Gặp người phụ nữ Việt được tặng Huân chương Công trạng của CHLB ĐứcỞ Berlin có một CLB của phụ nữ Việt Nam mang tên Vinaphunu. Sau 10 năm hoạt động, ngày 16/10/2001, Chủ nhiệm CLB, một phụ nữ VN có tên Hoài Thu đã vinh dự được trao tặng Huân chương Công trạng của Tổng thống CHLB Đức.
Đây là Huân chương cao nhất ở mức Liên bang được trao cho chị vì sự đóng góp xứng đáng trong công tác tư vấn, chăm lo và giúp đỡ phụ nữ VN tại đây. Trước đó, vào năm 1999, chị Thu cũng đã nhận giải thưởng “Người phụ nữ Berlin” do Chính phủ bang Berlin trao tặng hàng năm dành cho những phụ nữ được bình chọn xuất sắc nhất.

Những thông tin ngắn ngủi song đầy ấn tượng về một phụ nữ VN nơi xứ người khiến tôi tìm tới CLB của chị vào một buổi tối. Đó là một ngôi nhà cũ nhưng khá rộng rãi gồm nhiều phòng nằm trong ngõ một con phố phía Đông Berlin thuộc quận Pankow.

Người dẫn đường lái xe đưa tôi đến không phải là một phụ nữ VN, mà lại là một phụ nữ Nhật Bản, cô là một nàng dâu Việt, thành viên thân thiết và tích cực của Vinaphunu.

Vừa đến chân cầu thang CLB, tôi đã nghe tiếng trao đổi điện thoại bằng tiếng Đức rất chuẩn xác đầy tự tin như một người bản xứ, phong cách âm điệu kiểu “ăn to nói lớn”. Té ra chính là bà Chủ tịch, câu chuyện kết thúc bằng một tràng cười nổ giòn như ngô rang...

Khác hẳn với hình dung của tôi về một môtíp phụ nữ Việt mảnh dẻ, nhẹ nhàng, hoặc thoảng có chút kiêu sang vốn có của những phụ nữ trí thức thành đạt, người phụ nữ VN đầu tiên và duy nhất đến nay nhận Huân chương Công trạng của Đức (nghe nói na ná như Bắc đẩu bội tinh của Pháp) đang ngồi trước mặt tôi lại rất xởi lởi, và có đôi nét cá tính hiện đại của một phụ nữ Âu châu…

Là con gái Hà thành chính hiệu, sinh năm 1958, chị tốt nghiệp ĐHTH Văn, từng làm việc tại Viện KHXH VN, sang Đức từ năm 1983 làm phiên dịch cho đội lao động Việt Nam thời Đông Đức.

Đến khi bức tường Berlin sụp đổ, thấy cảnh nhiều chị em VN mình bơ vơ trước sự biến chuyển của thời cuộc, được sự giúp đỡ của một số bạn bè người Đức, chính chị Thu đã viết dự án trình chính quyền sở tại và sáng lập ra CLB này dưới sự bảo trợ ngân sách của nước Đức.

Vinaphunu ra đời vào năm 1991 với tiêu chí giúp đỡ phụ nữ VN sống tại Berlin hòa nhập bằng các chương trình tư vấn xã hội và pháp lý hoàn toàn miễn phí.

“Những phụ nữ VN trong diện công nhân hiệp định thời đó phải chịu rất nhiều gánh nặng: Không được hưởng chế độ cư trú ổn định, luôn phải đi tìm chỗ làm để có thể gia hạn cư trú, lo âu cho tương lai của mình và con cái… Song cuối cùng thời gian cư trú của họ tại Đông Đức cũ cũng đã được công nhận. Con em họ đã được đến trường và nhiều em là học sinh xuất sắc, chúng quen thuộc cả văn hóa Đức cũng như văn hóa Việt. Một số chị đã xây dựng được một tương lai nghề nghiệp vững chắc. Kết quả này có sự đóng góp 10 năm hoạt động của Vinaphunu. Nhắc đến những phụ nữ VN tự tin ở Berlin, ai mà chả nhớ đến tên Thu”.

Đó là lời của một viên chức người Đức vùng Berlin/ Brandenburg dành cho CLB này.

Sau 10 năm hoạt động, thành công và hiệu quả của CLB phụ nữ Việt trên đất khách này đã được chính những người quản lý xã hội nước sở tại ghi nhận.


Chị Hoài Thu tại lễ nhận Huân chương Công trạng của TT CHLB Đức.(Ảnh tư liệu

Nữ Bộ trưởng Bộ Lao động-Xã hội và Phụ nữ tiểu bang Berlin Gabriele Schottle thời đó đánh giá:

“Những hoạt động văn hóa đa dạng đã biến Vinaphunu thành một địa điểm giao lưu. Những người phụ nữ có thể cùng nhau tổ chức sinh hoạt trong thời gian rảnh rỗi và thường tìm ra được lối thoát khỏi sự cô lập của mình. Vinaphunu, vì thế không chỉ là điểm hẹn cho những ai cần sự tư vấn góp ý… Dự án đã thành công và giúp nhiều phụ nữ thoát ra được những hoàn cảnh sống khó khăn. Vinaphunu đã đạt tiếng tăm và sự công nhận vượt ra ngoài phạm vi thành phố”.

Hãy điểm qua lịch sinh hoạt của CLB mỗi ngày duy trì đều đặn trong suốt cả chục năm qua, mới thấy sự thiết thực của nó tới nhường nào cho cái cộng đồng phụ nữ Việt nhỏ bé nơi đất khách này: Tư vấn các vấn đề xã hội từ 17-21h tất cả các ngày; tối thứ ba - cố vấn pháp luật của luật sư chuyên trách về ngoại kiều với sự hiện diện của phiên dịch; thứ bảy – sinh hoạt nữ công gia chánh để giữ gìn nghệ thuật ẩm thực dân tộc, trao đổi kinh nghiệm về gia đình, hôn nhân, nuôi dạy con cái…; các lớp dạy tiếng Đức dành cho phụ nữ và lớp tiếng Việt dành cho trẻ em; phòng thư viện mini với hàng trăm đầu sách Việt… Xin lưu ý tất cả đều miễn phí.

Luôn luôn với phụ nữ chúng ta là những lo toan, toan tính gần xa. Đã ai đếm được những giọt nước mắt ngắn dài của nỗi lòng những phụ nữ xa xứ vì biết bao gánh nặng đè lên đôi vai: Lạc lõng giữa xứ lạ, bạo lực trong gia đình, vất vả mưu sinh, rồi những đổ vỡ, những mất mát, thiệt thòi… Nhưng cũng có những giọt nước mắt hạnh phúc như của bố mẹ các cháu khi nhìn thấy con mình đọc thông, viết thạo tiếng mẹ đẻ…

Lời tự sự của chị Hoài Thu trong cuốn giai phẩm nhân 10 năm thành lập CLB


Hiện cộng đồng người Việt tại Berlin đã xuất hiện thế hệ thứ 2, đó là những thanh thiếu niên “người Đức gốc Việt” theo đúng nghĩa của cụm từ này.

Ngoài nguy cơ không rành tiếng Việt, một mối bận tâm lớn mà chị Hoài Thu cho tôi biết, đó là sự “xung đột” giữa bố mẹ và con cái trong cùng gia đình. Luật của Đức cho phép con cái tới năm 18 tuổi có quyền được ra ở riêng, và Chính phủ phải trả khoảng 500 euro/tháng tiền thuê nhà nếu chúng có nhu cầu.

Chị Thu kể, có những bà mẹ gặp chị khóc ròng bởi đứa con gái thân yêu vừa tới tuổi cập kê đùng đùng đòi ra ở riêng, sau một lần bà mẹ bắt gặp nó đang ngủ với bạn trai tại nhà. Thậm chí, có bà mẹ bị con kiện ra tòa chỉ vì bực quá lỡ tay đánh nó mấy cái.

Rõ ràng, sự “xung đột văn hóa Á– Âu” trong những gia đình 2 thế hệ này quả là không dễ tư vấn chút nào, nhất là khi bố mẹ và con cái mỗi người nói 1 thứ tiếng, tư duy trên những quan điểm khác nhau.

Suốt nhiều năm qua, chị Thu còn có một công việc hết sức đặc biệt, đó là thăm nom và phiên dịch cho những tù nhân người Việt trong các trại giam ở Berlin.


Những lá thư của tù nhân người Việt gửi cho chị Thu từ nhà tù Berlin (CHLB Đức)
Tôi đã được đọc rất nhiều những bức thư, những bài thơ chân thành, mộc mạc của những tù nhân người mình gửi cho chị trong dịp Tết Nguyên đán 2006 vừa qua.

Tất cả họ đều coi chị Thu như một người chị, người mẹ tinh thần thường xuyên tới thăm hỏi động viên, giúp đỡ pháp lý cho họ, sau những lầm lỡ vi phạm pháp luật của Đức.

Chị Thu cho tôi xem một bức thư với những vần thơ đầy cảm động viết tặng chị của một trùm băng đảng tên T. khét tiếng một thời, anh ta can tội bắn chết 9 người Việt thời còn tranh giành chỗ bán thuốc lá lậu tại Đông Berlin (nước Đức không có án tử hình).

Ở xứ trời Âu này, nhất là vào những ngày băng giá mùa đông, mới cảm thấy thấm thía hết sự trống trải, cô đơn của người Việt tha hương. Bởi vậy, cái ngôi nhà xây bằng gạch đỏ cũ kỹ nằm khuất nẻo trên một phố nhỏ giữa Berlin - trụ sở Vinaphunu – như có sức hút kỳ lạ với những tâm hồn Việt, những mảnh đời Việt tụ lại chia sẻ, quây quần với nhau.

Và trái tim của căn nhà nồng ấm thuần Việt này chính là một người phụ nữ gốc Hà thành, chị Hoài Thu.


Theo Tiền Phong







 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC