Trong năm 2015 có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu chính thức thôi quốc tịch Việt Nam là 4.474 người.
Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà tại Mỹ nhiều nhất thế giới, với 3 tỷ USD được chi trả trong vòng một năm (từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017).
Với số liệu này, Việt Nam đứng top 10 trong 5 năm liên tục từ 2013 – 2017 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà môi giới địa ốc Hoa Kỳ (NAR).
Con số 3 tỷ USD nói trên nhận được nhiều sự quan tâm vì đây không chỉ là câu chuyện của di cư dòng tiền mà còn là câu chuyện di cư dòng người.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài.
Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người).
Số người Việt di cư sang Đức trong vòng 10 năm là gần 113 nghìn người.
Ngoài ra, số người Việt di cư sang Canada là 182,8 nghìn người, Úc 227,3 nghìn người, Hàn Quốc 114 nghìn người,...
Tại các nước Đông Âu và một số nước châu Á như Lào, Campuchia, Malaysia mỗi nước có khoảng trên 10.000 người Việt di cư đến đây. Đặc biệt có Malaysia đã thu hút được đáng kể người Việt di cư với con số 87.000 người sống ở đây.
Việt Nam cũng được nhắc đến trong ấn bản "Migration and remittances factbook 2016" về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới của Ngân hàng Thế giới.
Việt Nam với vị trí nằm trong top 10 các quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, với số liệu tính đến năm 2013.
Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2015 có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu chính thức thôi quốc tịch Việt Nam là 4.474 người.
Chỉ riêng trong quý I/2017, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1.085 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trong đó có 1.077 hồ sơ xin thôi quốc tịch; 7 hồ sơ xin nhập quốc tịch.
Theo tài liệu "Quốc tịch và Luật Quốc tịch Việt Nam" của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, ở các nước phương Tây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước tư bản phát triển chiếm số lượng lớn nhất, khoảng 4/5 tổng số người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới.
Người Việt Nam ở khu vực này phần đông đã có quốc tịch nước sở tại do thủ tục xin nhập quốc tịch các nước này ít phức tạp, không đòi hỏi phải xin thôi quốc tịch gốc, chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật nhập cư là có thể được nhập tịch.
Riêng đối với Cộng hoà liên bang Đức, pháp luật về quốc tịch của Đức quy định người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Đức thì phải thôi quốc tịch mà họ đang có.
Do đó, hàng năm, số người Việt Nam định cư ở Đức xin thôi quốc tịch Việt Nam khá nhiều.
Nguồn: Nhà đầu tư