Đại đa số trong khoảng hơn 100 ngàn người Việt ở Đức đã có cuộc sống khá ổn định. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa khi đặt họ trong tương quan so sánh với những người Việt khác đang sống, làm việc hoặc học tập ở các nước cùng khu vực.
20 năm sau, những khoảng cách đông – tây đã được thu hẹp đáng kể, chủ yếu nhờ những khoản hỗ trợ nhiều tỉ euro được điều chuyển từ tây sang đông, tạo thêm những cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế .
"Với tôi, điểm mấu chốt là kết quả của 20 năm thống nhất về cơ bản là tích cực” – bà Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh dịp này, đồng thời cho rằng kể từ năm 1990 đến nay, người dân đông Đức đã điều chỉnh được rất tốt cuộc sống vốn bị thay đổi rất mạnh để nhanh chóng phù hợp với các bang miền tây.
Những người Việt quyết định không chấm dứt hợp đồng lao động sớm để ở lại Đức thời kỳ đó tất nhiên càng bội phần khó khăn, nếu không muốn nói là cơ cực. Đa số người lao động VN ra đi từ miền bắc, sau thời kỳ háo hức chuyển từ đông sang tây, hầu như đều vỡ mộng để rồi lại phải tìm đường quay lại miền đông quen thuộc. Cũng phải gia nhập đội quân mất việc như nhiều người Đức ở miền đông, nhưng với bản tính năng động, chịu khó bươn chải, nhiều người Việt đã chọn cách bung “ra đường” kiếm sống, chủ yếu là buôn bán nhỏ ngoài chợ. Một số còn liều lĩnh muốn kiếm tiền nhanh bằng cách bán thuốc lá lậu vỉa hè, tại các ga metro, với điểm đến tất yếu thường là…đồn cảnh sát, thậm chí cả nhà tù.
Tiền kiếm được có rủng rỉnh hơn nhưng cuộc sống của họ luôn bị hiểm nguy rình rập. Lo bị cảnh sát chộp thì ít, mà sợ hơn nhiều là bị những băng nhóm đầu trọc tấn công, hoặc bị các nhóm người Việt học đòi kiểu xã hội đen trấp lột, cướp bóc, hành hung…Những đồng mark kiếm được thời đó thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt cay đắng, xót xa.
Tháng 10/1994 khi sang Đức đưa tin bầu cử, tôi đã được tận mắt chứng kiến một phần cuộc sống “trong bấp bênh và phập phồng lo sợ” của nhiều người Việt ở Đức thời hậu thống nhất này. Tôi có nửa tháng sống chung với một số anh chị em người Việt ngày buôn bán nhỏ ngoài chợ, tối về tập trung tại một khu chưng cư cũ nát có tiếng về nhếch nhác và lộn xộn ở thủ đô Berlin.
Hầu như cô nào đã lập gia đình mà vẫn ở lại đều trong cảnh “già nhân ngãi non vợ chồng” với chàng nào đó, bởi thân gái dặm trường tiếng Đức bập bõm, không biết lái xe, không rành chuyện bán buôn, thì đều khó thể tự mình làm ăn nổi. Cánh nam nhi cần người chăm nom cho tổ ấm hờ, cần người đứng bán hàng, lo giữ tiền để còn có cái mà gửi về nước cho vợ con (nếu không thì lại vào casino, vào rượu chè hoặc “nuôi phở” nhẵn túi).
Trong nhóm có HĐ, một cô gái trẻ người Hà Nội, nhan sắc không mấy mặn mà, có số phận cũng tương tự như nhân vật chính trong tiểu thuyết “Quyên” của một nhà văn cũng xuất thân từ chính cộng đồng lao động xuất khẩu tại Đức. HĐ bị gã dẫn đường từ Tiệp sang giữ lại trong một khu rừng biên giới. Tới khi biết cô đã có mang, gã mới thả về một khu trại tị nạn ở Đức với lời hứa sẽ nhận con nếu là cu tí (gã đã có vợ và con gái ở VN). HĐ sinh con gái, phải sống nhờ vào sự cưu mang của mấy cô bạn sang Đức trước đã bung ra ngoài buôn bán. Sau này cũng chính họ giúp mai mối cô với một chàng lái xe tải người Đức vừa ly hôn.
10 năm sau tôi có dịp quay trở lại Đức và ghé thăm họ. Ngoài vài cô sau đó vẫn buộc phải về nước, số trụ lại được nay đều đã ổn định. Anh chồng người Đức của HĐ hết lòng yêu thương vợ và cô con gái riêng của HĐ. Họ có một tiệm bán trái cây nho nhỏ, chịu khó dành dụm nay HĐ đã có của ăn của để. Cuộc sống của cộng đồng người VN được đảm bảo hơn, theo họ, chủ yếu là nhờ các quy định về phúc lợi xã hội được thực hiện khá quy củ của Chính phủ Đức.
Giờ thì những người bạn của tôi đã có thể hàng năm đưa chồng (vợ), con từ Đức về nước nghỉ hè, được ở trong những căn hộ chung cư, nhà riêng và kể cả biệt thự, trang trại của chính mình (gửi tiền về nhờ người thân mua hộ). Không ít người làm ăn khấm khá, trở về nước đầu tư cũng khá nổi đình nổi đám...
Về những người VN ở Đức, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm nước Đức thống nhất (3/10/1990 – 3/10/2010), Ngài Đại sứ Đức tại VN Rolf Schulze đã đánh giá: họ hòa nhập rất tốt, được xã hội đón nhận và tới nay đã hiện diện ở mọi lĩnh vực kinh tế của Đức. Thật đáng mừng!
Kiều Anh
Theo DT