Chiều 14-4, anh Phạm Hoài Nam, em rể ông S., cho biết sau khi họp bàn, gia đình đã quyết định đồng ý với đề nghị của bệnh viện ở München (Đức), hiến xác ông S. để các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh COVID-19.
Mong giúp ích cho khoa học
Theo anh Nam, sau khi được gia đình đồng ý, từ hôm nay 14-4, các nhà khoa học Đức sẽ tiến hành mổ tử thi để nghiên cứu quá trình xâm nhập cơ thể cũng như sự tấn công, tàn phá của virus corona chủng mới với các bộ phận con người.
Công việc này dự kiến kéo dài từ 2-3 tuần, sau đó bệnh viện sẽ hỏa thiêu và gửi tro cốt để gia đình mai táng.
Cũng theo anh Nam, sở dĩ gia đình đồng ý hiến xác ông S. là vì mọi người trước nay luôn ủng hộ việc làm vì mục đích khoa học này. Một số thành viên trong gia đình lớn của anh Nam cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi chết. Và họ biết lúc còn sống ông S. đã từng có mong muốn đó.
Thêm nữa họ còn bị thuyết phục bởi lập luận của các nhà chuyên môn ở Đức. Đó là mặc dù ông S. có bệnh tiểu đường đã nhiều năm nay nhưng diễn biến chuyển bệnh nguy kịch của ông quá nhanh, chỉ trong vòng 7 ngày không thể qua khỏi, cộng thêm đó là những giả thuyết chưa tiết lộ về chủng virus corona trong ca bệnh của ông S. Đây là những vấn đề giới khoa học Đức mong muốn nghiên cứu làm rõ.
Lây bệnh từ bên ngoài?
Theo một số nguồn tin ban đầu thì ông S. bị lây bệnh từ vợ, song theo anh Nam có vẻ sự việc chưa hẳn là thế. Đó là việc bà N.T.L. (vợ ông S.) cũng có biểu hiện ho, sốt, nhưng tới hôm nay 14-4 bà vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.
Bà L. đã tự cách ly ở nhà từ 4-4, ngày ông S. phải nhập viện cấp cứu và sau đó có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tới hôm nay, theo quy định cách ly theo dõi bắt buộc 14 ngày, bà L. còn 4 ngày nữa mới hết thời hạn theo dõi bệnh cần thiết.
Chiều 14-4, ông Vũ Lương - nguyên trưởng đại diện báo Giao Thông ở phía Nam, nay đã nghỉ hưu và định cư tại Berlin (Đức) - chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online diễn biến cụ thể ca bệnh của ông S. qua những chia sẻ của bà T.L. với ông.
Theo những ký ức chắp nối lại của bà L., nhiều khả năng ông S. bị lây bệnh trong ngày chủ nhật 29-3 khi đi bỏ phiếu trực tiếp tại phòng bầu cử.
Trước đó nửa tháng, vì bang Bayern và thành phố München đang là tâm dịch COVID-19 nên hai vợ chồng bà đã chấp hành nghiêm túc lệnh hạn chế đi lại của chính quyền. Đáng lẽ ông S. có thể bầu qua thư nhưng vẫn muốn tới phòng bỏ phiếu trực tiếp như một cách thư giãn sau hơn chục ngày phải ở trong nhà.
Tấm ảnh kỷ niệm của vợ chồng ông S. - Ảnh: NVCC
Ông S. có kể lại với vợ sau khi bỏ phiếu đã đi dạo vài vòng trong công viên rồi mới lên tàu về nhà. Tới ngày 1-4 ông bắt đầu ho, có cảm giác như bị cảm lạnh. Ngày 2-4 ông bị ho nhiều hơn, người mệt mỏi và đau đầu. Ngày sau đó ông tiếp tục bị sốt cao, ho và đau người.
Đêm 3-4 ông chuyển bệnh nặng nhưng vì bà L. không biết lái xe nên phải chờ tới sáng hôm sau mới cùng chồng đi xe buýt tới viện.
Ngày 8-4 nhân viên y tế tới nhà kiểm tra thân nhiệt của bà L. và lấy mẫu xét nghiệm. Tới ngày 9-4 em trai của ông S. báo tin ông phải dùng máy trợ thở và đã không thể qua khỏi 2 ngày sau đó.
Ông S. là người thứ 2.607 tử vong trên đất Đức nhưng là người Việt đầu tiên chết vì bệnh COVID-19.
D. KIM THOA
Tuổi Trẻ Online