9.11.2Chồng chị Thanh qua đời trong một tai nạn giao thông ở Việt Nam. Không sống được với gia đình nhà chồng, chị đành bán nhà dắt theo đứa con nhỏ chạy sang Đức.

Người phụ nữ ngoại tứ tuần này tâm sự: "Duyên nợ cũng giống như số phận đã an bài, dù có tránh cũng không thể khác được“.

Những ngày mới sang đầy bỡ ngỡ, thân cô thế cô, không người quen biết, thằng con trai của chị lại hay ốm đau. Những lần mang thuốc lá ra chợ bán chị đã quen được với một người đàn ông Đức. Ông giới thiệu khách hàng cho chị và giúp đỡ rất nhiệt tình, lâu dần giữa hai người nảy sinh tình cảm.

Khi nên vợ thành chồng chị mới biết đó là một người thất nghiệp, suốt ngày rượu bia đến khi say khướt mới về nhà. Nhiều khi ông ta xô chị vào phòng ngủ hành hạ như kẻ ăn người ở. Mỗi lần như vậy chị đau đớn nhưng vẫn cắn răng chịu đựng vì quyền lưu trú và tương lai của đứa con.

Đến tận bây giờ mặc dù đã ở Đức hơn 10 năm song chị vẫn chưa được cư trú dài hạn, chị đành dắt đứa con đã 16 tuổi ra ở riêng. Chị nói trong nước mắt: "Sức chịu đựng của chị không thể hơn được nữa".

Những đôi đũa lệch

Có một lần tôi được mời tới dự một đám cưới tổ chức tại nhà thờ, cô dâu là một cô gái ở thế hệ 8x, còn chú rể là một người đàn ông tuổi đã ngoài 50. Khi được mời làm người chứng cho đám cưới, tôi thực sự bất ngờ khi nhìn vào giấy đăng ký kết hôn, thấy cha của cô dâu sinh năm 1957 còn chú rể sinh năm 1955. Dù không dám chắc hạnh phúc của mối tình "lệch“ đó sẽ đi về bến bờ nào, nhưng tôi vẫn nâng ly chúc họ đầu bạc răng long.

Đình đám hơn là trường hợp của Thu - một cô gái sinh năm 1986 tại tỉnh Vĩnh Long. Chẳng hiểu lý do gì mà mới 16 tuổi cô đã sang Đức ở trại tị nạn dành cho trẻ em. Chưa đến tuổi18, cô đã theo một ông lão chồng tuổi ngoài 70.

Vì được chồng chiều chuộng suốt ngày nên Thu không phải làm gì cả. Cô ngồi trên mạng chát chít ngày này qua ngày khác. Rồi đến một ngày kia khi ông chồng ra siêu thị mua đồ ăn thì Thu đã ra đi theo tiếng gọi của một tình yêu mới mà không một lời giã biệt. Tuy nhiên, đến ngày hết hạn hộ chiếu, Thu lại về tìm ông chồng già.

Không biết vì tình thương hay vì thân hình của người đẹp, ông lão lại chống ba toong dẫn Thu ra sở ngoại kiều để gia hạn.

Bi kịch từ những chuyện tình

Các cặp vợ chồng kiểu này có nghìn linh một lý do để dẫn nhau ra tòa. Mỗi bên đều có luật sư riêng và cuộc khẩu chiến chỉ kết thúc khi quan toà quyết định đường ai nấy đi. Có những cuộc tình đã để lại sự thương tâm trong cộng đồng người Việt. Vợ chết, chồng vào tù, những đứa con thơ trở thành kẻ mồ côi. Đó là hậu quả của những người đã coi trọng đồng tiền hơn tình nghĩa mà vụ án của Tran Minh Dat tại tiểu bang Baden-Württemberg là một ví dụ điển hình.

Sau một thời gian dài làm ăn, Tran Minh Dat đã mở được quán ăn nhỏ ở Lörrach (Baden-Württemberg). Anh đem lòng yêu mến và cưới một người phụ nữ Việt Nam làm phụ bếp cho một nhà hàng.

Sau một thời gian chung sống, người vợ đã đề nghị ly dị giả để Dat có thể cưới em gái cô ta, mục đích là để cô này được ở lại Đức lâu dài. Nghe vợ nói hợp tình hợp lý, anh đã đồng ý ly hôn, nhưng anh có ngờ đâu rằng đó là bước ngoặt khiến anh trở thành kẻ sát nhân sau này.

Sau vụ cưới giả, cô vợ muốn Dat sang tên nhà hàng cho cậu em trai của cô ta, để cậu ta có thu nhập ổn định và có khả năng gia hạn giấy tờ lưu trú. Thương các em, một lần nữa Dat lại nhượng bộ yêu cầu của vợ. Đến lúc này cô vợ mới giở bài ngửa, tìm lý do đuổi anh ra khỏi nhà hàng, nơi mà anh đã gắn bó và dồn cả tâm huyết vào đó.

Không chịu đựng được hành động tráo trở của vợ và các em vợ, Dat ra tay giết hại cả 3 chị em chỉ trong một đêm. Sau đó Dat gọi điện cho cảnh sát tự thú. Mới đây, Dat đã bị toà tuyên tù chung thân, và chỉ được xét ân xá sau 15 năm thi hành án.

Sự thật hiển nhiên ai gây án sẽ bị pháp luật trừng phạt, song với Dat - ước mơ xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài tại Đức đã khép lại.

Nụ cười hạnh phúc

Trong số những người vào kho Leipzig lấy hàng cuối tuần, tôi vẫn gặp chị Thơm vui vẻ bên người bạn đời đã bao năm chung sống. Hàng ngày chị vẫn được anh đưa đi bán hàng, những ngày lễ anh chị cùng đi chùa, vì theo anh chị đó là phong tục của người Việt cần gìn giữ.

Chị Thơm luôn tươi cười, chu đáo chăm sóc các con mang hai dòng máu Đức-Việt. Chị rất hãnh diện vì chồng, anh ấy luôn học hỏi về những truyền thống văn hoá Việt. Anh biết nấu cơm và rất thích ăn những món châu Á. Đặc biệt là các con chị nói tiếng Việt khá sõi và chúng rất hâm mộ của món phở do chị nấu. Chị cho biết đã hai lần chị đưa chồng và các con về thăm quê hương.

Chồng chị tâm sự: "Ước mơ lớn nhất của tôi là sau khi về hưu sẽ cùng vợ về sinh sống tại Việt Nam, tôi thấy người Việt Nam rất thân thiện, chan hoà cởi mở và mến khách".

Theo www.hoasentrang.de




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC