốc gia dưới mục trẻ mất tích. Anh ta bị cảnh sát bắt lần nữa ở Merseyside, lại trả lời 15 tuổi và bị buôn bán, để rồi lại được đưa tới dịch vụ chăm sóc. Một lần nữa, người này bỏ trốn và không rõ tung tích cho đến giờ.
Bên trong một căn hầm trồng cần sa ở Wiltshire, Anh. Ảnh: Guardian.
Băng đảng Việt hoạt động mạnh
Cảnh sát cho biết đây là thủ đoạn thường gặp trong số các băng nhóm Việt Nam trồng cần sa.
Họ còn ghi nhận việc tội phạm không nói dối là trẻ em, nhưng nói mình là nạn nhân của buôn bán người để tránh truy tố và được xử lý theo diện NRM. Thay vì chuyển vào trại trẻ như người dưới 18, những tội phạm trên 18 này được bố trí chỗ ở tạm và chăm sóc bởi tổ chức từ thiện Salvation Army, theo hợp đồng hàng triệu USD mà tổ chức đã ký với chính phủ Anh. Theo luật, nạn nhân buôn người sẽ phải hợp tác với cảnh sát để đưa những kẻ đã buôn bán họ ra ánh sáng.
Cảnh sát Anh cho biết các đường dây buôn người đang kiểm soát một phần hoạt động mại dâm và trồng cần sa ở Anh.
Chúng lừa người sang Anh bằng các lời hứa hẹn, nhưng cũng có thể dùng vũ lực, để rồi bóc lột nạn nhân ở các trang trại cần sa, tiệm làm móng, hoặc ép đi ăn cắp, ăn xin.
Họ nói thêm các băng đảng Việt Nam ở phía tây bắc Anh, Scotland và vùng West Midlands (miền trung nước Anh) đang sản xuất lượng lớn cần sa.
Sara Thornton, người phụ trách cố vấn cho chính phủ Anh về chống nô lệ hiện đại, cho biết sẽ tìm cách hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra để cải thiện cách thức hoạt động của NRM.
Nguồn: Trọng Thuấn/ Zing.vn