Năm 1956 chúng tôi gồm 198 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được cử sang Đức học.
Trường chúng tôi mang tên Nhà Văn Nga-Xô- viết Maxim-Gorki ở thành phố Dresden, cách Berlin khoảng 200km về phía Đông-Nam. Dresden, nằm bên bờ sông En thơ mộng, là một trong những thành phố đẹp nhất nước Đức và châu Âu. Thành phố này cũng được UNESCO công nhận là di sản thế giới, có rất nhiều thắng cảnh và các điểm tham quan du lịch.
Năm 1956 hòa bình mới lập lại ở miền Bắc Việt Nam. Tổ quốc chúng ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Bắc-Nam. Nước Đức mới thoát khỏi chiến tranh thế giới lần thứ II, cũng bị chia cắt làm hai miền Đông-Tây.
Tuy nước Đức còn có nhiều thiếu thốn, nhưng chúng tôi được cung cấp rất đầy đủ và được chăm sóc chu đáo.
Học sinh Việt Nam chỉ có 198 người, nhưng có tới 144 cán bộ công nhân viên của nhà trường từ thầy hiệu trưởng đến cô quét dọn. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là ăn, ngủ, học và chơi.
Năm 1957 nhân dịp Bác Hồ di thăm các nước XHCN và CHDC Đức, Bác có nói vui với các đồng chí lãnh đạo nước bạn là chúng tôi đã được chiều quá.
Foto: Cùng cô giáo du lịch trên sông Elbe năm 2005.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày đến và học tập ở nước Đức 29.9.1956 - 29.9.2016 chúng tôi đã xuất bản cuốn kỷ yếu “ Một thời để nhớ”.
Và để tri ân các thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường và các bạn Đức, nhân dịp kỷ niệm 62 năm, chúng tôi đã dịch và xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Đức. Có bao nhiêu là kỷ niệm với các thầy cô thời ấy.
Khi học ở trường Maxim-Gorki chúng tôi được chia thành 9 lớp. Mỗi lớp đều có thầy cô chủ nhiệm. Sau thời gian sinh sống và học tập ở trường Maxim-Gorki, chúng tôi đã về nước nghỉ hè rồi trở lại Đức học Đại học. Đại diện các lớp đều về thăm thầy cô chủ nhiệm của mình mỗi khi có dịp.
Riêng thầy Guenter Hellbarth của lớp toán 1+8 chúng tôi và cô Brunhilde Meier của toán 6 là được học trò chúng tôi thăm nhiều nhất. Trước 1990 tôi thường được đi dịch cho các cán bộ lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp hoặc của Trung ương sang thăm hoặc đàm phán với CHDC Đức. Sau ngày thống nhất nước Đức tôi được làm Đại diện trưởng cho một ngân hàng lớn của Đức nên hàng năm tôi lại có dịp sang Đức họp. Do vậy tôi lại có dịp sang thăm thầy. Năm 2009 tôi sang thăm thầy, không ngờ đấy là lần cuối cùng.
Cô Meier cũng được các bạn toán 6 thường xuyên đến thăm và hàng năm vẫn gọi điện chúc sinh nhật cô.
Sinh nhật lần thứ 91 của cô năm 2017, các bạn không gọi điện chúc mừng cô nhưng không được. Các bạn lo quá. Bạn Nguyễn Ngọc Quang học sinh toán 6, trước đây công tác tại TCT Technoimport đã gọi điện cho bạn Bùi Hồng Phương đang sống ở Thụy sĩ và đề nghị Phương tìm cách liên hệ với cô.
Phương đã gọi điện đến rất nhiều bệnh viện và nhà dưỡng lão ở thành phố Dresden để hỏi thông tin về cô. Cuối cùng cũng biết được. Cô bị ngã, tuổi đã quá cao, nên họ đã đưa cô vào nhà dưỡng lão. Các bạn vội vã đi tìm số điện thoại của nhà dưỡng lão đó.
Cuối cùng ông Phạm Thế Cường báo số điện thoại cho tôi và tôi lại báo chị Vân Sơn là học sinh cũ và đang cư trú tại Đức. Chị Sơn đã đến thăm và nói chuyện rất lâu với cô. Cô vô cùng phấn khởi khi các học trò cách đây 60 năm vẫn tìm đến.
Năm nay, 2018, Phan Quang Trung, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cũng là học sinh toán 6 lại sang thăm cô.
Cô vẫn thường nói 3 năm dạy các học sinh Việt nam ở trường Maxim-Gorki là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời cô. Còn thầy Hellbarth của lớp tôi vẫn còn giữ những bài tập xưa kia của chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi thăm thầy, khi chúng tôi ra về thầy đều khóc.
Tôi nghĩ ít có những quan hệ thầy trò sau hơn 60 năm, tuy cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng vẫn khăng khít. Đó là một biểu hiện bền chặt của tình hữu nghị Đức-Việt.
Nguồn: Cù Huy Phán Táo
Dân Việt