Vừa hút điếu thuốc ở ven đường tại Nhật, anh Nghĩa hú hồn khi thấy một người gần đó bị bắt, lập biên bản cũng vì lý do tương tự. 

Anh Đoàn Nghĩa, (quận 4, TP HCM) kể lần đầu sang Nhật công tác, sau khi đi tàu điện từ sân bay Narita đến Tokyo khá lâu, anh thèm thuốc lá nên khi xuống ga là hút một điếu bên đường, do không thấy biển cấm và chỗ đó cũng khá vắng. Hút xong, anh tiếp tục đi bộ thì gặp cảnh một người đàn ông đang hút thuốc bị bắt gần đó. “Từ ấy mình cạch hút thuốc tùy tiện, chỉ dám châm ở những chỗ có gạt tàn”, anh Nghĩa nói.

42 1 Nguoi Viet Cai Thoi Xau Sau Nhung Lan Hanh Xu Phan Cam O Nuoc Ngoai

Sau một tuần công tác, anh được một đối tác người Nhật tặng chiếc bật lửa kèm cái túi da. Thấy chiếc túi lạ quá, rất nhỏ, đựng tiền không vừa, bên trong còn có một lớp kim loại, anh hỏi thì người Nhật cho biết, túi này để giắt bên người, đựng gạt tàn và dụi thuốc.

“Ông ấy nói thấy người Việt Nam toàn gạt tàn xuống đường (chắc từng thấy tôi làm vậy) và vứt tàn thuốc lung tung, dễ gây hoả hoạn và ô nhiễm. Tôi nhận mà trong lòng cảm thấy xấu hổ quá”, anh Nghĩa nói.

42 2 Nguoi Viet Cai Thoi Xau Sau Nhung Lan Hanh Xu Phan Cam O Nuoc Ngoai

Chiếc túi nhỏ đựng gạt tàn di động được người Nhật sử dụng rộng rãi. Ảnh: Amazon.

Anh Bùi Kiên, người Hà Nội, kể, khi mới ra nước ngoài, anh cũng từng hành động bất lịch sự mà không hề biết.

Đó là lần đầu tiên đến Singapore, theo thói quen, xuống sân bay là anh chạy thẳng ra ngoài định bắt xe, nhưng lập tức bị nhân viên nhắc nhở là phải xếp hàng đợi tới lượt. Từ lần sau, mỗi khi đi đâu, anh đều đọc các quy định, quan sát mọi người xung quanh để không mắc lỗi nữa.

Hiện định cư tại Canada, anh Kiên kể, sau hai năm sống ở đây và thường xuyên tiếp xúc với người dân bản xứ, anh và gia đình càng thay đổi nhiều hơn.

Hồi mới sang, anh khá sốc khi nghe một đồng hương kể chuyện họ đến thăm bạn, nhưng khi bấm chuông thì người ấy không ra mở cửa và sau đó giải thích “vì đến mà không hẹn trước”. Vốn luôn nghĩ bạn bè thì thích đến thăm nhau lúc nào cũng được, từ đó, anh Kiên định qua đâu đều phải gọi điện hỏi trước. Anh cho rằng đây cũng là lý do người phương Tây thường rất đúng giờ.

Vợ chồng anh cũng nhận ra cần thay đổi tính tò mò về những thứ thuộc về người khác, sau vài lần bị các con “chỉnh”. Hai con anh, học cấp 2 và tiểu học, đều được nhà trường dạy rất kỹ về quyền riêng tư.

“Khi vợ tôi muốn tắm giúp con, bé vặc ngay ‘Đây là cơ thể của con, mẹ muốn phải hỏi ý con trước’. Lúc tôi hỏi con xem bữa trưa các bạn khác ăn uống thế nào (vì mỗi cháu tự mang đồ ăn tới lớp) thì con nói cô giáo bảo không được nhìn thức ăn của bạn”, anh Kiên kể.

Trở lại Việt Nam hè rồi, anh Kiên nhận ra sự khác biệt rõ rệt, khi thấy có gia đình làm đám cưới thì chặn luôn cả một đoạn đường để dựng rạp và mọi người đều coi là bình thường. Anh cho rằng việc một số người Việt vẽ bậy lên di tích lịch sử ở Nhật, có lẽ cũng vì không biết và không tôn trọng giới hạn về quyền sở hữu.

42 3 Nguoi Viet Cai Thoi Xau Sau Nhung Lan Hanh Xu Phan Cam O Nuoc Ngoai

Thư viện miễn phí đặt ở nhiều nơi tại khu anh Kiên sống, mọi người đều có thể ngồi đọc sách và hầu như không ai lấy mang về bao giờ. Ảnh: Bùi Kiên.

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết.

Thời mới sang Đức học, có lần, thấy đường vắng, chị băng qua đường lúc đèn đỏ, trong khi một người Đức đi cùng chiều thì dừng lại. Sau đó, ông ta tiến đến phía chị và mắng: “Tại sao cô lại vượt đèn đỏ? Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến cô mà còn làm tấm gương xấu cho bọn trẻ xung quanh, khiến chúng có thể bắt chước”.

Khi lên tới vỉa hè, chị và đám bạn vẫn run vì lúc sang đường, thấy các tài xế đi ngang qua tỏ vô cùng khó chịu và cố tình đi thật nhanh, như muốn đâm chết người vi phạm để hù dọa. “Sau lần đấy thì tôi không bao giờ vượt đèn đỏ nữa”, chị Hương kể.

Sang Đức, chị cũng học được cách sống tế nhị, không làm phiền người khác.

“Giảng đường đại học rất yên tĩnh. Chỉ có tiếng giày của mình cộp cộp. Tôi nghe xong, tự thấy xấu hổ, ngày hôm sau cất luôn giày cao gót ở nhà, mua một đôi thể thao đi cho êm”, chị kể.

Muốn hòa nhập nơi mới, không có cách nào khác là tìm hiểu văn hóa, giao lưu với người bản xứ và sửa mình cho phù hợp – là đúc kết của những người Việt sống ở nước ngoài.

Sau 4 năm theo chồng đến sống ở thành phố Alessandria, Italy, chị Trần Tuyết đã thay đổi bản thân khá nhiều.

Hồi mới sang, chị thấy rác là vứt tất cả vào một thùng như hồi còn ở nhà và bị chồng nhắc nhở. Hóa ra ở đây, họ phân rác thành từng loại: Nhựa, giấy, chai lọ thủy tinh và đồ hữu cơ. Nếu ai bị phát hiện không phân loại rác đúng thì có thể bị tòa án gọi lên.

Một thói quen khác chị cũng được chồng nhắc sửa là buộc tóc cho con gái ở cạnh bàn ăn. “Buộc tóc là phải ở trong phòng thay đồ hoặc nơi khác, cấm kỵ làm ở ngay bàn ăn vì tóc có thể rơi vào đồ ăn, khiến người khác rất khó chịu”, chị Tuyết nhắc lại lời chồng. Anh đã dành cả buổi để dạy con gái riêng của vợ về cách ăn uống không phát ra tiếng kêu, ngồi ngay ngắn, không bốc bải.

Lần đầu ra đường thấy ai dẫn chó đều cầm sẵn chiếc túi ni lông, chị Tuyết ngạc nhiên. Về sau chị mới biết, túi đó để đựng phân của chó, giúp không ai phải nhìn hay giẫm phải “mìn” khi đi trên đường.

42 4 Nguoi Viet Cai Thoi Xau Sau Nhung Lan Hanh Xu Phan Cam O Nuoc Ngoai

Nhà chị Trần Tuyết ở Italy có 4 chiếc thùng để đựng 4 loại rác khác nhau:

Nhựa, giấy, chai lọ thủy tinh và đồ hữu cơ. Nếu ai bị phát hiện không phân loại rác đúng thì có thể bị tòa án gọi lên.

Cũng lấy chồng nước ngoài, chị Thanh Nga, sau 10 năm ở thành phố Bruxelles, Bỉ, cho hay, điều chị thay đổi đầu tiên khi sang đây là thói quen giờ “cao su”.

Từ các cuộc hẹn cho tới nơi làm việc, đúng giờ là nguyên tắc tối thiểu mọi người tuân theo. “Tôi làm ở nhà trẻ nên phải đến sớm khoảng 10-15 phút để nhận các bé. Chỉ cần trễ vài lần sẽ bị sếp gọi lên kiểm điểm, thậm chí mở cả cuộc họp để chấn chỉnh”, chị Nga nói.

“Sếp tôi nói công việc cá nhân và công việc ở cơ quan không liên quan gì đến nhau nên không cần phải giải thích gì thêm”, chị kể.

Theo một khảo sát hồi đầu năm của Thành đoàn TP HCM, 4 hành vi ứng xử không phù hợp hàng đầu ở giới trẻ hiện nay là: xả rác bừa bãi nơi công cộng, văng tục chửi thề, chen lấn xô đẩy, viết bậy – bôi bẩn nơi công cộng.

Chia sẻ trong tọa đàm về “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng” tại TP HCM cuối tháng ba vừa qua, tiến sĩ Đào Minh Hồng, nguyên trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), cho biết, nhiều người Việt dù ở nhà rất tùy tiện nhưng ra nước ngoài rất tuân thủ các quy tắc ứng xử nơi công cộng của nước sở tại. Lý do, theo bà, ngoài danh dự, ý thức, còn là chuyện giám sát và quy định xử phạt.

“Lẽ ra chúng ta phải có các quy tắc, luật lệ rõ ràng, hình phạt cụ thể với các hành vi vi phạm”, bà Hồng nói.

 

Nguồn: Vương Linh – Vân Anh – Hoàng Anh

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC